Bất động sản vẫn được dự báo nhiều triển vọng trong dài hạn
Theo chuyên gia, trong giai đoạn này, nhà đầu tư có tầm nhìn đã hướng đến các mục tiêu dài hạn hơn nhằm đón đầu tệp khách tương lai. Bên cạnh động lực cho đà tăng giá đều đặn về lâu dài, BĐS vẫn là kênh bảo toàn vốn hiệu quả.
Tăng trưởng 15%/năm, triển vọng trong 20 năm tới
Thị trường BĐS nhà ở của Việt Nam có nhiều động lực lớn về dài hạn. Trong đó, đáng kể nhất là nhu cầu ở thực rất cao do dân số trẻ và tốc độ đô thị hoá nhanh chóng trong khi nguồn cung hạn chế. Kế đến, do thành quả của đà tăng trưởng kinh tế, tầng lớp trung lưu tiếp tục gia tăng nhanh chóng, tạo nên sức cầu lớn cho phân khúc BĐS nhà ở.
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản Châu Á có nhiều bất ổn thì Việt Nam vẫn duy trì sức cạnh tranh tương đối về giá và tài nguyên so với các quốc gia trong khu vực. Giá bất động sản tại Việt Nam liên tục tăng.
Ông Trương Trí Vĩnh, Phó Tổng thư ký thường trực Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, bất động sản thường được nhìn như là một sản phẩm đầu cơ, lại không chú ý đến nó như một hàng hóa bình thường. Nhìn ở góc độ này thì bất động sản ở trung hạn đang thiếu hụt; cùng với các nhà đầu tư đang tìm nơi trú ẩn an toàn cho các dòng tiền. Ở dài hạn, quá trình hình thành các đô thị mới dẫn dắt quá trình tăng giá. Đây là những lý do bất động sản Việt Nam liên tục tăng.
Theo ông Vĩnh, thị trường bất động sản Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển nhờ tính năng động và có nhiều động lực phát triển nhất Châu Á. Với tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm, bất động sản được dự báo triển vọng rất tích cực trong 20 năm tới do mức độ đô thị hóa vẫn ở mức thấp và đâng diễn ra mạnh mẽ, nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao, hạ tầng cơ bản còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng.
Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa tại Việt Nam đang diễn ra rất mạnh mẽ. Hiện cả nước có 44 triệu người ở khu vực đô thị, chiếm 45% dân số. Dự báo, đến năm 2025, dân số tại khu vực đô thị có thể đạt đến 52 triệu người, chiếm 50% dân số với khoảng 1.000 đô thị. Dự báo giai đoạn 2050 – 2070, tỉ lệ dân đô thị sẽ đạt tới 70 – 75% dân số.
Cơ sở hạ tầng tại Việt Nam cũng đang trong quá trình phát triển. Trong giai đoạn 2020 – 2030 nhu cầu đất xây dựng đô thị vào khoảng 400.000 ha năm 2020 lên đến 450.000 ha vào năm 2025. Diện tích đất đô thị trung bình 85-90 m2/người. Nhà ở đô thị bình quân đạt trên 15-20 m2/người. Đường quốc lộ tăng thêm 5.000km. Đường cao tốc tăng hơn 4 lần, từ 1,163km lên 5,000km. Thêm 6 sân bay và 1 cảng biển quốc tế.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Thành viên hội đồng chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho biết, thị trường bất động sản đóng vai trò là cầu nối các ngành, thị trường trong chuỗi giá trị bất động sản. Hiện có 35 ngành nghề, lĩnh vực liên quan tới thị trường bất động sản (hệ số lan tỏa từ 0,5 – 1,7 lần). Trong đó, 4 ngành lớn có liên quan nhiều nhất gồm xây dựng; du lịch; lưu trú; tài chính – ngân hàng.
Bên cạnh đó, bất động sản đóng góp vào GDP và nền kinh tế (năm 2021, ngành kinh doanh bất động sản đóng góp 3,58% GDP). Bất động sản còn góp phần thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Ngành này đang xếp thứ 2 về thu hút vốn nước ngoài, chiếm khoảng 10% vốn FDI đăng ký mới hàng năm. Lũy kế đến hết tháng 5/2022 tổng vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đạt hơn 65 tỷ USD, chiếm 15,3% tổng vốn FDI đăng ký.
Còn theo thông tin từ Savills Việt Nam, các nhà lãnh đạo, chuyên gia từ nhiều thị trường lớn trên thế giới đều nhấn mạnh sự quan tâm đến thị trường Việt Nam đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, văn phòng và nhà ở. Họ đánh giá Việt Nam là thị trường phù hợp cho kinh doanh đầu tư dài hạn, với rủi ro thấp và tỷ lệ lạm phát được kiềm chế ở mức an toàn.
Vì vậy, trong giai đoạn này, nhà đầu tư có tầm nhìn đã hướng đến các mục tiêu dài hạn hơn nhằm đón đầu tệp khách tương lai. Bên cạnh động lực cho đà tăng giá đều đặn về lâu dài, BĐS vẫn là kênh bảo toàn vốn hiệu quả.
