Cần phải khôi phục niềm tin của khách hàng và nhà đầu tư đối với thị trường bất động sản
Trong bối cảnh thị trường đang dần có những "điểm sáng", đặc biệt là sự vào cuộc của Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước nhằm "gỡ khó" cho thị trường bất động sản thì có thể nói để thị trường trở lại trạng thái bình thường thì niềm tin khách hàng và nhà đầu tư chính là chốt chặn cuối cùng" cần giải tỏa.
Niềm tin vào thị trường bất động sản vẫn còn thấp
Bất chấp việc lãi suất huy động tại các ngân hàng đã giảm về mức thấp nhất trong lịch sử khi lãi suất huy động về dưới 5% kỳ hạn 12 tháng. Thế nhưng lượng tiền gửi của người dân vào ngân hàng vẫn duy trì mức cao.
Cụ thể, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng đã tăng thêm 15.935 tỷ đồng trong tháng 9/2023, lên mức kỷ lục hơn 6,449 triệu tỷ đồng. Mức tăng này cao gấp 11 lần cùng kỳ năm 2022 nhưng là tháng tăng thấp thứ hai trong 9 tháng đầu năm (chỉ cao hơn tháng 7 - tăng 6.707 tỷ đồng).
So với cuối năm 2022, lượng tiền gửi của người dân đã tăng tổng cộng 583.494 tỷ đồng, tương đương 9,95%. Đây là mức tăng trưởng tiền gửi 9 tháng cao nhất kể từ năm 2018.
Trong khi tăng trưởng tiền gửi của dân cư chậm lại trong tháng 9, tiền gửi của các tổ chức kinh tế lại tăng mạnh 217.353 tỷ đồng, lên gần 6,232 triệu tỷ đồng. Mức tăng này cao gấp đôi cùng kỳ năm 2022 và tháng tăng mạnh thứ hai trong 9 tháng đầu năm 2023 (chỉ thấp hơn tháng 6 - tăng 235.438 tỷ đồng).
So với cuối năm 2022, lượng tiền gửi của khối doanh nghiệp đã tăng 276.856 tỷ đồng, tương đương 4,65%, cao gấp đôi tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022.
Tổng cộng, tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng đến hết quý 3 đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,28% so với đầu năm và là mức tiền gửi cao nhất lịch sử ngành ngân hàng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi ngân hàng tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm bất chấp lãi suất huy động liên tục giảm sâu.
Lượng tiền gửi ngân hàng cao kỷ lục cũng cho thấy người dân và doanh nghiệp vẫn ưu tiên lựa chọn gửi tiền tiết kiệm ngân hàng dù lãi suất có thấp nhằm đảm bảo an toàn. Theo đó, các kênh đầu tư khác như bất động sản hay chứng khoán vẫn chưa được lựa chọn để người dân "đổ" tiền vào.
Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng: "Tiền gửi của dân vào ngân hàng vẫn đang tăng mạnh khi 9 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng tiền gửi dân cư chỉ tăng 2,92% thì 9 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tiền gửi dân cư tăng 9,95%. Điều này cho thấy niềm tin của người tiêu dùng vào thị trường bất động sản chưa được phục hồi mạnh, người dân vẫn chọn tiết kiệm ngân hàng đê bảo toàn tài sản".
Chính bởi vậy mà lượng giao dịch và hoạt động doanh nghiệp chưa cải thiện. Khảo sát môi giới bất động sản quý 4/2023 của Batdongsan.com.vn cho biết, 43% môi giới được khảo sát cho rằng giao dịch của thị trường vẫn đang giảm mạnh. Con số này ở quý 3/2023 là 46%, quý 2/2023 là 44%, quý 1/2023 là 54%.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thời gian qua, nhà đầu tư khủng hoảng niềm tin, vẫn còn tâm lý chờ đợi, chưa xuống tiền mua nhà. Trong khi điều kiện vay tín dụng ngân hàng ngày càng có xu hướng "thắt chặt" để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, ổn định kinh tế vĩ mô.
"Việc khó tiếp cận dòng tiền khiến mọi hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, giao dịch... trên thị trường gần như bị ngưng trệ", ông Đính nhấn mạnh.
Thị trường vẫn có nhiều "điểm sáng"
Thời gian qua, những nỗ lực từ nhiều phía (Chính phủ, các bộ ngành, hệ thống ngân hàng, bản thân doanh nghiệp bất động sản…) đã góp phần tích cực nhằm giữ thị trường bất động sản không bị rơi vào tình trạng "mất phanh". Các cơ chế, chính sách thúc đẩy cho thị trường đã bắt đầu có dấu hiệu được thẩm thấu.
Mặc dù thực tế, thanh khoản trên thị trường bất động sản và hoạt động của các doanh nghiệp còn hạn chế, tuy nhiên thị trường vẫn đang ghi nhận những điểm sáng tích cực khi giải ngân đầu tư công tính đến tháng 11/2023 đạt 65,1%, cùng kì năm ngoái giải ngân đầu tư công chỉ đạt 58,3%. Cùng với đó, 2 dự án luật liên quan đến thị trường bất động sản là Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản được thông qua cũng tạo những tác động tích cực đến thị trường bất động sản.
"Bối cảnh hiện tại khiến thị trường bất động sản Việt Nam đang và sẽ xuất hiện một số xu hướng. Về phía người mua, họ sẽ đòi hỏi khắt khe hơn về mặt chất lượng và tính pháp lý của các dự án bất động sản. Do vậy, các chủ đầu tư cần thuyết phục khách hàng bằng giá trị cốt lõi của sản phẩm, pháp lý rõ ràng, tài chính bền vững, danh tiếng và uy tín", ông Nguyễn Quốc Anh nêu.
"Nhìn nhận một cách khách quan, thị trường bắt đầu xuất hiện thêm nhiều điểm sáng trong bức tranh tổng thể, đó là những địa phương kinh tế phát triển, được quan tâm, chú trọng thúc đẩy đầu tư hạ tầng, giao thông, có nhiều nguồn cung phù hợp với nhu cầu như Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, TP.HCM… Thêm nhiều địa phương tích cực vào cuộc, chung tay gỡ rối cùng doanh nghiệp bất động sản như Hà Nội, Hải Dương, Đồng Nai… Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng và đáng ghi nhận. Vì thế, thực trạng sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản đã có dấu hiệu được cải thiện, mặc dù chưa phải hoàn toàn và trên diện rộng" - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho hay.
Về phía các phân khúc nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư thì theo thông tin từ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, bất động sản công nghiệp vẫn tiếp tục duy trì sự hấp dẫn khi thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước, ghi nhận sự quan tâm mới của một số nhà đầu tư đến từ Mỹ; bất động sản nghỉ dưỡng chưa có cơ hội "trở mình" do Nghị định 10/2023/NĐ-CP chưa phát huy được nhiều tác dụng, nhưng lại ghi nhận động thái tích cực từ một số địa phương như Khánh Hòa với việc ban hành quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu condotel trên đất thương mại, dịch vụ;
Đặc biệt, hoạt động M&A vẫn duy trì được sự quan tâm. Một số chủ đầu tư thay vì nhu cầu chuyển nhượng toàn bộ dự án đã cố gắng theo đuổi bằng cách kêu gọi các nhà đầu tư cùng góp vốn thực hiện dự án; Nhiều dự án phù hợp với nhu cầu của người dân tại Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Cần Thơ... được triển khai; Thị trường bắt đầu xuất hiện các nhóm nhà đầu tư sẵn sàng nhập cuộc "săn bất động sản" giá hời để chuẩn bị bước vào chu kỳ tăng trưởng mới trong thời gian tới. Điều đó chứng tỏ "sức khỏe" của thị trường bất động sản đã có dấu hiệu được cải thiện./.