TP.HCM nâng mức bồi thường, gỡ vướng cho dự án “đắp chiếu”
(CL&CS)-Mức bồi thường không thỏa đáng với nhu cầu và mong muốn của các hộ dân khu vực dự án chính là rào cản khiến nhiều chủ đầu tư không thể triển khai đúng như kế hoạch. Dự án “đắp chiếu” lâu năm để lại nhiều hệ lụy làm xấu mỹ quan thành phố, lãng phí nguồn lực đất đai và ảnh hưởng không tốt đến môi trường sống khu dân cư.
Hàng trăm dự án “đắp chiếu” do vướng đền bù
TP.HCM đã chính thức áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư với mức tăng mạnh, gấp 15 lần so với giá Nhà Nước đưa ra trước đó, có nơi lên tới 35 lần. Với việc điều chỉnh hệ số K tiệm cận giá thị trường đã tạo thuận lợi lớn cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), gỡ vướng cho loạt dự án “đắp chiếu” nhiều năm qua.
Đối với chủ đầu tư, từ trước đến nay vấn đề bồi thường cho người dân và giải phóng mặt bằng tại TP.HCM vẫn luôn rất khó khăn. Trước đây, việc định giá đất theo khung giá thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường, dẫn đến công tác GPMB và bàn giao đất cho các dự án bị “vướng”. Hầu hết người dân đều không đồng tình với mức giá bồi thường, phát sinh kiện cáo kéo dài.
Bà Vân, sống tại TP. Thủ Đức cho biết, nhiều lần được kêu gọi di dời để xây dựng cầu nhưng bà và gia đình không thỏa thuận được với chủ đầu tư mức bồi thường phù hợp.
“Họ đưa ra cho chúng tôi mức giá quá thấp, còn thấp hơn giá đất thị trường ngoài kia. Tôi đã lớn tuổi, khó có thể tìm chỗ an cư phù hợp với mức bồi thường đó. Thử hỏi nếu cầm số tiền bồi thường đó thì liệu có đủ để mua nhà với diện tích tương đương?”, bà Vân cho biết.
Về phía chủ đầu tư dự án, việc chậm được giao mặt bằng còn dẫn đến dự án chậm tiến độ, “đắp chiếu” nhiều năm. Chi phí nguyên vật liệu tăng giá theo từng năm làm đội vốn đầu tư công ở hàng loạt dự án, gây lãng phí rất lớn đến nguồn lực đầu tư từ ngân sách.
Dự án xây dựng cầu Tăng Long, cầu Ông Nhiêu (TP Thủ Đức), cầu Phước Long (nối quận 7 và huyện Nhà Bè) đều trong tình trạng “đắp chiếu” nhiều năm do vướng đền bù giải phóng mặt bằng. Đến giữa tháng 7 năm nay, HĐND TP.HCM chấp thuận điều chỉnh tăng vốn đầu tư ba dự án trên. Theo đó, tổng mức đầu tư của ba dự án sau khi điều chỉnh lên đến 2.200 tỷ đồng thực hiện từ nguồn ngân sách thành phố, trong đó mức vốn tăng thêm khoảng 920 tỷ đồng.
Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông) cho biết, trong số 75 dự án mà đơn vị quản lý thì có đến 67 dự án vướng mắc công tác bồi thường, GPMB kéo dài, khiến nhiều dự án phải tự điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, gây khó khăn trong việc cân đối hoàn vốn và hoàn thành dự án theo đúng tiến độ.
Gỡ vướng cho giải phóng mặt bằng
Mới đây, TP.HCM chính thức áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư với mức tăng mạnh, gấp 15 lần so với giá nhà nước, có nơi lên tới 35 lần. Quyết định mang tính bước ngoặt này đã giúp tháo gỡ nút thắt trong đền bù GPMB cho các dự án đầu tư công đang bị ngưng trệ lâu nay.
Theo ông Lương Minh Phúc, từ nay đến cuối năm, TP.HCM sẽ có chuyển động lớn trong công tác GPMB đối với các dự án hạ tầng, giao thông theo hình thức đầu tư công. Đơn cử, dự án xây dựng cầu Long Kiểng nối hai xã Nhơn Đức và Phước Kiển (huyện Nhà Bè) được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2001. Đến năm 2007, công tác bồi thường GPMB mới giải quyết cho một số hộ dân. Tháng 8/2018, dự án cầu Long Kiểng được khởi công. Theo thiết kế, cầu dài 318m, đường dẫn hai đầu dài 661m với tổng mức đầu tư 557 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2019. Tuy nhiên, nhiều năm qua, dự án này “đắp chiếu” do chờ mặt bằng thi công.
Được biết, đến nay, dưới sự vận động của lãnh đạo, thành phố đã hoàn tất di dời 103 hộ dân ở dự án xây dựng cầu Long Kiểng. Ông Lương Minh Phúc cho biết, ngoài việc hoàn thành công tác GPMB tại dự án cầu Long Kiểng, dự kiến TPHCM sẽ có một loạt công trình được bàn giao mặt bằng để tổ chức thi công từ đầu năm sau, gồm: cầu Tăng Long, cầu Nam Lý, cầu ông Nhiêu (TP Thủ Đức), đường Tên Lửa, Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân), cầu Vòm Sắt 2 (Cần Giờ)...
Bồi thường và GPMB từ trước đến nay luôn là vấn đề nhạy cảm, dễ phát sinh khiếu nại, khiếu kiện. Việc TP.HCM áp dụng hệ số K để lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư tiệm cận với giá thị trường là quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân.
Luật sư Nguyễn Tri Đức - Đoàn Luật sư T.PHCM đánh giá: “So với năm 2021, hệ số năm nay được đánh giá cụ thể và sát thực tế hơn. Hệ số điều chỉnh giá đất ở đô thị cao hơn những năm trước. Từ nay, các địa phương sẽ sử dụng hệ số điều chỉnh giá đất này để xây dựng dự thảo phương án bồi thường, đưa ra lấy ý kiến của người dân, không phải thẩm định giá cho từng dự án cụ thể. Áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất này sẽ rút ngắn được thời gian lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các dự án”.