Tin nóng bất động sản tuần qua (14-19/6/2021)

Sức mua bất động sản lao dốc, mua ngay hay găm tiền chờ “bắt đáy”; dự án nghìn tỷ của Tân Á Đại Thành được rao bán chưa đủ điều kiện; Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết dần lộ diện, dân đầu tư đổ xô “săn đất” Bình Thuận; liên danh Sơn Hải – Đèo Cả trúng gói thầu nghìn tỷ thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam; Tập đoàn T&T sắp khởi công khu du lịch hơn 3.600 tỷ đồng ở Thanh Hoá… là những thông tin được quan tâm nhất tuần qua.

Sức mua bất động sản lao dốc, mua ngay hay găm tiền chờ “bắt đáy”?

Nếu quý 1/2021 ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan cho việc khôi phục thị trường bất động sản, thì làn sóng Covid-19 thứ tư bất ngờ bùng phát mạnh mẽ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước vào giữa quý 2 đã khiến nền kinh tế toàn quốc nói chung và thị trường bất động sản nói riêng lâm vào thế khó.

Nhìn từ bức tranh kinh tế vĩ mô và các tác động xã hội, trong nửa đầu năm 2021, Việt Nam chịu tác động nặng nề bởi tình hình dịch bệnh bùng phát. Dù mong muốn hướng đến mục tiêu kép là kiểm soát dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế, nhưng trên thực tế Việt Nam vẫn còn đối diện với nhiều vấn đề khó khăn.

TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam, nhận định với tình trạng an ninh thắt chặt, các nhà đầu tư trong và ngoài nước không có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc đi lại giao thương, thị trường bất động sản thời gian gần đây chứng kiến sức mua giảm. Các nhà đầu tư đều ở trong trạng thái dè chừng và thận trọng khi quyết định đầu tư bất động sản.

Theo quan sát của Savills Việt Nam, sáu tháng qua, thị trường phía nam gần như chỉ có vài dự án mới ở TP.HCM tập trung ở phân khúc trung cao cấp và cao cấp được đưa ra thị trường. Một số dự án nữa ở các tỉnh thành lân cận như Bình Dương. Trong khi nhiều dự án có kế hoạch ra mắt trong năm nay do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh cũng phải điều chỉnh lại thời điểm triển khai.

Đối với những sản phẩm tốt, đây là một cơ hội để minh chứng giá trị sản phẩm và tiềm lực của những nhà phát triển uy tín trên thị trường. Song, đối với những sản phẩm không phù hợp, đây là một thời điểm khó để thị trường hấp thụ những sản phẩm này. Ngoài ra, vấn đề pháp lý của các dự án vẫn là câu chuyện kéo dài từ nhiều năm nay, dẫn đến tình trạng nguồn cung sơ cấp trên thị trường bị hạn chế.

Dự án Bãi Lữ của Tân Á Đại Thành được rao bán chưa đủ điều kiện

Sở Xây dựng Nghệ An vừa có văn bản gửi CTCP Đầu tư Kinh doanh Bãi Lữ liên quan đến dự án khu du lịch sinh thái Bãi Lữ tại xã Nghi Yên và Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc. Theo phản ánh, thời gian gần đây, tại dự án đang diễn ra các hoạt động quảng cáo, rao bán các sản phẩm.

Sở nhấn mạnh, đến thời điểm này, Sở chưa có văn bản thông báo dự án đủ điều kiện huy động vốn thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết.

Tin nóng bất động sản tuần qua (14-19/6/2021) - Ảnh 1

Bên cạnh đó, dự án cũng chưa có văn bản thông báo đủ điều kiện được bán nhà ở hình thành trong tương lai. Vì vậy, chủ đầu tư chưa được phép ký các loại hợp đồng huy động vốn này đối với các sản phẩm nhà ở tại dự án.

Đồng thời, Sở yêu cầu Công ty Bãi Lữ phải liên hệ với các tổ chức, cá nhân, sàn giao dịch bất động sản có liên quan đã đăng tin quảng cáo rao bán sản phẩm nhà ở trên các trang mạng để đính chính và gỡ các thông tin này.

Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết dần lộ diện, dân đầu tư đổ xô “săn đất” Bình Thuận

Sau hơn 9 tháng khởi công, tuyến cao Dầu Giây – Phan Thiết hơn 12.500 tỉ đồng đang dần lộ diện. Tạo một cú hích cực lớn giúp bất động sản Bình Thuận hút nhà đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Sau khi hoàn thành, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh Nam Trung Bộ, cũng như giải quyết tình trạng quá tải cho Quốc lộ 1A, kích thích giao thương phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt là các thành phố du lịch, kích thích thu hút lượng du khách lớn đến các tỉnh miền Nam: Phan Thiết, Mũi Né, Vũng Tàu, Long Khánh, Đà Lạt,… Dự án được đánh giá có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội của Bình Thuận và các vùng lân cận.

