Chuyên gia dự báo doanh nghiệp bất động sản sẽ đối đầu với sự khó khăn của dòng tiền ít nhất 6 tháng nữa

Theo Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, thời gian qua, “bão tố” liên tục dồn tới với bất động sản khiến thị trường bị “gãy”, dự báo sẽ còn khó khăn từ nay đến cuối năm.

Thị trường sẽ rớt từ từ xuống đáy

Hiện nay, có một số doanh nghiệp lớn sẵn sàng chiết khấu sản phẩm từ 30%, thậm chí lên tới 50% để xoay sở. Và do đó, trong năm nay, các doanh nghiệp cần tồn tại hơn là mục đích kiếm tiền.

Sang năm 2023, sau khi đã vượt qua đỉnh, thị trường sẽ rớt từ từ xuống đáy nhưng đáy nào thì chưa biết vì rất khó để xác định. Có một điều chắc chắn, đã có đáy thì sẽ có đỉnh mới. Song, đỉnh mới chắc chắn sẽ không bằng đỉnh cũ và đáy mới chưa chắc đã sâu bằng đáy cũ. Do đó, các nhà đầu tư muốn xuống tiền trong giai đoạn hiện nay phải hết sức thận trọng, vừa dò đáy và vừa phải trèo lên đỉnh.

Chuyên gia phân tích thêm, đã đầu tư bất động sản thì không thể thấy thị trường đi xuống mà rời cuộc chơi. Thực tế, bất động sản tốt liên tục từ năm 2014 tới nay, 8 năm liên tục tăng giá khiến nhiều người hiện đang không nỡ rời bỏ thị trường.

Doanh nghiệp bất động sản sẽ có ít nhất 6 tháng nữa để đối đầu với sự khó khăn của dòng tiền.
Doanh nghiệp bất động sản sẽ có ít nhất 6 tháng nữa để đối đầu với sự khó khăn của dòng tiền.

Ông Quang nhận định, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục xấu cho đến tháng 1/2023. Năm nay Tết Âm lịch đến sớm, các doanh nghiệp phải thanh toán nợ vay, các khoản công nợ, trả lương nhân viên,… Nhưng tiền ở đâu ra? Điều này không chỉ gây áp lực cho dân bất động sản mà cho toàn bộ nền kinh tế. Lúc này có thể xảy ra tình trạng các chủ doanh nghiệp phải bán bớt bất động sản nhằm thanh toán các khoản chi phí.

Tuy nhiên, “trong cái rủi có cái may”, khi những yếu tố tiêu cực dồn dập đến với  bất động sản và nền kinh tế, tác động đến xã hội thì Chính phủ sẽ có biện pháp để nâng đỡ thị trường. Nhưng biện pháp mạnh hay nhẹ thì phải đợi đến qua Tết Âm lịch. Lúc này, sẽ có một tín hiệu nào đó đối với bất động sản.

Tóm lại, phải đến đầu quý III/2023 mới có thể xác định được thị trường sẽ ổn định theo cách từ từ xuống hay từ từ lên.

Bàn về thời điểm xuống tiền trong năm 2023, ông Quang cho rằng, đây là một câu hỏi khó. Mỗi người sẽ có thời điểm riêng nhưng nếu quan sát trên thị trường, ai chấp nhận rủi ro thì mua.

Theo thống kê, từ đầu năm 2008, bất động sản từ đỉnh rồi rớt xuống đáy còn 50% vào năm 2013, sau đó mới lên lại nhưng lên rất ít. Tuy nhiên, giai đoạn 2014 - 2019 là giai đoạn tăng gấp đôi (tức trở lại như cũ). Do đó, nếu ai chấp nhận rủi ro cứ nhẹ nhàng xuống tiền kể từ ngày 15/12 (âm lịch). Còn ai muốn chắc ăn thì nên đợi đến đầu quý II năm sau để nhìn thấy bức tranh thị trường rõ hơn.

Dự báo giá bán sẽ còn giảm mạnh hơn

Theo TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế, đối với những bất động sản ở vị trí tốt như căn hộ và nhà phố cho thuê ở khu vực trung tâm TP HCM thời gian vừa qua tăng giá không nhiều thì mức giá hiện giảm tối đa khoảng 10%, nhưng với điều kiện người mua và người bán phải gặp trực tiếp để đàm phán. Đồng nghĩa với việc những người muốn mua bất động sản dạng này phải gặp được những người thực sự muốn bán.

Còn với những bất động sản ở xa trung tâm thì mức độ giảm giá có thể mạnh hơn, tùy vị trí và quy mô. Bởi những khu vực này hạ tầng chưa phát triển mà mức giá đã tăng gấp 2 -3 lần trong vòng 2-3 năm nay thì hiện nay không dễ bán, hay nói cách khác là “đóng băng giao dịch”. Do đó, sẽ có những nhà đầu tư bị “ngộp”, tức là họ bị thiếu nợ nên muốn bán, nếu người mua biết và gặp trực tiếp để thương lượng có thể giảm giá tới 20 - 30%.

Bây giờ ai muốn bán được nhà, đất thì phải giảm giá so với mức giá đầu năm đã mua. Sắp tới, khi nhiều người gặp áp lực trả nợ ngân hàng, dự báo giá sẽ còn giảm mạnh hơn, thậm chí giảm đến mức hấp dẫn người mua. Tức là nhiều người chưa có ý định mua nhưng vì giá giảm nhiều nên quyết định mua. Đây là tình trạng sẽ xảy ra trong giai đoạn tới.

Nhiều dự án cần được "bơm vốn".
Nhiều dự án cần được "bơm vốn".

