Còn tiềm năng cho đất nền vào tháng cuối năm?
Trong bức tranh trầm lắng của thị trường địa ốc, đất nền đang trở thành phân khúc có lượng giao dịch sụt giảm mạnh.
Đất nền gần như “ngủ đông”
Những kênh đầu tư từng dẫn đầu về tỷ suất sinh lời dần mất đi sức hấp dẫn khi lượng quan tâm có xu hướng tiếp tục giảm. Tín hiệu trầm lắng lan toả tại nhiều khu vực, tập trung vào phân khúc đất nền, đất thổ cư, shophouse, bất động sản nghỉ dưỡng.
Trái với diễn biến tăng giá và sôi động của loại hình chung cư, đất nền đang rơi vào tình cảnh gần như “ngủ đông”, đặc biệt ở các vùng ven đô thị lớn hay thị trường tỉnh.
Theo dữ liệu batdongsan.com.vn công bố cho thấy, đất nền là loại hình ghi nhận biến động giảm rõ rệt về cả lượt tìm kiếm và giá rao bán. Tại miền Bắc, đất nền giảm nhiệt diện rộng. Lượt tìm kiếm tại hầu hết các tỉnh, thành phố phía Bắc đều sụt giảm khá mạnh, sâu nhất lên đến 45% tại địa bàn các tỉnh như: Hà Nam, Lạng Sơn, Bắc Giang. Về giá rao bán, một số thị trường đất nền nổi bật như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng đều có giá rao bán giảm nhẹ 1-7%.
Tương tự với thị trường miền Nam, số liệu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, trong quý III/2022 TP.HCM và các đô thị vệ tinh ghi nhận 9 dự án đất nền mở bán với nguồn cung khoảng 1.057 nền, giảm 65% so với quý II/2022.
Không chỉ nguồn cung, tiêu thụ đất nền cũng giảm mạnh, với chỉ khoảng 550 nền chào bán thành công, giảm 78% so với quý trước và ghi nhận mức giao dịch thấp nhất kể từ thời điểm đầu năm.
Tuy nhiên, trái ngược với thực tế giao dịch, mặt bằng giá chào bán đất nền vẫn tăng trong khoảng từ 2-4% so với quý trước.
Theo báo cáo thị trường bất động sản quý III công bố mới đây, thanh khoản đất nền trong quý ở mức thấp nhất kể từ thời điểm đầu năm. Đáng chú ý, một số dự án có hiện tượng giảm giá đáng kể do nhà đầu tư bị áp lực tài chính.
Báo cáo của DKRA Group chỉ ra, phân khúc đất nền trong quý III ghi nhận 9 dự án mở bán với nguồn cung khoảng 1.057 sản phẩm, giảm 65,6% so với quý II, nguồn cung đa phần tập trung tại giai đoạn tiếp theo của những dự án trước đó.
Về sức cầu thị trường có xu hướng giảm, tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 52%, thấp nhất kể từ thời điểm đầu năm. Lượng tiêu thụ trong quý chỉ đạt khoảng 550 nền, tương đương 52% nguồn cung mới, giảm 77,8% so với quý trước.
Mặt bằng giá sơ cấp dao động 16-49,7 triệu đồng/m2, giá thứ cấp có mức tăng phổ biến 2-4% so với đầu quý III. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường ở mức thấp nhất, ghi nhận cục bộ một số khu vực, dự án có hiện tượng giảm giá đáng kể do nhà đầu tư bị áp lực tài chính.
Vẫn là phân khúc “màu mỡ”
Dù đánh giá thị phần đất nền đang gặp khó trong thanh khoản nhưng nhiều ý kiến cho rằng chỉ là giai đoạn tạm thời sau thời gian tăng nóng. Nếu như năm 2023, nhà đầu tư nào có tiền mặt, gom đất nền với mức chi phí vốn thấp thì cơ hội sinh lời cao trong vòng 2-3 năm là điều hoàn toàn xảy ra.
