‘So găng’ giá đất 3 huyện Hà Nội được định hướng lên Thành phố: Đông Anh dẫn đầu, có khu vực lên đến 100 triệu đồng/m2

Với sự vượt trội về hệ thống hạ tầng, giao thông, cùng loạt dự án của nhiều doanh nghiệp bất động sản có tiếng đang quy tụ tại nơi này, giá nhà đất Đông Anh có vẻ đang ‘chiếm ưu thế’ hơn so với Mê Linh và Sóc Sơn trong bối cảnh cả 3 huyện đang được đề xuất quy hoạch lên thành phố.

Hạ tầng giao thông vượt trội đẩy giá đất Đông Anh lên cao

Trong số 3 huyện được đề xuất lên thành phố có thể nói Đông Anh là huyện có tốc độ đô thị hóa cao của Thủ đô. Trong những năm qua, Đông Anh đã hình thành hàng loạt tuyến giao thông huyết mạch kết nối thông suốt với các tỉnh phía Bắc, vùng Đông Bắc và khu vực trung tâm Thủ đô như đường cao tốc Thăng Long – Nội Bài (đường Võ Văn Kiệt), đường cao tốc Nhật Tân – Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp), Quốc lộ 5 kéo dài gồm đường Trường Sa và đường Hoàng Sa, Quốc lộ 3, Quốc lộ 3 mới (đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên), đường 23B, Quốc lộ 23A,…

Đông Anh hiện có 3 cây cầu kết nối sang trung tâm TP Hà Nội là cầu Thăng Long, cầu Nhật Tân và cầu Đông Trù. Trong tương lai gần, TP Hà Nội sẽ xây thêm cầu Tứ Liên, kết nối giao thông từ lõi Thủ đô tới vùng phát triển mới tại phía Bắc. Dự án cầu Tứ Liên nối hồ Tây với khu Đông Hội, Xuân Canh (Đông Anh) có tổng vốn đầu tư lên tới 17.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, tuyến đường nối cầu Tứ Liên đến Quốc lộ 3 mới; tuyến đường Vành đai 3 đoạn từ nút giao với Quốc lộ 3 mới đến nút giao đường Võ Văn Kiệt và đoạn kéo dài đến đường Vành đai 4, đường 23B mở rộng, đường quy hoạch 41m cũng sẽ được triển khai.

Theo quy hoạch giao thông TP Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội cũng sẽ xây dựng cầu Thượng Cát nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh. Công trình có chiều dài 4,5 km, vốn đầu tư 9.898 tỷ đồng. Ngoài ra, dự kiến đến năm 2030, TP Hà Nội sẽ thi công 9 tuyến đường sắt trên cao, trong đó có tuyến đường sắt trên cao số 4 đi qua địa phận Đông Anh.

Với việc hạ tầng giao thông ngày càng phát triển, theo đó diện mạo của Đông Anh thay đổi rõ rệt qua từng năm. Theo đó bất động sản Đông Anh được hưởng lợi và liên tục tăng giá.

‘So găng’ giá đất 3 huyện Hà Nội được định hướng lên Thành phố: Đông Anh dẫn đầu, có khu vực lên đến 100 triệu đồng/m2 - Ảnh 1

Còn nhớ thời điểm đầu năm nay, giá nhà đất Đông Anh được nhắc đến như một ‘điểm nóng’ sau khi thông tin Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được công bố. Khi đó, giới đầu tư truyền tai nhau “không mua đất Đông Anh ngay hôm nay, ngày mai giá sẽ tăng lên”.

Thời điểm đó, trước khi có quy hoạch, mảnh đất ở đường ngõ rộng 3m chỉ khoảng hơn 20 triệu đồng/m2 nhưng đã tăng gần gấp đôi chỉ sau ít ngày, dao động 34-37 triệu đồng/m2. Thậm chí, có môi giới còn “khoe”: Nhiều nhà đầu tư vẫn tìm xem đất buổi tối, giao dịch chốt nhanh chóng.

