Vốn tín dụng đang ưu tiên cho phân khúc bất động sản nào?

Trước những chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, các ngân hàng sẽ ưu tiên vốn cho các doanh nghiệp có năng lực tài chính, dự án khả thi, đảm bảo pháp lý, phục vụ nhu cầu thực…

Ưu tiền dòng vốn cho bất động sản bình dân

Tại cuộc họp mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đề nghị các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để có dư địa giảm lãi suất, đáp ứng nhu cầu vay vốn của nền kinh tế trong đó có nhu cầu chính đáng của người dân vay mua nhà ở…

Vốn tín dụng đang ưu tiên cho phân khúc bất động sản nào? - Ảnh 1
Dòng vốn cho thị trường bất động sản sẽ chảy về phân khúc bất động sản bình dân, giá rẻ, phục vụ nhu cầu ở thực.

Phân khúc bất động sản mà theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cần được ưu tiên gói tín dụng là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Việc Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng được xem là cần thiết với thị trường bất động sản giai đoạn này.

Room tín dụng cũng được mở với phân khúc bất động sản bình dân. Các ngân hàng này đồng ý dành một gói tín dụng cho lĩnh vực này trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất. Đây được xem là động thái tích cực với thị trường vất động sản.

“Về lãi suất, NHNN đang cố gắng điều hành, điều tiết tiền tệ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cố gắng giảm mặt bằng lãi suất. Chúng tôi sẽ chỉ đạo tổ chức tín tiếp tục làm việc doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường này”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Mới đây, trong các những chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản thì việc các ngân hàng sẽ ưu tiên vốn cho các doanh nghiệp có năng lực tài chính, dự án khả thi, đảm bảo pháp lý, phục vụ nhu cầu thực…được quan tâm.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, dòng sản phẩm bất động sản được quy hoạch bài bản được cho là sẽ tiếp tục được ưu tiên dòng vốn tín dụng dồi dào trong năm 2023. Số tiền được giải ngân cho lĩnh vực bất động sản sẽ ưu tiên cho các chủ đầu tư lớn, các dự án lớn đang triển khai, các hồ sơ vay của cá nhân đã được cấp tín dụng đang “pending”.

Trước hết, dự án phải đầy đủ các hồ sơ như giấy tờ bàn giao đất, các loại giấy phép về xây dựng, mở bán sản phẩm… Ngoài ra, các yếu tố được xem xét sẽ là: uy tín, kinh nghiệm phát triển, năng lực chủ đầu tư được thẩm định thông qua các dự án đã phát triển trước đó, khả năng thanh khoản tốt, sản phẩm phục vụ mục đích thực của người ở.

Đối với người vay mua nhà trong các dự án do chủ đầu tư phát triển, nếu chủ đầu tư có quỹ đất sạch, pháp lý đầy đủ, uy tín trên thị trường thì dự án luôn nằm trong danh sách được các ngân hàng ưu tiên cho vay.

Không hạn chế cấp tín dụng cho bất động sản

Trước thông tin ngân hàng đang hạn chế cấp tín dụng cho bất động sản hay cạn room tín dụng, lãnh đạp nhiều ngân hàng đã lên tiếng khẳng định không có bất cứ hạn chế nào trong việc cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, ngân hàng cũng không thiếu room (hạn mức tăng trưởng tín dụng) hay chính sách để cho vay lĩnh vực này.

Vốn tín dụng đang ưu tiên cho phân khúc bất động sản nào? - Ảnh 2
Không hạn chế cấp tín dụng trong lĩnh vực bất động sản.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/12/2022, dư nợ tín dụng bất động sản đạt 2,58 triệu tỷ đồng, chiếm 21,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 24% so với năm 2021. Là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất và chiếm tỷ trọng lớn 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế cao nhất trong 05 năm qua. Trong số đó chủ yếu tập trung vào nhu cầu tiêu dùng/tự sử dụng như kinh doanh bất động sản tăng 11,5% chiếm tỷ trọng 31,28%; dư nợ tín dụng tiêu dùng/tự sử dụng tăng 31,1% chiếm tỷ trọng 68,72%. Ngoài ra, theo phân khúc dư nợ cho nhu cầu nhà ở chiếm 62,19%, quyền sử dụng đất chiếm 20,66%, khu công nghiệp và khu chế xuất 2,67%, nhà ở nhà hội 0,71%, khác là 13,77%.

Theo đó, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đang cho vay bất động sản nhiều nhất hệ thống với khoảng 300.000 tỷ đồng, chiếm gần 73% tổng dư nợ của ngân hàng; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dành 275.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực này, chiếm 18,4% tổng dư nợ; Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng dành tới 265.477 tỷ đồng cho vay bất động sản, chiếm 21% tổng dư nợ; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho vay bất động sản chiếm trên 20% tổng dư nợ, ước khoảng 230.000 tỷ đồng.

Có thể thấy, NHNN không quy định room tín dụng riêng cho ngành nào mà tùy khẩu vị rủi ro, từng ngân hàng để có thể xem xét cho vay đối với các phân khúc trong tổng hạn mức tăng trưởng tín dụng chung mà NHNN cấp. Thời gian qua Thủ tướng Chính phủ, NHNN Việt Nam chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng hiện có nhiều yếu tố khách quan tác động lên mặt bằng lãi suất. 6 tháng cuối năm được dự báo áp lực lạm phát giảm bớt, lãi suất chung cũng có xu hướng giảm xuống, lãi suất cho vay lĩnh vực bất động sản cũng giảm theo.

Về dài hạn, với những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý, khó khăn trong huy động vốn đa kênh… kỳ vọng sẽ sớm được giải quyết, từ đó khơi thông được nguồn cung và hướng đến thị trường BĐS lành mạnh, an toàn, phát triển bền vững hơn.

An Nhiên

Theo Kinh doanh và Phát triển