Vì sao dòng tiền vẫn chưa đổ vào lĩnh vực bất động sản?

Nhiều chỉ số kinh tế cho thấy dấu hiệu tích cực của thị trường cùng với lãi suất cho vay trong nước đã giảm mạnh so với thời “sốt nóng” nhưng dòng tiền đổ vào lĩnh vực bất động sản vẫn chưa được như kỳ vọng.

Nhiều ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động

Thời gian qua, thị trường tài chính ngân hàng luôn có biến động về chỉ số lãi suất huy động, theo đó, xu hướng giảm lãi suất đã dần xuất hiện ở nhiều ngân hàng kích thích nhu cầu vay của người dân.

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay (Ảnh minh họa)  
Nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay (Ảnh minh họa)  

Đơn cử như tại ngân hàng Vietcombank, biểu lãi suất được áp dụng mới nhất là lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng chỉ còn 1,9%/năm. Như vậy, lãi suất tiền gửi đã xuất hiện đáy mới cho các khoản tiền tiết kiệm có kỳ hạn.

Tương tự, Ngân hàng TPBank tiếp tục giảm lãi suất huy động lần thứ hai với 0,2 điểm phần trăm các kỳ hạn tiền gửi. Cụ thể, kỳ hạn 1-3 tháng giảm còn lần lượt 3,2% và 3,4%/năm, 6 tháng chỉ còn 4,4%/năm, trong khi kỳ hạn 12 tháng là 5%/năm, 18 tháng còn 5,3%/năm. Lãi suất huy động cao nhất còn 5,6%/năm thuộc về kỳ hạn 24-36 tháng.

Trước đó, nhiều ngân hàng cũng đã tiếp tục giảm lãi suất tiết kiệm thêm 0,1 - 0,8%/năm so với mức huy động trước đó. Đơn cử như Ngân hàng Agribank đã giảm lãi suất huy động tiết kiệm từ 0,5 - 0,8%/năm. Cụ thể, lãi huy động kỳ hạn 1 - 2 tháng còn 2,2%/năm. ACB giảm lãi suất từ 0,2 - 0,3%/năm ở những kỳ hạn ngắn. Lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng còn 3%. LPBank giảm lãi suất 0,1 - 0,3%/năm ở các kỳ hạn. Lãi suất huy động 1 - 2 tháng còn 2,7%/năm.

Lãi suất giảm nhưng tiền chưa đổ vào BĐS?

Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế nhận định, dòng tiền chuyển từ tiết kiệm đổ vào chứng khoán không phụ thuộc vào lãi suất ngân hàng. Trong khi đó, bất động sản hiện đang gặp khó khăn, không có nhà đầu tư lướt sóng. Thế nên tiền cũng sẽ không chảy vào bất động sản như kỳ vọng hay đổ vào chứng khoán.

Vì sao dòng tiền vẫn chưa đổ vào lĩnh vực bất động sản? - Ảnh 1

Theo báo cáo chuyên đề mới đây, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) cho rằng, thực tế thời gian qua, dòng tiền đã không "đổ" vào lĩnh vực bất động sản như kỳ vọng. Người dân vẫn ưu tiên lựa chọn gửi tiền tiết kiệm ngân hàng, chấp nhận mức lãi suất thấp nhằm đảm bảo an toàn. Theo VARs, do tình hình kinh tế chung, thị trường bất động sản nói riêng vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn và phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến sức mua của người dân.

Mặt khác, theo VARS, niềm tin của nhà đầu tư chưa được khôi phục hoàn toàn trong bối cảnh môi trường đầu tư vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn đang "bủa vây" các doanh nghiệp bất động sản. Dù lãi suất cho vay đã giảm theo mặt bằng lãi suất huy động, song hiện nay, người dân vẫn không dám vay hoặc không vay được.

Báo cáo chuyên đề của VARs dẫn báo cáo tài chính quý III/2023 của nhiều ngân hàng, dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản tăng rất mạnh trong khi cho vay mua nhà để ở tăng chậm. Nguyên nhân của thực tế này là do cơ chế cho các khoản vay mua nhà để ở phức tạp, nhiều quy định chặt chẽ hơn từ quy trình, điều kiện, hồ sơ, thủ tục đến phương án sử dụng vốn vay, kế hoạch trả nợ. Vì vậy, nhu cầu đầu tư của người dân có xu hướng sụt giảm.

Đồng thời, chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và tiền vay vẫn còn rất lớn, nhiều người dân thậm chí không dám vay do lo ngại lãi suất tăng trở lại sau thời gian hết ưu đãi.

Giới chuyên gia chung cũng nhận định về khả năng dòng tiền đáo hạn chọn bất động sản làm “bến đỗ” là khá mong manh. Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Soho Vietnam cho biết, thị trường bất động sản hiện tại vẫn rất khó để xác định sẽ hồi phục hay tiếp tục trầm lắng trong thời gian tới.

Vì vậy, cả nhà đầu tư cá nhân và khách hàng mua nhà vẫn chưa thực sự sẵn sàng dòng tiền hay vay tín dụng để mua bất động sản. Trừ khi có sản phẩm thật sự tốt, nhà đầu tư mới mạnh dạn xuống tiền. Ngược lại, phần lớn họ vẫn giữ trạng thái chờ đợi, nghe ngóng thêm.

Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, trong giai đoạn 2022 - 2023, lượng giao dịch bất động sản đã giảm đến 90%, sức cầu đang rất yếu. Tâm lý của nhà đầu tư dù đang dần tích cực hơn nhưng vẫn khá thận trọng, đặc biệt là những khách hàng đang đối diện với áp lực tài chính từ các khoản đầu tư thua lỗ từ trước đó, nên nhiều người chọn gửi tiền ngân hàng thay vì tiếp tục mua hoặc đầu tư nhà đất.

Để tháo gỡ tâm lý chờ của nhà đầu tư và khách hàng, qua đó kích thích dòng tiền đáo hạn nhà băng chảy vào nhà đất, điều quan trọng nhất lúc này là đẩy nhanh quá trình gỡ vướng về pháp lý và tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, khơi thông nguồn cung trên thị trường.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống