Việt Nam bùng nổ bất động sản hàng hiệu, ghi dấu trên bản đồ châu Á

Tại Việt Nam, bất động sản hàng hiệu mới chỉ nở rộ khoảng 20 năm gần đây, song đã mau chóng lọt top 2/52 thị trường tăng trưởng nhanh nhất về số dự án.

Sau 3 năm sống tại Dubai, nhà đầu tư người Nhật Tsubasa Yozawa đã quay trở lại nơi mà ông gọi là "ngôi nhà lý tưởng" ở trung tâm Bangkok. Căn hộ của ông nằm trên tầng 66 thuộc tòa nhà King Power Mahanakhon – một trong những tòa nhà chọc trời cao nhất Thái Lan.

Từ căn hộ cao chót vót giữa thủ đô Bangkok, Yozawa không chỉ tận hưởng tầm nhìn toàn cảnh thành phố mà còn chứng kiến sự bùng nổ của thị trường bất động sản hạng sang.

“Dubai vẫn có lợi thế về thuế. Nhưng nhìn chung, Bangkok nổi bật ở nhiều khía cạnh, cả về sự thoải mái trong sinh hoạt lẫn tiềm năng đầu tư”, Yozawa chia sẻ với Nikkei Asia.

King Power Mahanakhon – một trong những tòa nhà chọc trời cao nhất Thái Lan là nơi ở của Yozawa. Ảnh: King Power Mahanakhon.
King Power Mahanakhon – một trong những tòa nhà chọc trời cao nhất Thái Lan là nơi ở của Yozawa. Ảnh: King Power Mahanakhon.

Kể từ khi mua căn hộ sở hữu vĩnh viễn trị giá khoảng 70 triệu baht ̣̣̣̣̣(khoảng 2 triệu USD) vào năm 2015, Yozawa cho biết giá trị căn hộ đã tăng hơn 70% tính theo đồng baht.

Do mức giá bỏ ra hợp lý và đem lại lợi nhuận cao, Yozawa tiếp tục “mua sắm” mạnh tay tại Thái Lan, chi hơn 280 triệu baht để tậu thêm 5 bất động sản nữa tại các dự án nổi bật như tổ hợp One Bangkok và Dusit Thani Bangkok.

“Ngày càng nhiều chủ đầu tư tăng giá, nhưng tôi vẫn thấy tiềm năng tăng trưởng còn lớn”, Yozawa nhận định.

Chủ đầu tư "bắt tay" với các thương hiệu lớn

Những năm qua, làn sóng “branded residence” hay được gọi là “bất động sản hàng hiệu” đang dịch chuyển từ Bắc Mỹ về phía châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á.

Bất động sản hàng hiệu được đơn vị chủ đầu tư kết hợp với một thương hiệu nổi tiếng khác nhằm tạo nên những giá trị riêng biệt và thể hiện đẳng cấp của chủ sở hữu. Thương hiệu nổi tiếng mà chủ đầu tư kết hợp cùng không nhất thiết phải cùng trong lĩnh vực bất độg sản, mà có thể là thương hiệu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng, thời trang, mỹ phẩm…

Đông Nam Á hiện nay đang là một trong những thị trường nóng nhất của loại hình bất động sản này.

Theo Nikkei Asia, khu vực châu Á chiếm 21% trong tổng số 1.526 dự án bất động sản hàng hiệu trên toàn cầu vào năm 2024, trong đó Đông Nam Á chiếm 12%.

Nếu tính cả các dự án đang triển khai, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực châu Á với 17.680 căn hộ và biệt thự bất độg sản hàng hiệu. (Nguồn: C9 Hotelworks)
Nếu tính cả các dự án đang triển khai, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực châu Á với 17.680 căn hộ và biệt thự bất độg sản hàng hiệu. (Nguồn: C9 Hotelworks)

Trào lưu đầu tư vào bất động sản hạng sang đến từ sự gia tăng của tầng lớp giàu có trong nước và khu vực. Theo dự báo của hãng tư vấn bất động sản Knight Frank, đến năm 2028, số người châu Á sở hữu tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên sẽ tăng 38,3% so với năm 2023 – cao hơn tốc độ tăng của Trung Đông và Bắc Mỹ. Malaysia, Indonesia và Việt Nam đều được dự đoán sẽ tăng trưởng trên 30%.

Tuy nhiên, thị trường khu vực đang trở nên ngày càng "đông đúc", cạnh tranh gia tăng khi nhiều đơn vị tay ngang cũng nhảy vào cuộc chơi.

