“Bán tháo” ô tô, xe máy… lấy tiền "gồng" lãi ngân hàng

Theo các chuyên gia trong ngành, có thể phải mất nhiều thời gian hơn để thị trường BĐS phục hồi. Riêng các nhà đầu tư nhỏ lẻ hiện đã “thấm đòn” chính sách tín dụng.

Bán tháo tài sản gồng lãi ngân hàng

Trong bối cảnh “khó chồng khó”, không ít nhà đầu tư muốn bán bất động sản (BĐS) để thu dòng tiền nhưng không được, đành ngậm ngùi thanh lý tài khoản khác để trả lãi cho ngân hàng. Bên cạnh các nhà đầu tư khó tiếp cận nguồn vay để mua BĐS thì có khá nhiều nhà đầu tư đang phải “gồng” lãi ngân hàng trong tình trạng đuối sức.

Nhiều nhà đầu tư đang cố giải quyết dòng tài chính bằng cách bán tháo tài sản, hoặc giảm sâu so với giá dự kiến ban đầu. Với những nhà đầu tư dù bán tháo BĐS cũng khó tìm khách mua đã tìm cách bán các tài sản “dễ thanh khoản” để giải quyết việc trước mắt, cố chờ thêm tín hiệu tốt hơn từ thị trường BĐS.

Thời gian gần đây, tỷ lệ cầm cố tài sản có dấu hiệu tăng lên. Một số nhà đầu tư còn bán tháo những tài sản như ô tô, xe máy, điện thoại, laptop xịn…để gồng gánh công việc kinh doanh.

Thực tế, việc lãi suất tăng đang khiến nhiều nhà đầu tư lao đao. Theo đó, để giải quyết câu chuyện tài chính, họ chấp nhận bán đi các tài sản “dễ bán” để có dòng tiền.

Theo các nhà đầu tư, BĐS là tài sản lớn, để có thể bán nhanh trong bối cảnh thị trường hiện nay là không dễ. Vì thế, việc bán ô tô hay điện thoại với giá giảm sâu…sẽ dễ bán hơn. Dòng tiền này có thể “gồng” thêm được BĐS, chờ đợi được thị trường hoặc giải quyết dòng vốn ngắn hạn như lãi hàng tháng, khoản vay nhỏ….

Mua ô tô năm ngoái, hiện rao phải bán giá thấp hơn 500 triệu đồng, anh Linh cho hay, chiếc xe này được sinh ra từ việc đầu tư đất. Hiện tại, bí dòng tiền, anh lại lấy chính chiếc xe, phương tiện đi lại của mình để gồng gánh việc đầu tư BĐS. Anh Linh chia sẻ thêm, hiện anh đang ôm nhiều lô đất cùng lúc nhưng thị trường trầm lắng quá, bán ra nhưng không bán được nên anh đành phải rao bán “lỗ sâu” chiếc xe ô tô để có tài chính xử lý.

Cùng tình cảnh, anh H hiện đang rao bán chiếc xe với giá 550 triệu đồng, thấp hơn giá mua vào (năm 2021) gần 400 triệu. Anh H cho biết, anh bán ra để trả khoản vay “nóng” bạn bè để mua lô đất. Nếu không bán được xe thì anh phải đi vay ngân hàng để trả nợ, nhưng do lãi suất đang tăng nên anh rất sợ đi vay. Vì thế, dù phải bán tháo chiếc xe ô tô, anh vẫn thấy ổn hơn là đi vay tiền ngân hàng lúc này.

Dù không đến mức khó khăn phải cầm cố, bán tháo tài sản cá nhân trả nợ lãi ngân hàng nhưng anh Việt lại khá đau đầu khi đã rao cắt lỗ mảnh đất đến 400 triệu đồng vẫn không thể bán được. Muốn bán bớt tài sản để trả nợ khoản vay gần 1.5 tỉ ngân hàng khi biết lãi suất ngân hàng đang có xu hướng tăng, trong khi bản thân vợ chồng anh đang bị giảm thu nhập do công ty gặp khó khăn.

Anh Việt cho hay, anh là nhà đầu tư mới tham gia thị trường 2 năm trở lại đây, hiện sở hữu 2 nền đất thổ cư và đất vườn nhưng đang cố rao bán một nền để giải quyết vốn vay ngân hàng. Với tình hình khó khăn về công việc cũng như lãi suất tăng, dù phải bán lỗ thì vợ chồng anh vẫn muốn bán ra để giải quyết tài chính cho “nhẹ đầu”.

“Bán tháo” ô tô, xe máy… lấy tiền "gồng" lãi ngân hàng - Ảnh 1

Săn hàng cắt lỗ: của rẻ liệu có ngon ăn?