Với việc dự án Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đang dần lộ diện cùng tin vui về tiến độ của những dự án hạ tầng sân bay, cao tốc, cảng biển… khiến Phan Thiết – Bình Thuận được kỳ vọng sẽ phát triển một thị trường bất động sản sôi động như Phú Quốc, Đà Nẵng hay Nha Trang đã từng đi trước, quy tụ nhiều “đại bàng về làm tổ”.

Liên danh Sơn Hải – Đèo Cả trúng gói thầu nghìn tỷ thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam

Vừa qua Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải – Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả – Công ty Cổ phần Xây dựng Đèo Cả đã trúng gói thầu thành phần cao tốc Bắc – Nam giá trị hơn 1.000 tỷ đồng. Gói thầu dự kiến sẽ được thi công trong tháng 6 này với thời hạn 24 tháng.

Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu XL01 thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu, dẫn thông tin từ báo Giao thông. Theo đó, liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải – CTCP Tập đoàn Đèo Cả – CTCP Xây dựng Đèo Cả đã trúng gói thầu XL01 với giá trị trúng hơn 1.158 tỷ đồng (bao gồm dự phòng và 10% thuế VAT).

Trước đó, liên danh của Đèo Cả là nhà thầu duy nhất vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật, sau đó đã được mở hồ sơ đề xuất về tài chính. Hai nhà thầu bị loại ở bước đánh giá về năng lực, kinh nghiệm cho gói thầu XL01 này là liên danh Tổng công ty Thăng Long – Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô và CTCP Tập đoàn Trường Thịnh.

Tập đoàn T&T sắp khởi công khu du lịch hơn 3.600 tỷ đồng ở Thanh Hoá

Lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có buổi làm việc với CTCP Tập đoàn T&T (T&T Group) về lễ khởi công dự án Khu du lịch sinh thái Tân Dân. Theo báo cáo từ phía chủ đầu tư, lễ khởi công dự án này dự kiến sẽ diễn ra vào sáng 23/6, địa điểm tổ chức tại phường Tân Dân, thị xã Nghi Sơn (trong phạm vi mặt bằng dự án).

Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự Khu du lịch sinh thái Tân Dân tại phường Tân Dân, thị xã Nghi Sơn do CTCP Tập đoàn T&T làm chủ đầu tư.

Cụ thể, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cho phép Tập đoàn T&T điều chỉnh tổng vốn đầu tư của dự án lên hơn 3.662 tỷ đồng. Đồng thời, cho phép điều tiến độ thực hiện dự án thành 3 giai đoạn.

Theo đó, giai đoạn 1 sẽ được khởi công xây dựng trong tháng 6/2021 – 9/2022 với quy mô đầu tư khoảng 533 tỷ đồng (vốn tự có hơn 110 tỷ đồng; vốn vay và huy động hơn 442 tỷ đồng). Dự kiến, giai đoạn 1 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 10/2022.

Giai đoạn 2 sẽ được khởi công xây dựng trong tháng 1/2022 – 6/2023 và đưa vào sử dụng từ tháng 7/2023. Quy mô đầu tư ở giai đoạn này khoảng hơn 790 tỷ đồng (vốn tự có 158 tỷ đồng; vốn vay và huy động hơn 632 tỷ đồng).

Giai đoạn 3 sẽ được công xây dựng vào tháng 5/2022 và hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 5/2024. Quy mô đầu tư giai đoạn này khoảng 1.939 tỷ đồng (vốn tự có gần 388 tỷ đồng, hơn 1.551 tỷ đồng còn lại là vốn vay và huy động).

Tập đoàn Sovico nghiên cứu ba dự án hơn 2.600 ha tại Cần Thơ

Theo Cổng thông tin điện tử TP Cần Thơ, UBND TP vừa có công văn chấp thuận cho CTCP Tập đoàn Sovico thực hiện khảo sát, nghiên cứu và đề xuất đầu tư các dự án trên địa bàn.

Cụ thể, các dự án này bao gồm: Khu Logistic và Công nghiệp Hàng không Cần Thơ tại đường Võ Văn Kiệt, quận Bình Thủy (quy mô khoảng 1.650 ha, giai đoạn 1 khoảng 350 ha); Khu đô thị du lịch sinh thái Phong Điền, huyện Phong Điền (quy mô khoảng 1.000 ha) và dự án Nhà bảo dưỡng tàu bay tại Sân bay quốc tế Cần Thơ (1,8 ha).

Thời gian khảo sát và nghiên cứu là 6 tháng kể từ ngày 18/6/2021. Mọi chi phí liên quan đến việc khảo sát, nghiên cứu đều do Tập đoàn Sovico tự chi trả. Đồng thời, trong quá trình khảo sát, nghiên cứu, Sovico không được làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực.

Bảo Châu

Theo Kinh doanh & Phát triển