"Điểm nóng" Thái Lan

Mô hình bất động sản hàng hiệu tại Đông Nam Á bắt nguồn từ Thái Lan, nơi doanh nhân người Indonesia Adrian Zecha – nhà sáng lập Aman Resorts – mở khu nghỉ dưỡng Amanpuri tại Phuket năm 1988. Sau đó, doanh nhân Ho Kwon Ping người Singapore cũng phát triển thương hiệu Banyan Tree tại khu nghỉ mát này.

Hiện Thái Lan đứng đầu thị trường khu vực, với 12.656 căn hộ được ra mắt, trị giá khoảng 6,2 tỷ USD, chiếm 32% tổng nguồn cung toàn châu Á theo dữ liệu từ C9 Hotelworks.

Đối với các chuỗi khách sạn như Aman, bất động sản hàng hiệu đang dần trở thành nguồn thu quan trọng. Khác với khách sạn phụ thuộc vào công suất phòng, mô hình này tạo ra nguồn thu ổn định hơn từ phí cấp phép và quản lý.

Khu nghỉ dưỡng Amanpuri tại Phuket. (Ảnh: Aman Resorts)
Khu nghỉ dưỡng Amanpuri tại Phuket. (Ảnh: Aman Resorts)

Hiện nay, các chủ đầu tư xây dựng cũng đang hợp tác với những thương hiệu không nằm trong ngành khách sạn để tận dụng sự yêu thích của khách hàng với thương hiệu.

Một trong những dự án gây chú ý nhất tại Thái Lan là tòa tháp căn hộ mang thương hiệu Porsche tại khu Thong Lo cao cấp ở Bangkok. Dự kiến hoàn thành vào năm 2028, tòa tháp cao 95m sẽ có 22 căn hộ với mức giá từ 15-40 triệu USD/căn. Đây là dự án đầu tiên của Porsche tại khu vực, sau các dự án tương tự ở Miami và Stuttgart.

Phát triển sôi động tại Việt Nam

Bên cạnh Thái Lan, loại hình bất động sản hàng hiệu cũng đang phát triển sôi động tại các nước khác như Việt Nam, Philippines.

Tại Việt Nam, bất động sản hàng hiệu mới chỉ nở rộ khoảng 20 năm gần đây, song đã mau chóng lọt top 2/52 thị trường tăng trưởng nhanh nhất về số dự án. Nếu tính cả các dự án đang triển khai, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực châu Á với 17.680 căn hộ và biệt thự, theo C9 Hotelworks.

Bên cạnh đó, các căn hộ hạng sang tại Việt Nam có giá thấp hơn 30-40% so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan và Singapore. Tỷ lệ tăng giá trị vốn tại Việt Nam đạt 10-15% mỗi năm, củng cố sức hút của thị trường.

Khu căn hộ hàng hiệu JW Marriott Grand Marina Saigon là dự án hợp tác giữa chủ đầu tư Masterise Homes và khách sạn Marriott International. (Ảnh: Masterise Homes)
Khu căn hộ hàng hiệu JW Marriott Grand Marina Saigon là dự án hợp tác giữa chủ đầu tư Masterise Homes và khách sạn Marriott International. (Ảnh: Masterise Homes)

Mô hình bất động sản hàng hiệu tại Việt Nam đang có tiềm năng phát triển rất lớn nhờ sự gia tăng của tầng lớp thượng lưu và sự tăng trưởng kinh tế. Thị trường được dự đoán sẽ còn tiếp tục sôi động khi số người siêu giàu được dự báo gia tăng thêm 30% vào năm 2028 so với năm 2023.

Chưa kể, tính đến năm 2023, Việt Nam thu hút cộng đồng người nước ngoài ngày càng đông, với khoảng 100.000 người. Con số này cùng với đà gia tăng tài sản góp phần thúc đẩy nhu cầu về các dự án nhà ở cao cấp, đặc biệt tại các trung tâm đô thị lớn như TP. HCM và Hà Nội.

Giá bất động sản hàng hiệu tại Việt Nam thường đắt hơn địa ốc thông thường từ 30% - 44% tùy thể loại.

Tập đoàn BĐS BIM Group của Việt Nam và thương hiệu khách sạn nterContinental đang hợp tác  phát triển dự án InterContinental Halong Bay Resort & Residences. Ảnh: BIM GROUP. 
Tập đoàn BĐS BIM Group của Việt Nam và thương hiệu khách sạn nterContinental đang hợp tác  phát triển dự án InterContinental Halong Bay Resort & Residences. Ảnh: BIM GROUP. 

Đón đầu nhu cầu, các chủ đầu tư tiềm lực đang “bắt tay” với nhiều thương hiệu khách sạn và nghỉ dưỡng danh tiếng hàng đầu thế giới như The Ritz-Carlton, Intercontinental, JW Marriott…

Lê Ngọc

Theo Vietnamfinance