Giường như giá này vẫn chưa là gì so với những lô đất có vị trị đẹp. Lấy đơn cử một lô đất có vị trí đắc địa tại Đông Anh hiện đang dao động trong khoảng 35 – 70 triệu đồng/m2. Thậm trí giá đất khu vực trung tâm huyện có nơi lên tới trên 100 triệu đồng/m2, giá này ngang với những vị trí vàng tại trung tâm Thủ đô.

Theo một môi giới đất tại Đông Anh cho biết, thị trường bất động sản Đông Anh ghi nhận được điểm sáng ở phân khúc đất nền tại khu đô thị, từ tháng 6 tới nay có xu hướng tăng từ 5 – 10%.Đơn cử, một mảnh đất tại khu đô thị Nguyên Khê, đường chạy qua rộng 8m, có vỉa hè rộng, diện tích 115,8m2, tháng 5 được định giá khoảng 54 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, mới đây chủ đất đã bán với mức giá 60 triệu đồng/m2, ước tính tăng hơn 10% so với cách đây 4 tháng.

Giá đất tại Mê Linh, Sóc Sơn hiện ‘khá mềm’ nhưng vẫn có tiềm năng tăng giá

Khác với Đông Anh, hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông tại Mê Linh, Sóc Sơn có phần ‘yên ả’ hơn, do đó thị trường bất động sản những khu vực này trong nhiều năm qua chưa có nhiều ‘đột biến’.

Xét về hệ thống hạ tầng, giao thông tại Mê Linh, giai đoạn tới sẽ triển khai một số dự án hạ tầng giao thông đáng chú ý như Dự án xây dựng tuyến đường 48m đoạn từ Yên Vinh đến đường 36 Khu công nghiệp Quang Minh. Cùng với đó xây dựng tuyến đường Tiền Phong – Tự Lập (giai đoạn 1) khoảng 791 tỷ, tuyến đường nối từ đường 23B đi cảng Chu Phan tổng mức đầu tư 727 tỷ đồng.

Sau một thời gian dài ảm đạm, thị trường bất động sản ở khu vực huyện Mê Linh cũng đã bắt đầu rục rịch, giá nhích tăng kể từ thời điểm đầu năm 2021, giao dịch cũng tăng khoảng 20% so với trước.

Khảo sát một số xã như Tiền Phong, xã Mê Linh, thị trấn Quang Minh… giá đất thổ cư dao động từ 11 – 35 triệu đồng/m2, tùy từng vị trí. Đơn cử, giá đất thổ cư ở xã Tiền Phong, mảnh đất nằm ở mặt đường rộng khoảng 4m trong làng giá 20 triệu đồng/m2. Thậm chí, có mảnh đất thổ cư 70m2 ở khu vực giáp khu đô thị Hà Phong cũng đang được người dân rao bán giá 25 triệu đồng/m2. Mảnh đất này nằm ngay mặt đường rộng chừng gần 3m.

Riêng về phân khúc đất thổ cư mặt đường rộng khoảng 2,8m vào năm 2014-2015 giá chỉ khoảng 7-10 triệu đồng/m2, giờ tăng lên 12-14 triệu đồng/m2; đất ven thôn Ấp Trung có giá 26-27 triệu đồng/m2.

Một môi giới nhà đất khu vực thị trấn Quang Minh cho biết, giá đất thổ cư ở thị trấn giao dịch quanh mức 20-28 triệu đồng/m2, tùy từng vị trí mặt đường hoặc độ rộng của mặt ngõ. Thậm chí, có khu vực đất dịch vụ giá bán 30-32 triệu đồng/m2. Còn đất ở sâu trong làng, trong ngõ giá chỉ 14-17 triệu đồng/m2.

Theo đánh giá của giới đầu tư chuyên nghiệp, đã có những môi giới lợi dụng những thông tin chưa chính thức về quy hoạch để thu hút nhà đầu tư, trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung dự án mới và xu hướng đầu tư vùng ven đô nên giá đất Mê Linh có sự khởi sắc. Nhưng, việc phát triển của thị trường đất nền Mê Linh chỉ mang tính chất cục bộ bởi nó chỉ sôi nổi ở phân khúc đất thổ cư với nhu cầu ở thực của người dân.

