TP.HCM: Bất chấp dịch Covid-19 bùng phát, giá căn hộ vẫn tăng 15%
Theo báo cáo thị trường tháng 4 của Bộ phận nghiên cứu và phát triển DKRA Việt Nam, giá sơ cấp một số dự án ở TP.HCM tiếp tục tăng 8 - 15% so với giai đoạn trước đó, bất chấp dịch Covid-19 bùng phát trở lại.
Báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản TP.HCM và vùng phụ cận của nhiều công ty nghiên cứu thị trường bất động sản đang cho thấy bức tranh chung, đó là mặt bằng giá căn hộ vẫn giữ đà tăng và liên tục thiết lập mặt bằng giá mới.
Theo báo cáo thị trường tháng 4 của Bộ phận nghiên cứu và phát triển DKRA Việt Nam, giá sơ cấp một số dự án ở TP.HCM tiếp tục tăng 8 - 15% so với giai đoạn trước đó. Các dự án ở TP Thủ Đức thu hút sự quan tâm, đón nhận của khách hàng, tình hình bán hàng tốt mặc dù giá sơ cấp trên 100 triệu đồng/m2. Tỷ lệ tiêu thụ toàn thị trường trung bình đạt 76 - 95% ở hầu hết các dự án.
Báo cáo cũng cho biết, thị trường căn hộ TP.HCM có thêm 8 dự án mới mở bán, cung cấp ra thị trường 2.698 căn hộ mới, gấp 2,6 lần so với tháng trước. Nguồn cung mới tập trung chủ yếu ở khu vực TP Thủ Đức và khu Nam, chiếm 92% tổng cung.
Tính chung cả TP.HCM và các tỉnh giáp ranh như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, nguồn cung mới tăng đáng kể so với tháng trước nhưng chỉ tập trung tại TP.HCM và Bình Dương. Toàn thị trường có 3.620 căn, gấp gần 3 lần tháng trước. Trong đó, Bình Dương có 922 căn được bán ra với số căn tiêu thụ 821 căn.
Báo cáo cũng cho biết, trong tháng 4, thị trường căn hộ TP.HCM có thêm 8 dự án mới mở bán, cung cấp ra thị trường 2.698 căn hộ mới, tăng 2,6 lần so với tháng trước.
Nguồn cung mới tập trung chủ yếu ở khu vực thành phố Thủ Đức và khu Nam, với 91,7% tổng cung toàn thị trường. Lượng tiêu thụ tiếp tục duy trì ở mức cao, với 78,4% tổng nguồn cung mới, tương ứng với 2.115 căn hộ đã có người mua.
Trái ngược với đà tăng phân khúc căn hộ, thị trường nhà phố và biệt thự TP.HCM tiếp tục giảm mạnh nguồn cung mới. Trong tháng 4, toàn thị trường ghi nhận 4 dự án mới mở bán, cung ứng ra thị trường 102 sản phẩm, giảm 56% so với tháng trước.
Các dự án mới mở bán đa phần là dự án nhỏ, số lượng hạn chế, tập trung chủ yếu ở khu Tây, khu Bắc và khu Đông thành phố.
"Tình hình giao dịch thứ cấp kém sôi động và tiếp tục xu hướng đi ngang. Các giao dịch tập trung chủ yếu ở những dự án có mức giá trên dưới 10 tỷ đồng/căn nhà phố...", DKRA nhận định.
Trong khi đó, với phân khúc đất nền, thị trường TP.HCM trong tháng 4 không có nguồn cung mới. Giao dịch trên thị trường chủ yếu ở loại hình đất nền phân lô hộ lẻ, quy mô nhỏ với số nền không đáng kể tại khu vực quận Bình Tân, Quận 9 (TP. Thủ Đức), huyện Hóc Môn, Củ Chi...
Theo DKRA nhận, quỹ đất hạn chế cùng với sự siết chặt cấp phép phân lô tách thửa trên địa bàn thành phố tạo ra sự khan hiếm nguồn cung đất nền tại TP.HCM.
Trong tháng 4, mặc dù có thông tin đề xuất nâng cấp lên quận đối với các huyện tại TP.HCM nhưng sự sôi động của thị trường lại chỉ tập trung chủ yếu ở một số khu vực của huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh và huyện Cần Giờ.
Lý giải nguyên nhân khiến giá căn hộ tại TP.HCM liên tục tăng trong các tháng đầu năm, giới chuyên môn cho rằng, nguồn cung hạn chế trong khi khả năng hấp thụ lớn của thị trường đang là yếu tố khiến loại hình căn hộ liên tục leo thang về giá.
Theo các chuyên gia, trong năm 2021, phân khúc căn hộ tại TP.HCM có thể thiết lập một mặt bằng giá mới, tăng cao hơn so với các năm trước đây. Việc thị trường xuất hiện ngày càng nhiều dự án căn hộ cao cấp, hạng sang đang đẩy mức giá trung bình của phân khúc này lên cao. Bên cạnh đó, khan hiếm nguồn cung căn hộ sơ cấp cũng khiến giá giao dịch thứ cấp tiếp tục leo thang trong các tháng tới đây. Dự báo giá chung cư tại TP.HCM có thể tăng ít nhất 9% trong năm 2021