Theo các chuyên gia, thị trường đang xuất hiện quảng cáo rao bán cắt lỗ và tâm lý người mua tìm kiếm lô “đất ngộp”. Nếu mua được loại đất này thì cơ hội lời rất lớn. Nhưng thực tế, có nhiều trường hợp giả cắt lỗ. Và nếu không cẩn trọng, nhà đầu tư có thể rơi vào nạn nhân bị “ngộp” tiếp theo. Đây chính là lý do mà nhà đầu tư cần lựa chọn sản phẩm có tính pháp lý đầy đủ, tránh bất động sản tranh chấp, vị trí tốt, khả năng thanh khoản cao.

Tác động lãi suất gia tăng cộng với hàng loạt chính sách điều chỉnh khiến thị trường địa ốc đã dần rơi vào trạng thái trầm lắng. Tín hiệu rõ rệt nhất của giai đoạn khó chồng khó chính là lượng giao dịch sụt giảm mạnh.

Không ít nhà đầu tư bắt đầu cho hành trình tìm kiếm bất động sản đẹp, giá tốt khi họ cho rằng, sẽ có những nhà đầu tư không thể chịu được áp lực vốn vay lớn, buộc phải thoát hàng để trang trải nợ nần.

Cuộc “săn” tìm bất động sản giảm giá không chỉ có những nhà đầu tư chuyên nghiệp mà ngay cả nhà đầu tư tay ngang cũng đang vội vã tìm kiếm cơ hội mới. Thế nhưng, để tìm kiếm bất động sản “cắt lỗ” chất lượng trong giai đoạn hiện tại không phải điều dễ dàng.

Lãnh đạo sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội kể, khoảng chừng 2-3 tuần trở lại đây, nhiều nhà đầu tư tay ngang liên hệ với môi giới để tìm hàng “cắt lỗ”. Nhưng họ thường rơi vào 2 trường hợp. Một là mua hàng “cắt lãi”. Hoặc mua phải hàng “cắt lỗ” giá rẻ nhưng lại là sản phẩm kém chất lượng. Đúng như dân gian hay có câu “của rẻ là của ôi”.

Vị này kể thêm, Một khách hàng của tôi 5 ngày trước đến khoe mua được lô đất “cắt lỗ” ở Long Biên. Chị khách phấn khởi vì mua được giá rẻ. Chị khách kể lại, thời điểm lướt trên mạng xã hội, thấy một tài khoản đăng bán cắt lỗ nhanh lô đất vì chủ nhà cần tiền gấp để trả nợ.

Sau khi liên hệ, chị đã qua làm việc và đánh giá lô đất đẹp. Thấy môi giới kể, chủ nhà đang rất cần tiền và mức giá hiện tại đã giảm, khó tìm được mảnh đất nào giá tốt như vậy. Chưa kể, nếu không mua ngay, chắc chắn có người khác xuống tiền sớm. Thấy môi giới giục, chị khách cọc tiền luôn và chủ nhà gia lộc 20 triệu đồng, bỏ qua khâu kiểm tra mặt bằng giá chung thị trường.

Thế nên, khi nhân viên bên tôi kiểm tra lại, tính toán ra, lô đất đó lại hoá đắt so với mặt bằng chung của thị trường. Giá lô đất chị khách mua tương đương với giá của một số lô đất đẹp hơn, hai ô tô tránh nhau, ngõ nông. Chị khách mua tưởng rẻ hoá lại đắt. Đây chính là cách đánh vào tâm lý của người mua bằng việc tạo ra câu chuyện cắt lỗ, cần tiền trả nợ phải giao dịch nhanh, không thương lượng.

Các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư vẫn cần tỉnh táo lựa chọn kỹ càng khi đi săn hàng “ngộp”. Thị trường thứ cấp đang xuất hiện làn sóng xả hàng ngộp. Nhiều bất động sản chưa chuẩn pháp lý cần bán gấp hoặc đuối vốn cần thoát hàng sẽ có giá mềm hơn giá thị trường.

Chuyên gia này cho rằng, số ít trong đó là những quảng cáo mang tính “làm màu” để tạo tương tác. Mốt số rao bán chỉ xem như cắt lời, chưa thực sự bán lỗ hay chạm giá gốc. Thế nên nhiều tin cắt lỗ sâu phần nhiều là bán hoà vốn thậm chí có lãi nếu khấu trừ các ưu đãi lúc đầu của chủ đầu tư và chiết khấu mua lúc đầu.

Bên cạnh đó, chuyên gia khuyến nghị, những sản phẩm cắt lỗ thật thì rất có thể do dính dáng đến yếu tố pháp lý hay chất lượng dự án. Nhà đầu tư cần theo dõi sát diễn biến của thị trường, tra xét kỹ lưỡng vấn đề pháp lý, tiềm năng, giá thực tế của sản phẩm định mua. Đồng thời tránh lời ảo từ thông tin rao cắt lỗ đưa ra.

Vì vậy, cần tỉnh táo khi đi săn hàng cắt lỗ, không nên ham rẻ mà mua sản phẩm không phù hợp. Yếu tố pháp lý, chất lượng, tiện ích cần phải tính toán đi kèm, tránh trường hợp mua rẻ nhưng tốn chi phí sửa sang, thiếu tiện ích, an ninh.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống