Bất động sản "ì ạch", ngành vật liệu xây dựng chịu ảnh hưởng nặng nề
Thị trường bất động sản ngưng trệ ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành nghề liên quan trong đó, có ngành vật liệu xây dựng. Để giải quyết khó khăn của những ngành phụ trợ, chuyên gia cho rằng, việc phục hồi thị trường bất động sản nội địa có ý nghĩa “sống còn”. Đặc biệt, cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Đầu ra cho ngành vật liệu xây dựng đang bế tắc
Bất động sản là thị trường tiêu thụ quan trọng hàng đầu của ngành vật liệu xây dựng. Khi bất động sản đi xuống thì “sức khỏe” của các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng cũng bị giảm sút, đứng hình, dừng hoạt động đột ngột. Dù nhiều các doanh nghiệp đã lường trước về tình hình khó khăn của thị trường nhưng một cú sốc lớn khiến các doanh nghiệp vẫn bị sụt giảm lớn về doanh thu.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công cũng như "phá băng" bất động sản để tăng nguồn cầu, khơi thông điểm nghẽn đầu ra cho nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng.
Trước đó, vào tháng 3/2023, đã có hơn 20 doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA) mới đây đã đồng ký tên trong một văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Xây dựng để kêu cứu về những khó khăn và bế tắc của ngành này đang đối diện. Cho đến nay, khó khăn, bế tắc vẫn chưa được khơi thông khi thị trường bất động sản chưa khởi sắc.
Theo TS.Thái Duy Sâm - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) đánh giá, từ năm 2020 đến nay, đặc biệt là 6 tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất kinh doanh ngành vật liệu xây dựng liên tục giảm sút qua thời gian và gặp rất nhiều khó khăn, trong đó nổi bật nhất là vấn đề tắc nghẽn đầu ra tiêu thụ sản phẩm chủ yếu sử dụng cho các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp.
TS.Thái Duy Sâm - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) |
Đối với ngành xi măng, theo số liệu của Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng sản xuất xi măng ước đạt 39 triệu tấn, giảm 7%; tiêu thụ xi măng đạt 43 triệu tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022 (trong đó, tiêu thụ nội địa đạt 29 triệu tấn, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022; xuất khẩu sản phẩm xi măng và clinker đạt 14 triệu tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022). Trước đó, sản lượng sản xuất năm 2022 (99,7 triệu tấn) cũng giảm so với năm 2021 (108 triệu tấn).
Về ngành gốm sứ xây dựng (bao gồm gạch ốp lát và sứ vệ sinh), năm 2020 gạch ốp lát Việt Nam đạt tới công suất 800 triệu m2, đứng thứ 4 thế giới. Tuy nhiên, hiện nay cũng giảm sút, sản lượng sản xuất chỉ đạt 50 - 60% tổng công suất thiết kế. Tiêu thụ chỉ đạt 80% sản lượng, còn lại lượng tồn kho khá lớn. Đầu ra tiêu thụ khó khăn.
Ngoài việc tiêu thụ trong nước, ông Sâm cũng cho biết, ở một số ngành vật liệu xây dựng như gốm sứ xây dựng để xuất khẩu ra nước ngoài đã được Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đề xuất áp dụng kiểm tra đầu nguồn, sang nước bạn để kiểm tra xuất xứ sản phẩm nhưng chưa được cơ quan quản lý chấp thuận. Trong khi đó, các nước nhập sản phẩm của Việt Nam cũng cử người sang nước ta để kiểm tra và đưa ra các chính sách bảo hộ, chống bán phá giá. Điều đó cũng một phần khiến các sản phẩm ngành này k tìm được đầu ra.
Doanh nghiệp chưa hết khó
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang lắng nghe, đưa ra nhiều biện pháp nhằm nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản từ cuối năm 2022 đến nay. Gần đây, đã có những kết quả mang tín hiệu tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp ngành bất động sản. Tuy nhiên, chuyển biến vẫn còn chậm bởi thế, ngành vật liệu xây dựng cũng chưa thể bứt phá trong thời gian qua.
Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng Bốn Mùa Nguyễn Thanh Tuấn nhận định, ước tính giá vật tư nói chung đã giảm khoảng 10%, song doanh nghiệp vẫn chưa hết khó vì tổng chi phí xây dựng hiện nay vẫn cao hơn trước khoảng 20 - 25%. "Tuy giảm tới 8 lần liên tiếp nhưng mức giảm chưa nhiều, các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng vẫn gặp khó khi giá nguyên vật liệu khác như xi măng, cát, nhựa đường... vẫn neo cao”.
Thực tế, để có thể đưa ngành vật liệu xây dựng có thể "vượt bão" thì hệ sinh thái ngành cũng cần phải phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, trong đó bao gồm: Thị trường bất động sản, xây dựng, nội thất, lao động...
Theo TS Thái Duy Sâm, một trong những nguyên nhân khiến ngành vật liệu xây dựng gặp khó nữa là do quy hoạch, chiến lược phát triển bất động sản còn những bất cập, phát triển nhiều bất động sản cao cấp, trong khi nhu cầu cần nhiều hơn như nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, phù hợp túi tiền lại thiếu cung. Nghịch lý chúng ta vẫn thấy là bao nhiêu biệt thự bỏ hoang, có những dự án để không cả chục năm cỏ mọc um tùm, trong khi nhiều công nhân, người thu nhập thấp không mua được nhà.
Những người cần nhà, có nhu cầu ở thực thì chưa mua được nhà. Những người mua được thì trong bối cảnh thị trường ảm đạm như hiện nay, họ cũng chưa mua ngay. Bên cạnh đó, một lượng lớn người mua kinh doanh đầu cơ, có nhu cầu vay ngân hàng nhưng giai đoạn vừa rồi, lãi suất ở mức rất cao, nên họ cũng phải tạm dừng hoạt động mua bán, dẫn đến tín dụng tiêu dùng bất động sản giảm, TS Sâm phân tích.
Định hướng phát triển 6 tháng cuối năm 2023, Bộ Xây dựng đã đặt nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo chương trình, kế hoạch được giao, trọng tâm là Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6. Đồng thời, khẩn trương xây dựng Luật Quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn để trình Quốc hội kỳ họp thứ 7 năm 2024.
Về quản lý vật liệu xây dựng, Bộ tập trung hoàn thiện “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tiếp tục rà soát, đề xuất hoàn thiện các chính sách liên quan đến lĩnh vực vật liệu xây dựng và khoáng sản làm vật liệu xây dựng gắn với giải pháp phát triển ổn định bền vững, sử dụng vật liệu thay thế, vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; vật liệu cho khu vực biển đảo.