TP.HCM sẽ đấu giá quỹ đất cạnh đường mới để lấy tiền làm hạ tầng
Khi phát triển dự án hạ tầng mới, TP.HCM sẽ thu hồi diện tích đất liền kề công trình hạ tầng, diện tích đất dôi dư sau khi tái định cư sẽ được quy hoạch lại để bán đấu giá, phần kinh phí thu được từ đấu giá sẽ dùng để đầu tư cho chính dự án đó.
Đây là nội dung đáng chú ý trong đề án quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả mới được chính quyền TP.HCM phê duyệt.
Theo đó, TP.HCM sẽ thành lập một đoàn liên ngành do một lãnh đạo thành phố đứng đầu, một lãnh đạo Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường làm thường trực để thực hiện tổng rà soát việc sử dụng tài sản công là nhà, đất do nhà nước quản lý theo định kỳ 5 năm trên phạm vi thành phố. Từ đó đề xuất giải pháp xử lý những trường hợp trái pháp luật, không hợp lý (bao gồm cả đất quốc phòng, an ninh sử dụng trái pháp luật) và đề xuất phương án sắp xếp lại.
Sau đó, UBND TP.HCM xem xét để trình ra HĐND thành phố thông qua rồi trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn làm căn cứ để giải quyết đối với các công sản do các tổ chức của thành phố và Trung ương nắm giữ.
Đối với việc giao đất, cho thuê đất cho các dự án đầu tư mà có nhà, đất do Nhà nước quản lý xen cài (bao gồm cả đất do Nhà nước quản lý ở dạng lối đi chung, kênh rạch nhỏ, nông nghiệp... và nhà, đất đang có đơn vị Nhà nước quản lý, sử dụng) thì thực hiện thống nhất một quy trình.
Đối với trường hợp nhà đầu tư dự án nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường thì đặt ra yêu cầu phải nhận chuyển nhượng rộng hơn, nhằm trả lại Nhà nước một diện tích đất tương ứng với giá trị tài sản công xen cài sẽ được sử dụng cho dự án.
Đáng chú ý, UBND TP.HCM đã phê duyệt đề xuất thu hồi thêm đất ở hai bên công trình hạ tầng để phục vụ tái định cư và bán đấu giá. Đây là một trong những nội dung của đề án Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn thành phố.
TP.HCM sẽ thu hồi đất kế bên công trình hạ tầng và thực hiện tái định cư tại chỗ cho tất cả những người bị thu hồi đất, cả người có đất trong phạm vi hạ công trình và người có đất kề bên công trình.
Mỗi người bị thu hồi đất đều được nhận lại một diện tích đất nhỏ hơn tỷ lệ nghịch với giá đất tăng thêm do hạ tầng mang lại. Thành phố sẽ quy hoạch lại hai bên hạ tầng và phần đất dôi dư được bán đấu giá để thu tiền phục vụ triển khai thực hiện.
Cũng theo đề án này, phương án thu hồi thêm đất và tái định cư sẽ được đưa ra lấy ý kiến của cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng. Nếu đa số đồng thuận (tỷ lệ khoảng 2/3), phương án sẽ được phê duyệt. Đây là cơ chế mang tên "đồng thuận cộng đồng theo đa số" được đề án đánh giá "bảo đảm công bằng cao nhất và tiết kiệm chi phí đầu tư phát triển".
Phương án thu hồi thêm đất hai bên đường để bán đấu giá nhằm lấy tiền làm hạ tầng đã được nhiều chuyên gia đề xuất bởi vì hiện nay khi Nhà nước mở đường mới hoặc mở rộng đường cũ thì giá đất hai bên đường tăng lên rất nhiều lần so với trước.
Đối với người bị thu hồi đất làm đường thường không được hưởng lợi từ việc mở đường, trong khi những người không bị giải phóng mặt bằng khi đường mở rộng lại được hưởng lợi lớn từ việc giá đất tăng mà không phải đóng một khoản thuế, phí nào. Còn Nhà nước khi bỏ tiền ra làm đường, đầu tư hạ tầng lại không có cơ chế để thu lại khoản chênh lệch rất lớn này.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, hiện nay, cùng một vị trí giải tỏa nếu doanh nghiệp bồi thường để làm dự án bất động sản thì thường bồi thường giá cao, còn Nhà nước thu hồi để làm các dự án công cộng, giá bồi thường khá thấp.
Nếu tiến hành bồi thường cho tất cả dự án (cả dự án công và dự án tư) với một giá như nhau, sau đó đấu giá theo giá thị trường. Phần chênh lệch địa tô 100% sẽ được nộp vào ngân sách, như vậy môi trường kinh doanh bất động sản sẽ minh bạch hơn, người dân bị giải tỏa trong các dự án công ích sẽ bớt bị thiệt thòi hơn.
Khi mở đường, nếu làm tốt việc đấu giá quỹ đất hai bên đường không chỉ giúp Nhà nước tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng một cách công bằng, thỏa đáng cho người dân, mà còn giúp Nhà nước thu được khoản chênh lệch địa tô lớn.