Chênh lệch tốc độ tăng giá, dòng tiền đầu tư quay trở lại miền Nam?

Theo lý giải của chuyên gia, mặt bằng giá bất động sản tại khu vực miền Bắc đã bị đẩy lên cao, do đó dòng tiền của nhà đầu tư quay về lại những khu vực có mặt bằng giá ổn định hơn như miền Trung và miền Nam.

Giá bất động sản miền Bắc bị đẩy lên cao

Theo các chuyên gia, thời gian gần đây, căn hộ Hà Nội có mức độ tăng giá bán và tỷ suất lợi nhuận cho thuê cao nhất cả nước.

Dữ liệu của Batdongsan.com.vn ghi nhận trong 8 tháng đầu năm 2022, nhu cầu tìm kiếm căn hộ chung cư tại Hà Nội và TP. HCM đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tại TP HCM chứng kiến lượng quan tâm đang tăng mạnh hơn so với nhiều tỉnh phía Bắc.

Trong khi lượt tìm kiếm bất động sản toàn thị trường Hà Nội chỉ tăng 4% trong 8 tháng đầu năm thì TP HCM đạt mức tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, mức độ quan tâm đến chung cư, nhà riêng và đất của TP HCM tăng lần lượt là 17%, 9% và 8%. 

Mức độ quan tâm của hầu hết các loại hình bất động sản tại TP HCM tăng đáng kể trong 8 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2021.
Mức độ quan tâm của hầu hết các loại hình bất động sản tại TP HCM tăng đáng kể trong 8 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2021.

Thu hút lượng quan tâm lớn, loại hình chung cư có mặt bằng giá rao bán gia tăng trong 8 tháng qua. Đáng chú ý, tốc độ tăng giá chung cư Hà Nội cao khoảng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với TP. HCM, tùy từng phân khúc.

Các phân khúc căn hộ tại Hà Nội có giá rao bán tăng từ 15% - 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá rao bán chung cư bình dân, trung cấp và cao cấp ở TP. HCM tăng lần lượt là 3%, 5,5% và 8%. Căn hộ trung cấp (30 - 50 triệu đồng/m2) có giá rao bán tăng cao nhất (15,5%). Đây là phân khúc thu hút lượng quan tâm lớn nhất và tăng mạnh nhất (10%), lượng tin đăng cũng tăng 11%.

Theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam, trong vài năm trở lại đây, đất nền ở các vùng ven Hà Nội đã trải qua các cơn “sốt”, qua đó đẩy giá mặt bằng chung của các phân khúc khác như chung cư lên cao. Khi lượng quan tâm tăng, bất động sản miền Bắc bị đẩy mặt bằng giá lên cao. Do đó dòng tiền của nhà đầu tư lại tìm đến những khu vực có mặt bằng giá ổn định hơn như miền Trung và vào đến miền Nam.

Dòng tiền trở lại khu vực phía Nam, nguồn cung mới tăng

Các chuyên gia nhận định, trong dài hạn, dòng tiền sẽ ở lại với TP HCM và miền Nam nói chung. Kinh tế khu vực phía Nam vốn là đầu tàu cả nước, kinh tế bền vững giúp cho thu nhập của người dân bền vững và khả năng chi trả cho mặt hàng bất động sản tốt. Đồng thời, mặt bằng giá bất động sản tại đây nhìn chung duy trì ở mức ổn định. Hơn nữa, sau Covid-19, kinh tế khu vực phía Nam ngày càng phục hồi, đặc biệt là các khu công nghiệp với lượng lớn người lao động quay trở lại, thúc đẩy nhu cầu về bất động sản tăng.

Chuyên gia dự báo, trong dài hạn, dòng tiền sẽ ở lại với TP HCM và miền Nam nói chung.
Chuyên gia dự báo, trong dài hạn, dòng tiền sẽ ở lại với TP HCM và miền Nam nói chung.

Báo cáo thị trường 6 tháng đầu năm 2022 của Savills Việt Nam cho thấy, nguồn cung sơ cấp của loại hình căn hộ tại TP.HCM đạt 13.460 căn, tăng 233% theo quý và 265% theo năm. Nguồn cung này đến từ 8 dự án mới và giai đoạn tiếp theo của 2 dự án hiện hữu.

Bên cạnh nguồn cung tăng thì tình hình thanh khoản cũng được cải thiện nhờ kinh tế tăng trưởng cùng với nhu cầu nhà ở cao. Hơn 12.000 giao dịch trong 6 tháng đầu năm 2022 và tỷ lệ hấp thụ đạt 75%, tăng 15% theo năm.

Tương tự, nguồn cung sơ cấp phân khúc biệt thự/nhà phố cũng tăng 18% theo quý và 1% theo năm, đạt 577 căn. Nguồn cung phủ khắp 9 quận, nhưng tập trung nhiều nhất tại TP. Thủ Đức, quận 12 và Bình Chánh. Lượng giao dịch đạt hơn 370 căn, tăng 54% theo quý với tỷ lệ hấp thụ là 64%, tăng 15% theo quý. Nguồn cung mở bán mới chiếm 80% của lượng giao dịch và đạt 79% tỷ lệ hấp thụ, trong đó TP. Thủ Đức chiếm 52% lượng giao dịch.

Về phân khúc đất nền, số liệu của Công ty DKRA Vietnam cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, tại TP.HCM và các vùng phụ cận đón nhận khoảng 30 dự án với nguồn cung 4.904 sản phẩm, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Lượng tiêu thụ đạt 3.863 nền, xấp xỉ 79% tổng nguồn cung mở bán mới, tăng khoảng 28% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường đất nền vùng phụ cận tiếp tục giữ vị thế chủ lực, tập trung chủ yếu ở Long An và Bình Dương khi chiếm 74% nguồn cung mới. Riêng tại TP.HCM, thị trường vẫn khan hiếm nguồn cung mới.

Đặc biệt, loại hình bất động sản nghỉ dưỡng ghi nhận diễn biến sôi động và tín hiệu khởi sắc ở hầu hết các phân khúc nhờ những thông tin phục hồi tích cực của hoạt động du lịch. Cụ thể, nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng 6 tháng đầu năm 2022 đón nhận 26 dự án mở bán với hơn 2.700 căn, tăng 53% so với cùng kỳ. Tỷ lệ tiêu thụ đạt mức khá cao, tương đương 75% (2.085 căn), gấp 2,5 lần so với 6 tháng đầu năm 2021.

Phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng ghi nhận nguồn cung mới với 5.145 căn đến từ 23 dự án, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt 75%.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống