Cây cầu 7.500 tỷ đồng, bắc qua sông Hồng chuẩn bị được 'lên đời'?
Ở thời điểm hoàn thành, cây cầu từng là cầu bêtông cốt thép dự ứng lực dài, rộng nhất Việt Nam.
Theo thông tin từ báo Lao Động, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội trình Sở Giao thông Vận tải thành phố thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình sửa chữa kết cấu nhịp, gối, trụ đảm bảo an toàn khai thác cầu Thanh Trì.
Theo cơ quan này, hiện tại, toàn bộ 378 gối cầu cao su bản thép, 180/198 gối cầu nhịp dầm liên tục đúc trên đà giáo cầu Thanh Trì đã bị phồng, rạn nứt bề mặt. Một số gối đang làm việc ở trạng thái bị nghiêng do chuyển vị của kết cấu nhịp.
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình, tổng kinh phí sửa chữa gần 120 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP. Hà Nội, thời gian thực hiện dự án trong năm 2024-2025.
Được biết, năm 2007, TP. Hà Nội khánh thành cầu Thanh Trì nối quận Hoàng Mai với quận Long Biên. Đây là 1 trong 9 cây cầu bắc qua sông Hồng ở Hà Nội đã được xây dựng.
Nằm ở cửa ngõ Tây Bắc Thủ đô, cầu Thanh Trì dài 3.084m, rộng 33,1m với 6 làn xe cao tốc, tốc độ cho phép 60 km/h và 2 làn xe máy, xe thô sơ với tốc độ tối đa 50 km/h.
Thời điểm đưa vào khánh thành, đây là cầu bêtông cốt thép dự ứng lực dài, rộng nhất Việt Nam.
Dự án sử dụng nguồn vốn vay tín dụng ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng mức đầu tư 7.500 tỷ đồng.
Theo kết quả đếm xe của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, lưu lượng phương tiện qua cầu Thanh Trì lên đến hơn 121.000 xe/ngày đêm, vượt 8 lần so với thiết kế ban đầu, dẫn đến sự quá tải.
Ngành Giao thông Vận tải TP. Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp như thu hẹp dải phân cách để chia làn ôtô thành ba làn xe con, xe khách, xe tải; làn trong cùng chỉ dành cho xe máy; điều chỉnh tốc độ từ 80 xuống 60km/h nhưng tình hình ùn tắc, tai nạn giao thông trên cầu Thanh Trì vẫn chưa được cải thiện đáng kể.