So với Đông Anh, giá đất tại Mê Linh hay Sóc Sơn ‘mềm’ hơn, tuy nhiên vẫn sở hữu nhiều tiềm năng tăng giá trong tương lai.  
So với Đông Anh, giá đất tại Mê Linh hay Sóc Sơn ‘mềm’ hơn, tuy nhiên vẫn sở hữu nhiều tiềm năng tăng giá trong tương lai.  

Huyện Sóc Sơn, giai đoạn từ 2021 – 2025 sẽ tiến hành bố trí tổng nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách với con số lên đến 7.200 tỷ đồng. Đây được xem là một bước tiến mạnh mẽ với giá trị đầu tư nhiều gấp 2,3 lần so giai đoạn trước đó.

Trong 5 năm sắp tới, sẽ có tới 150 dự án được ưu tiên triển khai. Chủ yếu là các dự án thuộc các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, kinh tế – xã hội. Tiêu biểu trong số đó là đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, dự án giao thông trọng điểm này được đầu tư với chiều dài lên đến 245km và rộng 100m.

Bên cạnh đó, Khu công nghiệp cục hàng không Nội Bài cũng sẽ được chú trọng quy hoạch xây dựng. Với mục đích đưa vào hoạt động trong thời gian sớm nhất. Với sự đầu tư mạnh mẽ trong những năm tới. Chắc chắn thị trường bất động sản đất thổ cư sóc sơn sẽ là một trong những lựa chọn đầu tư tiềm năng nhất.

Mặc cho những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, giá đất và thị trường bất động sản tại Sóc Sơn cũng đang có những bước tiến mạnh mẽ. Giá cũng đang ngày một tăng và thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư trên khắp cả nước. Cụ thể, tại các xã Thanh Xuân, Minh Trí, Minh Phú,…hiện đang có giá đất đã tăng đến gấp đôi từ 4-8 triệu đồng/m2 trong khi thời gian trước đó giá chỉ giao động trong khoảng từ 2,3- 3 triệu đồng m2.

Khu Đồi Cốc (Thạch Lỗi), Phú Cường có mức giá cao hơn. Giá đất thổ cư từ 10 triệu đồng/m2, trong khi đó, các khu vực đường trong làng sẽ có mức giá thấp hơn, từ 5-7 triệu đồng/m2.

Hay như khu vực thôn Yên Ninh, xã Hiền Ninh hiện đang ổn định với mức giá từ 4 triệu đồng/m2, trong khi đó thôn Hương Linh, Đồng Kỳ có mức giá thấp hơn nằm trong khoảng2,8 triệu đồng/m2. Thôn Xuân Sơn xã Trung Giã cũng có mức giá bán khá tiềm năng chỉ từ 3 triệu đồng/m2…

Nhìn chung, mức giá bán cũng đang có những sự tăng trưởng so với các thời điểm trước đó. Dự kiến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, giá bán sẽ còn tăng nữa. Vậy nên, các nhà đầu tư không nên bỏ lỡ cơ hội đối với thị trường đất thổ cư sóc sơn đầy tiềm năng này.

Đánh giá về thị trường bất động sản 3 huyện Hà Nội đang đề xuất quy hoạch lên thành phố, Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, Đông Anh những năm vừa qua đang được đầu tư mạnh mẽ hạ tầng để lên quận theo kế hoạch, do đó giá bất động sản của nhiều dự án cũng cao ngang với các dự án phía Tây Hà Nội; Còn Mê Linh và Sóc Sơn là 2 huyện chưa được đầu tư nhiều hạ tầng, các dự án bất động sản ở đây phát triển theo hướng riêng lẻ, thiếu tính kết nối… Do đó, giá đất tại 2 huyện này có tăng nhưng đang ở mức thấp so với nhiều khu vực khác.

Quang Anh

Theo Kinh doanh & Phát triển