Bà Rịa – Vũng Tàu “siết” hoạt động đấu giá đất trên địa bàn

Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ký văn bản giao Sở Tư pháp phối hợp với các sở ngành liên quan về việc chấn chỉnh hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.

Bà Rịa – Vũng Tàu siết hoạt động đấu giá đất

Theo đó, giao Sở Tư pháp phối hợp với các sở ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới quy định về đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đấu giá tài sản và pháp luật có liên quan.

Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức đấu giá tài sản phối hợp các cơ quan được giao tổ chức đấu giá đánh giá kỹ lưỡng hồ sơ tham gia đấu giá, điều kiện tham gia đấu giá nhằm lựa chọn người tham gia đấu giá tài sản đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Thường xuyên phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát công tác tổ chức đấu giá của người có tài sản, tổ chức đấu giá tài sản ngay từ khâu xác định, phê duyệt giá khởi điểm cho đến kết thúc cuộc đấu giá và công nhận kết quả đấu giá. Xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm, tiếp tay, bao che cho hành vi vi phạm về đấu giá tài sản.

Bà Rịa – Vũng Tàu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất tại địa phương.  
Bà Rịa – Vũng Tàu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất tại địa phương.  

Bên cạnh đó, giao Sở TN&MT phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan xác định giá khởi điểm QSDĐ sát với giá thị trường đảm bảo đúng quy định của pháp luật; Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tăng cường vai trò, trách nhiệm trong việc tham mưu UBND tỉnh xây dựng phương án đấu giá, trong đó chú trọng các điều kiện của người tham gia đấu giá, nhất là về vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính, phương án thực hiện dự án đầu tư.

Sở TN&MT phải thường xuyên rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến đấu giá QSDĐ, kịp thời phát hiện các bất cập, thiếu sót, tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đấu giá QSDĐ nhằm phòng, chống hiệu quả các hành vi vi phạm để trục lợi.

Tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan phối hợp với đơn vị đấu giá thẩm tra năng lực, kinh nghiệm, tài chính của người tham gia đấu giá nhằm đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tổ chức kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm về hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh.

Các huyện, thị xã, TP thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, cơ quan chủ quản của người có tài sản đấu giá, đảm bảo lựa chọn được tổ chức đấu giá tài sản có uy tín, năng lực, kinh nghiệm, khách quan trong việc đấu giá QSDĐ để thực hiện dự án đầu tư, nhất là các dự án có giá trị lớn.

Thực hiện nghiêm túc các quy định về thông báo công khai việc lựa chọn, công bố các thông tin liên quan đến việc đấu giá, đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Được biết, trong năm 2022, Bà Rịa- Vũng Tàu dự kiến tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất 7 khu đất, diện tích 228 ha, thu về gần 11.856 tỉ đồng. Trong đó, hiện nay khu đất Mũi Nghinh Phong (đường Hạ Long, TP Vũng Tàu) diện tích khoảng 13,84 ha dự kiến thu được 1.500 tỉ. Khu đất này hiện đã có quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500.

Bài học từ vụ đấu giá đất Thủ Thiêm

Trong những ngày qua, việc TP Hồ Chí Minh lên kế hoạch hủy kết quả đấu giá 4 lô đất tại Thủ Thiêm đã gây xôn xao dư luận. Lý do là đến hạn chót nộp tiền sử dụng đất (ngày 6/7) tuy nhiên hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất còn lại (Tân Hoàng Minh và Công ty Bình Minh đã bỏ cọc trước đó) là Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Theo đó, đã quá 180 ngày doanh nghiệp không thực hiện nội dung tại hợp đồng. Do đó, các cơ quan chức năng sẽ thực hiện nhiệm vụ cụ thể như: Cục Thuế thông báo tình hình nộp tiền sử dụng đất trước bạ đến các cơ quan trung tâm đấu giá TP Hồ Chí Minh, sau đó báo cáo cho trung tâm sử dụng đất, rồi báo cáo cho Sở Tài nguyên Môi trường TP Hồ Chí Minh, trình sang UBND TP Hồ Chí Minh hủy kết quả đấu giá hai lô đất của hai doanh nghiệp.

Cần rút ra bài học lớn từ vụ đấu giá đất Thủ Thiêm.  
Cần rút ra bài học lớn từ vụ đấu giá đất Thủ Thiêm.  

Chia sẻ về tình hình đấu giá đất thời gian qua, đặc biệt là từ vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, Luật sư Võ Quang Vũ – Giám đốc Công ty Luật TNHH Thịnh Vượng (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Việc cả 4 công ty bỏ cọc sau khi trúng đấu giá 4 lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm thì cần phải xem xét lại tính pháp lý Luật đấu giá cũng như là lỗ hổng trong đấu giá tài sản. Cụ thể đó là vì sao không bắt buộc công ty trúng đấu giá phải nộp đủ tiền trước khi ký hợp đồng trúng đấu giá, việc ký hợp đồng trúng đấu giá trước rồi cho nộp tiền sau theo đợt thì người trúng đấu giá có khả năng lợi dụng vào việc dùng hợp đồng này, đem hợp đồng này đi huy động vốn nhiều nơi hoặc vay vốn. Nếu huy động hay vay tiền được thì nộp, còn không được thì chắc chắn sẽ không có tiền nộp và đây là có khả năng dẫn đến người trúng đấu giá không có tiền để nộp, dẫn đến phải bỏ coc.

Việc quy định 180 ngày nộp đủ tiền cũng là quá dài, tạo điều kiện cho người mua. Nhưng không có tiền để nộp, thì đây lại là thời gian đủ để đi huy động tiền. Nếu huy động được tiền thì nộp đủ không sao, nhưng không huy động được tiếp thì sẽ mất cả số tiền cọc và tiền đã nộp (nếu có), xem ra vấn đề này mới nhìn thì có lợi cho người mua trúng đấu giá nhưng không xoay sở được tiền thì bất lợi. Trường hợp này rất có khả năng xảy ra tranh chấp đối với hợp đồng mua đấu giá tài sản. Mà việc này thực tế trong vụ trúng đấu giá trước đây có đơn vị đấu giá khu đất tại đường Lê Duẩn, TP Hồ Chí Minh cũng đã kéo dài thời hạn nộp tiền rất lâu”.

“Để tránh trường hợp mất thời gian và sớm thu tiền đấu giá được thì sau khi trúng đấu giá, nên ấn định một thời gian nhất định vào biên bản đấu giá, ví dụ 30 ngày hoặc 60 ngày, người trúng đấu giá phải nộp đủ tiền trước khi ký hợp đồng mua tài sản đấu giá. Tôi nhấn mạnh lại là phải nộp tiền đủ vào ngân sách Nhà nước rồi mới ký hợp đồng mua tài sản đấu giá. Bởi trường hợp hết thời hạn này, người trúng đấu giá không nộp đủ tiền thì xem như mất toàn bộ số tiền đã nộp. Trường hợp này khắc phục được hậu quả người trúng đấu giá không có hợp đồng mua tài sản đấu giá để đi huy động vốn hay dùng nó để đi vay vốn. Đây là điểm quan trọng để chứng minh năng lực tài chính của người mua đấu giá tài sản. Trị được “bệnh” của các anh thiếu vốn mà đi đấu giá rồi huy động vốn sau”, luật sư Võ Quang Vũ phân tích thêm.

Bảo Châu

Theo Kinh doanh & phát triển