125 triệu đồng mỗi m2 đất gần Khu Công nghệ cao Sài Gòn
Đất mặt tiền đường Lê Văn Việt dẫn về Khu Công nghệ cao quận 9, TP HCM được chào 125 triệu đồng mỗi m2.
Khảo sát trên các "chợ bất động sản" trực tuyến giữa tháng 8/2019, giá đất các tuyến đường quanh Khu Công nghệ cao, quận 9 (cách trung tâm quận 1 khoảng 15 km), thuộc khu Đông TP HCM đang neo ở mức giá rất cao dù giao dịch trên địa bàn không còn sôi động sau những cơn sốt đất.
Cụ thể, đất mặt tiền đường Lê Văn Việt, vị trí cách Khu Công nghệ cao hơn một cây số, nền 100 m2 được chào giá 12,5 tỷ đồng, tương đương 125 triệu đồng mỗi m2. Trong khi đó, đất lô lớn vị trí mặt tiền đường Nguyễn Văn Tăng, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, cũng được rao bán 24-35 tỷ đồng cho các nền 244-374 m2, vị chi 100-120 triệu đồng mỗi m2.
Giá đất mặt tiền đường Hoàng Hữu Nam đang được rao bán trên nhiều web bất động sản trực tuyến mức giá phổ biến trên 80-90 triệu đồng mỗi m2. Đất lô nhỏ, diện tích dưới 100m2 tiệm cận vùng giá 85-90 triệu đồng mỗi m2 còn đất lô lớn, 200-300 m2, có tổng giá trị hàng chục tỷ đồng, giá chào bán mềm hơn, đứng ở mức 79-82 triệu đồng mỗi m2.
Trong khi đó, giá đất mặt tiền đường Lò Lu hiện được chào bán 35-60 triệu đồng mỗi m2 tùy vị trí. Những đường nhánh trên trục giao thông này được niêm yết quanh vùng giá 25-27 triệu đồng mỗi m2.
Nếu lấy cột mốc từ năm 2015 đến nay, giá đất các tuyến đường quanh Khu Công nghệ cao TP HCM đã tăng gấp 3-5 lần sau bốn năm. Tuy nhiên, thời kỳ giá đất khu vực này leo thang với tốc độ "chóng mặt" là giai đoạn 2016 đến đầu năm 2018, rơi vào những đợt sốt đất.
Từ đầu năm 2019 đến nay, giới cò đất trên địa bàn quận 9 cho biết, giao dịch khá trầm lắng, thị trường không có biến động về giá trong bối cảnh dòng vốn đầu tư đang hút về các tỉnh giáp ranh Sài Gòn.
Ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Ngọc Châu Á xác nhận, giá đất quanh Khu Công nghệ cao quận 9 hiện neo ở ngưỡng rất cao, có nơi trên trăm triệu đồng mỗi m2. Đây là hậu quả của những đợt sốt đất dồn dập trong các năm 2016-2017-2018 để lại.
Tuy nhiên, trong 8 tháng đầu năm 2019, giá đất khu vực quận 9 nói riêng và khu Đông nói chung có xu hướng đi ngang, một vài nơi có sự điều chỉnh nhẹ nhưng mức giảm không đáng kể. Lượng giao dịch bất động sản liền thổ giảm mạnh so với giai đoạn 2016-2018, tỷ lệ giảm 50-60%.
CEO Ngọc Châu Á cho rằng diễn biến giá đất quanh Khu Công nghệ cao chững lại từ đầu năm đến nay là một tín hiệu tốt. Bởi lẽ, việc giá đất tại khu vực này tăng quá nhanh trong những cơn sốt đất đã khiến cho bất động sản vượt quá giá trị thật, hình thành mặt bằng giá ảo và gây cú sốc bong bóng giá cho thị trường. Do đó, giá đất khu vực này rơi vào trạng thái đi ngang trong 8 tháng đầu năm là đợt giảm nhiệt cần thiết để các bất động sản này tự điều tiết và điều chỉnh lại chuỗi giá trị hợp lý hơn.
Ông Hạnh dự báo, trong ngắn hạn vài tháng tới, giá đất quanh Khu Công nghệ cao có thể tiếp tục duy trì trạng thái đi ngang. Song nếu xét chu kỳ dài hạn trong vài năm tới, tiềm năng tăng giá đất của khu vực này vẫn còn dư địa lớn.
Chuyên gia này phân tích, cơ sở để tin vào kịch bản tăng giá là tiến độ hoàn thiện của các dự án hạ tầng ngày càng tốt dần lên với hệ thống các đường vành đai hứa hẹn sẽ hoàn chỉnh trong tương lai. Thêm vào đó, một siêu đô thị đang được triển khai xây dựng tại quận 9 có thể hình thành đô thị vệ tinh của khu Đông trong 3-5 năm tới.
Mặt khác quy hoạch thí điểm khu Đông trong đó có quận 9 với hạt nhân là Khu Công nghệ cao làm đô thị thông minh nhiều khả năng sẽ thành hiện thực. "Điều này có thể tạo thêm sức hấp dẫn của toàn trục đô thị phía Đông Sài Gòn, kéo giá đất khu vực này đi lên", ông Hạnh nói.
Theo Vũ Lê/Vnexpress