Chuyên gia cũng đưa ra dự đoán, trong giai đoạn hiện tại và sắp tới, dòng tiền sẽ tiếp tục được quản lý để ưu tiên giữ ổn định kinh tế, trong đó nhà điều hành sẽ quản lý cung tiền thận trọng và hợp lý. Như vậy, chuyện bất động sản lúc này là câu chuyện của nhà đầu tư. Ai không quản lý tài chính tốt sẽ phải chấp nhận rủi ro.

Dòng tiền tiếp tục khó khăn cao trong ba tháng tới do Nhà nước tiếp tục phải xử lý và làm lành mạnh hệ thống ngân hàng. Khó khăn sẽ giảm dần trong quý I/2023 và có thể ổn định lại trong quý II/2023.

Như vậy, các doanh nghiệp bất động sản sẽ có ít nhất 6 tháng nữa để đối đầu với sự khó khăn của dòng tiền. Đây là tình trạng chung nên các doanh nghiệp phải chủ động trong việc quản lý dòng tiền của mình, tức khả năng huy động và khả năng sử dụng dòng tiền phải cân đối với nhau.

Hầu hết các ngân hàng đã chạy hết hạn mức tín dụng

Chuyên gia nhận định, bài toán dòng tiền với BĐS cực kỳ quan trọng. Hiện đã là quý 4, vẫn có số ít dự án vay được vốn từ ngân hàng còn room tín dụng nhưng thực tế trên thị trường hiện nay đang có những chủ đầu tư không may mắn, không tiếp cận được vốn.

Hầu hết các ngân hàng đã chạy hết hạn mức (room) tín dụng, chỉ một số ngân hàng được tăng room có thể tiếp tục cho vay. Nhiều "ông" có thể chết trên đống tài sản. Dự án đang chạy thì cần được "bơm vốn" như vậy người dân mới dám bỏ tiền vào mua nhà. Trong đó, nhiều DN làm tốt nhưng dòng tiền yếu nên gặp khó khăn.

Chuyên gia cho hay, để có vốn trong những tháng cuối năm này, rất nhiều DN phải vay với lãi suất rất cao, thậm chí 20 - 30%/năm cũng phải vay. Qua thời điểm 31/12 khi ngân hàng có room tín dụng mới, họ sẽ phải điều chỉnh lại cơ cấu khoản vay. Nhưng từ nay đến 31/12 thì DN bằng mọi giá phải sống đã.

Bên cạnh đó, hàng tồn BĐS trên thị trường chiếm tỉ lệ thấp nhưng cũng không phải là nhỏ. Các chủ dự án BĐS phải xem lại giá bán quá cao hiện nay. Phải điều chỉnh giảm giá bán xuống để tăng khả năng hấp thụ.

Nhiều doanh nghiệp BĐS phải chấp nhận giải pháp “đau đớn” để tồn tại.
Nhiều doanh nghiệp BĐS phải chấp nhận giải pháp “đau đớn” để tồn tại.

Theo ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, từ đầu năm đến nay, thị trường BĐS vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân bắt nguồn từ một số vướng mắc về thể chế pháp luật và khâu thực thi pháp luật.

Điều này thể hiện qua việc hơn 100 dự án BĐS, nhà ở thương mại của hơn 80 DN dừng triển khai thực hiện, trong đó có 64 dự án sử dụng đất có nguồn gốc đất công hoặc do cổ phần hóa trước đây.

Ngoài ra, thị trường cũng xuất hiện dấu hiệu "lệch pha tín dụng" khi người mua nhà và nhà đầu tư thứ cấp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, mà nếu được vay thì phải chịu lãi vay cao.

Đặc biệt, DN BĐS và nhà đầu tư có thể ngày càng khó tiếp cận nguồn vốn trái phiếu DN riêng lẻ. Cụ thể, trong tám tháng đầu năm, nhóm DN BĐS chỉ phát hành trái phiếu DN riêng lẻ đạt giá trị hơn 47.000 tỉ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Có thể từ nay đến năm 2023, một số DN có nhu cầu huy động vốn trái phiếu nhưng chưa thể đáp ứng được ngay.

Vì vậy, cần tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, người mua nhà và nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường BĐS tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án BĐS, khu đô thị, nhà ở thương mại, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu công nghiệp, văn phòng cho thuê... của các chủ đầu tư có uy tín thương hiệu và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, nhất là các dự án nhà ở giá vừa túi tiền và các dự án nhà ở xã hội...

Theo ông Trần Minh Hoàng, Phó Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, năm 2023, Quốc hội sẽ ban hành hành loạt sửa đổi pháp luật có liên quan đến thị trường BĐS gồm: Luật đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản. Dự thảo hiện tại đang được đưa ra lấy ý kiến cho thấy sẽ có nhiều thay đổi lớn tác động trực tiếp đến môi trường kinh doanh BĐS của các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Ông Hoàng cho rằng, với những khó khăn khá lớn trong ngắn hạn về dòng tiền và trong một môi trường pháp lý đang dự báo có nhiều thay đổi, các doanh nghiệp địa ốc Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường, dẫn đến sự thanh lọc hoặc lựa chọn con đường phát triển bền vững.

Đối với các chủ đầu tư cần sớm tái cấu trúc nguồn vốn, giảm tỷ trọng vay nợ, tái định hướng từ phát triển nóng chú trọng quy mô sang phát triển chiều sâu tập trung vào sản phẩm và cạnh tranh.

Còn đối với doanh nghiệp dịch vụ, người môi giới BĐS cần kịp thời nắm bắt các quy định hành nghề mới, tập trung nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức hành nghề của nhân viên, tăng cường hiểu biết pháp luật, hướng đến lợi ích khách hàng bền vững thay cho việc quá chú trọng doanh số, thu nhập trong ngắn hạn mà bỏ rơi quyền lợi khách hàng trong dài hạn.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống