Bất động sản nghỉ dưỡng về đâu trước làn sóng Covid-19 bùng phát?
Những lo ngại về một kịch bản của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có thể diễn biến theo chiều hướng thiếu lạc quan là điều hoàn toàn dễ hiểu khi dịch bệnh Covid-19 có nguy cơ bùng phát trở lại.
Làn sóng Covid-19 có nguy cơ bùng phát trở lại khi số lượng ca nhiễm tiếp tục gia tăng. Trái với kỳ vọng và niềm tin trước đó, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang đứng trước nhiều thách thức.
“2 tuần trước, thị trường bất động sản du lịch khá sôi động. Nhiều nhà đầu tư săn và gom hàng. Nguồn cung của sản phẩm khá dồi dào. Ai cũng có niềm tin Covid-19 đã được kiểm soát tốt hoàn toàn. Nhưng đến hiện tại, tâm lý của nhà đầu tư có chút thất vọng. Một số nhà đầu tư đổ tiền vào kênh này bắt đầu lăn tăn về khả năng sinh lời”, ông Nguyễn Anh - một nhà đầu tư đang bỏ vốn tại Quảng Ninh chia sẻ với phóng viên Reatimes.
Tâm lý lo ngại thực tế đang lan nhanh trong suy nghĩ của nhiều nhà đầu tư. Trước đó, vào hồi đầu tháng 10/2020, việc tái bùng phát dịch lần 2 đã khiến giới đầu tư phải cẩn trọng trong bài toán bỏ vốn bởi nhiều điểm du lịch ghi nhận tình trạng sụt giảm lượng khách đặt phòng. Một số khách sạn thậm chí hoạt động với tỷ lệ lấp đầy ở mức một chữ số. Bất động sản nghỉ dưỡng cũng rơi vào tình trạng gần như “đóng băng” bởi sự tái phát dịch bệnh tác động trực tiếp đến ngành du lịch.
Tuy nhiên, với tình hình kiểm soát dịch bệnh tốt, du lịch khởi sắc, bất động sản nghỉ dưỡng dần có dấu hiệu tích cực kể từ tháng 11. Nhiều nhà đầu tư mạnh tay gom hàng để đón chờ đợt sóng mới.
Báo cáo của DKRA Việt Nam cũng ghi nhận, nguồn cung sản phẩm như biệt thự, nhà phố biển và cả condotel diễn ra mạnh mẽ trong 3 tháng đầu năm. Toàn thị trường đón nhận 778 căn biệt thự biển mở bán đến từ 6 dự án (gồm 4 dự án mới và 2 dự án thuộc giai đoạn tiếp theo của dự án trước đó), gấp 3,2 lần so với quý trước và gấp 26 lần so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 25% (tương đương 196 căn), gấp 1,9 lần so với quý IV/2020.
Nguồn cung và lượng tiêu thụ mới tăng so với quý trước. Phân khúc nhà phố và shophouse biển trong khu phức hợp ghi nhận 3 dự án mới mở bán, cung cấp ra thị trường 222 căn, bằng 40% so với quý trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 74% (khoảng 164 căn), bằng 66% so với quý IV/2020.
Trong khi đó, nguồn cung căn hộ condotel cũng tăng tốc mạnh mẽ trong 3 tháng đầu năm 2021 khi ghi nhận 752 căn condotel mở bán đến từ 3 dự án, tăng 7,4 lần so với quý trước và tăng 8,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 32% (khoảng 244 căn), tăng 16,3 lần so với cuối năm 2020 và tăng 9,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn còn thấp so với cột mốc trước năm 2019.
Trong báo cáo quý I, DKRA cho biết, đà tăng tốc của rổ hàng biệt thự, shophouse biển, căn hộ condotel và thanh khoản cải thiện dần cho thấy sự trở lại tích cực của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sau năm 2020 suy giảm nặng nề.
Tuy nhiên, theo DKRA, sức hấp thụ của thị trường vẫn còn ở mức thấp so với giai đoạn hoàng kim từ năm 2019 trở về trước. Và đến thời điểm hiện tại, các con số chỉ báo về kịch bản thị trường bất động sản nghỉ dưỡng còn có thể tiếp tục sụt giảm trước làn sóng Covid-19 có nguy cơ bùng trở lại.
Nhìn nhận ở góc độ thị trường, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương đã từng dự báo, bất động sản nghỉ dưỡng khó phục hồi sớm bởi sự biến động của ngành du lịch. Vị chuyên gia này nhận định, ngành du lịch Việt Nam còn chịu tác động lớn từ dịch. "Kể cả khi đường bay thương mại quốc tế được kết nối trở lại với một số quốc gia, chủ đầu tư cũng không nên quá kỳ vọng vào sự phục hồi ngay lập tức từ thị trường khách quốc tế", ông Mauro khuyến cáo.
Song, theo nhiều chuyên gia, với các nhà đầu tư xác định bỏ vốn vào lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng cần xác định đây là cuộc chơi dài hơi, cần tiềm lực tốt về tài chính. Bởi chắc chắn du lịch sẽ khởi sắc khi kinh tế du lịch được xác định là ngành mũi nhọn. Đây chính là thời điểm để nhà đầu tư lựa chọn, tìm kiểm sản phẩm tốt. Còn trong giai đoạn 2 - 5 năm tới, ngành du lịch vẫn có thể biến động trước thông tin Covid-19.