Các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam hiện dưới mức 40%. Do đó dư địa cho đầu tư công còn lớn, tạo động lực cho kênh đầu tư đất nền. Hơn 10 năm đầu tư địa ốc nhưng ông luôn thấy đất nền tăng trung bình 15-20%. Dù thị trường đi xuống thì sang năm 2023, giá đất vẫn có thể tăng trở lại với mức tăng 30% so với năm 2021.
Ngoài ra, nhu cầu về đất nền rất lớn và có thực. Đây là loại hình góp phần làm thay đổi diện mạo mới cho địa phương. Trong trung hạn, đất nền sẽ gặp khó khăn nhất là loại hình đất nền ở vùng xa trung tâm.
Hiện, thị trường đang đối mặt với nguồn cung khan hiếm, thiếu sản phẩm hấp dẫn nhà đầu tư và khó khăn về chính sách tín dụng, tiếp cận nguồn vốn… Các nhà đầu tư khó biết chọn gì có thể sinh lời trong giai đoạn hiện nay.
Hiện tượng đầu cơ đã không còn vì giá đất tăng rất cao từ Hà Nội, TP.HCM đến cả những khu vực rất xa. Thế nên, nếu nhà đầu tư mua vào thời điểm này thì một vài tháng nữa không bán được, nếu có bán được thì cũng lỗ, nên không ai dại đầu cơ.
Một khảo sát khác của Batdongsan.com.vn với một loạt thị trường đất nền vùng ven Hà Nội như đất nền Đông Anh, đất nền Thanh Trì, đất nền Hoài Đức, đất nền Thạch Thất, đất nền Gia Lâm… ghi nhận, văn phòng, những sàn giao dịch quy mô nhỏ lẻ, có từ 10-30 nhân viên phần lớn đều đã giải thể hoặc đang hoạt động cầm chừng. Trong khi đó, một số sàn vẫn duy trì hoạt động nhưng không còn khả năng trả lương hàng tháng cho nhân viên.
Ở góc nhìn của nhà môi giới, anh N.T.V chia sẻ, thời gian qua, đất nền phân lô, tách thửa vùng ven và các tỉnh gần như “đóng băng”, giao dịch vô cùng nhỏ giọt. Có người chấp nhận bán lỗ 10 – 20% so với giá mua vào, nhưng trường hợp này phần lớn là bởi nhà đầu tư lao vào đỉnh sốt, mua giá quá cao so với tiềm năng. Còn với những mảnh đất đẹp, chỉ cần cắt bớt một phần lợi nhuận, giá hời là có nhà đầu tư sẵn tiền mua ngay.
Hiện là thời điểm thích hợp cho những “tay chơi” thực thụ. Không chỉ những nhà đầu tư có tầm nhìn xa, nhiều chuyên gia cũng cùng chung nhận định những tháng cuối năm 2022 là thời điểm thích hợp để “bắt đáy” bất động sản giá hời.
Nhà đầu tư có thể đề nghị giảm giá 30%, sau đó 25% và hạ xuống biên độ điều chỉnh 20%. Bên mua nên mạnh dạn ngã giá, có thể chốt đơn giảm 15-20% là mức giảm khả thi. Hai tháng cuối năm sẽ là thời điểm xuống tiền thích hợp nhất.
Tiềm năng vẫn đang hiện hữu, song theo chuyên gia, các nhà đầu tư, đặc biệt là những "tay ngang", cần cẩn trọng bởi thị trường thời điểm hiện tại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, đặc biệt về mặt thanh khoản. Chưa kể, thị trường đất nền phân lô, ở một góc độ nào đó, vẫn nằm trong tầm thao túng của những “tay to”.
Trong bối cảnh thị trường gặp khó, nhà đầu tư đang có rất nhiều lựa chọn tiềm năng. Nhưng để rót tiền đúng nơi, nhà đầu tư nên chọn mua các sản phẩm có hiệu quả khai thác, không mua theo số đông và tuyệt đối không dùng đòn bẩy tài chính để “lướt sóng” vào lúc này, bởi giá có thể lên nhanh nhưng khả năng thanh khoản là rất thấp.