Bất động sản 24h: Giữa bão sốt đất, nên đầu tư đất nền khu vực nào?
Nên đầu tư vào đất nền ở khu vực nào lúc này?; Bình Dương: Hàng chục dự án “bán lúa non”, tại sao chỉ phạt 1 trường hợp?... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.
Nên đầu tư vào đất nền ở khu vực nào lúc này?
Theo các chuyên gia trong ngành, trong các phân khúc, đất nền vẫn là món hời mà đa số nhà đầu tư (NĐT) lựa chọn, lý do căn bản đây là phân khúc bất động sản sinh lợi tốt nhất trong các phân khúc.
Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, khá nhiều NĐT mua miếng đất giá 2 tỷ đồng, sau 1 năm tăng giá lên 2.5 tỷ đồng là chuyện bình thường. Với việc tăng giá khoảng 20-25% trong vòng một năm trong khi lãi suất vay ngân hàng khoảng 8-10%, tiền gửi 5-6% thì bỏ tiền vào bất động sản là cách nhiều NĐT lựa chọn.
Với NĐT có tài chính hạn chế thì có khuynh hướng đầu tư vào tài sản có thể để dài hơi, đặc biệt phân khúc đất nền có sổ đỏ vẫn được ưu tiên. Vị chuyên gia này lấy ví dụ, có trong tay tầm 1-3 tỷ đồng nếu mua căn hộ giá trị gia tăng không nhiều, mua nhà phố ở quận ven TP.HCM thì rất nhỏ, nên NĐT có xu hướng chỉ ra mua đất nền ở Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Q.9 hay các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu…. Các nền đất có diện tích 50-60m2 có giá tầm 1 -1.5 tỷ đồng/nền (có thể là đất dân có sổ) thì họ sẽ kỳ vọng sau một năm giá trị miếng đất sẽ tăng lên 20-25%. Kì vọng này là hoàn toàn thực tế có thể đạt được.
Dự án Khu đô thị Đại Thanh: Khi niềm tin đặt sai chỗ
Giữa tiết trời mưa lạnh, hàng trăm khách hàng mua nhà tại dự án Khu đô thị (KĐT) Đại Thanh lại đồng loạt căng băng rôn đòi nhà, bức xúc trước việc chính quyền huyện Thanh Trì phá dỡ mà không rõ nguyên nhân.
Khi niềm tin đặt sai chỗ, người dân chỉ biết còn biết ôm mặt kêu trời, cầu cứu tới các cơ quan chức năng.
Anh Trần Tiến Đạt - Chủ Lô 1A, LK 1 chia sẻ với PV Reatimes: “Để có tiền mua 52m2 đất tại KĐT Đại Thanh, gia đình hai bên nội ngoại đã phải dồn tiền cho vợ chồng tôi vay mượn. Cũng do hoàn cảnh, chúng tôi sau đó chỉ dựng tạm được căn nhà cấp 4 để sinh sống, bỗng nhiên chính quyền đến đòi cưỡng chế, phá nhà của chúng tôi”.
“Tôi hỏi thì họ cho biết lý do là "chủ đầu tư sai phạm", trong khi chưa bao giờ chúng tôi được đối thoại với chủ đầu tư. Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền, các ban ngành nhưng kết quả vẫn không đi tới đâu”, anh Tiến bức xúc nói thêm.
Bình Dương: Hàng chục dự án “bán lúa non”, tại sao chỉ phạt 1 trường hợp?
Ghi nhận phần lớn dự án nhà ở hình thành trong tương lai tại Bình Dương đều có tình trạng “bán lúa non”. Nhưng việc tỉnh này chỉ xử phạt 1 dự án khiến dư luận không khỏi hoài nghi về sự công tâm của chính quyền.
Mới đây, trả lời phản ánh của công dân về việc huy động vốn trái phép tại dự án căn hộ cao tầng Splus, do Công ty Cổ phần Quản lý Đầu tư STC làm chủ đầu tư, Sở Xây dựng Bình Dương cho biết, cơ quan này đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính chủ đầu tư dự án do có hành vi đưa bất động sản vào kinh doanh khi chưa đủ điều kiện.
Theo Sở Xây dựng Bình Dương, xét đơn thư phản ánh của một người dân về việc huy động vốn trái phép tại dự án Khu căn hộ thương mại và căn hộ cao tầng Splus, Sở đã tiến hành kiểm tra và xác nhận thông tin tố cáo đúng.
Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh Bình Dương ban hành quyết định số 3632/QĐ-XPVPHC ngày 2/12/2020, về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng đối với Công ty Cổ phần Quản lý Đầu tư STC.
Cụ thể, công ty này đã vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản, mà bất động sản đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định, hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 57 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ, về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.
Thị trường phục hồi, doanh nghiệp ngành thép, xi măng liên tục “chốt đơn“
Năm 2020 chứng kiến những khó khăn của ngành thép do tác động của dịch bệnh và thị trường trầm lắng. Hệ quả là gần 50% số doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) có doanh thu sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, các đơn vị này đã nhanh chóng điều chỉnh chiến lược kinh doanh, có sự phục hồi và tăng tốc trong giai đoạn cuối năm 2020, đầu 2021.
Bước sang năm 2021, với nhu cầu mạnh mẽ về thép của thị trường thế giới và trong nước, cũng như việc giá thép đang có xu hướng tăng, là những điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thép có nhiều cơ hội bứt phá. Bên cạnh đó, các cơ hội từ hội nhập, đặc biệt là việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy ngành thép sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới.
Theo báo cáo từ VSA, trong tháng 1/2021, sản lượng và tiêu thụ thép toàn cầu cho thấy dấu hiệu phục hồi tích cực hơn so với năm trước. Cụ thể, sản xuất thép thô cả nước đạt trên 1,7 triệu tấn, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng tới 50,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiêu thụ thép thô đạt 1,745 triệu tấn, tăng 8,5% so với tháng trước và tăng 61,6% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, xuất khẩu thép thô là 253.686 tấn. Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2021, với những tín hiệu tích cực, xuất khẩu thép của Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ.
5 nhóm đối tượng dự kiến được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2021
Bộ Tài chính vừa đưa ra dự thảo Nghị định quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất. Theo đó, dự kiến, số tiền thuế và tiền thuê đất gia hạn khoảng 115 nghìn tỷ đồng.
Năm nhóm đối tượng được đề xuất gia hạn thời hạn nộp tiền thuế, tiền thuê đất trong năm 2021 gồm: Doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế như nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; xây dựng; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục. Doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế như vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; hoạt động dịch vụ lao động và việc làm; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh du lịch; hoạt động sáng tác, nghệ thuật, giải trí; sản xuất đồ uống; thoát nước và xử lý nước thải)… Doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, sản phẩm cơ khí trọng điểm. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Và tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo dự thảo Nghị định, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế Giá trị gia tăng (trừ thuế Giá trị gia tăng nhập khẩu) phát sinh phải nộp của kỳ tính thuế từ tháng 3/2021 đến tháng 8/2021 (đối với trường hợp kê khai thuế Giá trị gia tăng theo tháng) và kỳ tính thuế quý I, quý II/2021 (đối với trường hợp kê khai thuế Giá trị gia tăng theo quý) của các doanh nghiệp, tổ chức nêu trên.