Chuyên gia đánh giá, các bất động sản có pháp lý minh bạch, ở những khu vực có dư địa tốt, hệ sinh thái tiếp cận được tệp khách hàng cao cấp chắc chắn sẽ có sự tăng trưởng trong 3-5 năm tới. Bên cạnh nhu cầu ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu trong nước, sự đổ bộ của chuyên gia, người nước ngoài sẽ là đòn bẩy vững chãi cho thị trường nhà ở.
Về khẩu vị đầu tư, vị chuyên gia này cho rằng, thời điểm này nguyên tắc “bỏ trứng nhiều giỏ” cần được lưu tâm, tuy nhiên nên chọn cùng một chủng loại giỏ hàng mà mình tin tưởng và tiềm năng rõ ràng nhất. Danh mục đầu tư bất động sản cần tập trung vào sản phẩm có pháp lý rõ ràng và có thể sinh lời ngay, chẳng hạn như nhà phố có thể cho thuê hoặc kinh doanh để tạo ra thu nhập đều đặn.
Nhà đầu tư bị ảnh hưởng tâm lý, thị trường không có giao dịch
Chuyên gia cho biết, năm 2022 là một năm khó khăn chung của tất cả các doanh nghiệp bất động sản. Trong bối cảnh phải huy động tiền mặt để trả nợ, nhiều doanh nghiệp chấp nhận cam kết mua lại sản phẩm giá cao, thậm chí giảm giá một nửa sản phẩm nếu khách hàng thanh toán trước.
Tuy nhiên, khó khăn của thị trường chỉ là nhất thời, chủ yếu do tâm lý nhà đầu tư. Tiền trong dân vẫn có rất nhiều, nhà đầu tư vẫn có nhu cầu mua vào. Tâm lý trên thị trường của nhà đầu tư bị đè nặng. Chúng ta phải chờ đợi thêm những tác động tích cực của nền kinh tế vĩ mô, tháo gỡ tâm lý cho nhà đầu tư.
Đánh giá về triển vọng thị trường năm 2023, theo các chuyên gia, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng thị trường vẫn sẽ có những điểm tích cực. Đâu đó, thị trường vẫn có những sản phẩm tốt đáp ứng được nhu cầu tốt, đây sẽ là những đốm sáng và tạo thành màu sáng cho bức tranh của thị trường bất động sản 2023.
CEO của một doanh nghiệp chia sẻ, trong thời gian tới doanh nghiệp sẽ triển khai ra thị trường hơn 12.000 sản phẩm đến từ các dự án tại Bình Định, Thuận An - Bình Dương vào cuối quý I/2023 và Phước Hải - Bà Rịa Vũng Tàu vào cuối quý II/2023. Các dự án này sẽ bao gồm cả đất nền và chung cư.
Chia sẻ thêm về lý do tự tin ra hàng dự án trong bối cảnh chung của nền kinh tế, vị CEO này cho biết doanh nghiệp đã tính đến mọi phương án của thị trường từ đó đưa ra những chính sách phù hợp. Ví dụ như có thể hỗ trợ khách hàng chia nhỏ các đợt thanh toán hoặc khi thị trường chưa thực sự phục hồi chỉ tập trung ra hàng những bất động sản phục vụ nhu cầu ở.
Hiện nay nhiều doanh nghiệp bất động sản đang loay hoay với câu chuyện đáo hạn trái phiếu. Trước bối cảnh các doanh nghiệp bất động sản đang đồng loạt cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm, giảm lương, thậm chí nhiều doanh nghiệp cho phần lớn bộ phận bán hàng tạm nghỉ, vị CEO cho biết bộ máy nhân sự của doanh nghiệp tinh gọn nên không có nhiều biến động. Không những thế, chúng tôi còn đang sốt sắng để chuẩn bị cho những kế hoạch bứt tốc trong năm 2023.
Triển vọng năm 2023, doanh nghiệp vẫn phải đi lên, vẫn phải phát triển, vẫn phải tìm kiếm khách hàng để bán hàng. Những khó khăn hiện tại là ngắn hạn và không xuất phát từ bản chất của thị trường mà đang bị tác động bằng những chính sách như siết tín dụng để kìm chế lạm phát. Chính vì vậy, một khi những biện pháp này được nới giãn sẽ khiến thị trường dễ thở hơn.
Theo chia sẻ mới đây của vị Phó chủ tịch HĐQT BHS Group, ông Lê Xuân Nga, quy luật tất yếu của thị trường sẽ có hai trạng thái luôn tồn tại là “sốt nóng” và “đóng băng”, không bao giờ thị trường mãi một trạng thái. Với những nhà đầu tư, doanh nghiệp có tiền, có kinh nghiệm trải qua thời kỳ này. Họ sẽ không tìm kiếm bất cứ bài học thời điểm này, mà chắc chắn họ đang tìm kiếm cơ hội.