Covid-19 và mùa săn đất của đại gia địa ốc

Với nhiều doanh nghiệp, thời điểm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 được coi là cơ hội vàng để thâu tóm quỹ đất đẹp với giá rẻ.

“Khủng hoảng là thời điểm cho thấy rõ nét tiềm lực của doanh nghiệp. Với Apec Group, đây là cơ hội để chúng tôi mở rộng quỹ đất”, ông Nguyễn Quang Huy - Phó Tổng giám đốc Apec Group đã chia sẻ như vậy với PV Reatimes.

Vị lãnh đạo của Apec Group cũng cho biết thêm, trong năm 2020, Apec Group nhanh chóng thâu tóm những dự án “đóng băng”, mua lại những quỹ đất với giá rẻ. Kế hoạch thâu tóm quỹ đất sẽ tiếp tục được triển khai trong năm 2021. “Nếu như trước đây, chúng tôi phải đàm phán nhiều lần thì hiện tại quá trình giao dịch dễ dàng hơn, mức giá tốt hơn và nhiều cơ hội lựa chọn hơn. Khủng hoảng khiến nhiều doanh nghiệp không thể triển khai dự án. Họ sẵn sàng hạ mức giá thấp xuống”, vị lãnh đạo Apec Group nói. 

Covid-19 và mùa săn đất của đại gia địa ốc - Ảnh 1
Nhiều ông lớn trong lĩnh vực địa ốc không bỏ lỡ cơ hội thâu tóm quỹ đất.

Thực tế, không chỉ có Apec Group, nhiều ông lớn trong lĩnh vực địa ốc cũng không bỏ lỡ cơ hội bành trướng, gia tăng nguồn lực bằng cách mua lại quỹ đất hay các dự án địa ốc. Từ năm 2020, nhiều thương vụ thâu tóm, sáp nhập được ghi nhận, bất chấp sự khó khăn của nền kinh tế.

Điển hình là Novaland, một đại gia nổi danh với hàng loạt thương vụ M&A. Năm 2020, ông lớn này đã thâu tóm hàng trăm héc-ta đất tại Đồng Nai và một số địa phương khác với giá trị giao dịch gần 1 tỷ USD. Novaland cũng đã tăng thêm 856ha quỹ đất bất động sản du lịch. Doanh nghiệp này hiện tiếp tục tìm kiếm các quỹ đất ở Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu... để phát triển khu đô thị và Đà Lạt - Lâm Đồng, Nha Trang, Phan Thiết... để phát triển bất động sản du lịch.

CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia cũng là một doanh nghiệp địa ốc ưa chuộng hình thức M&A. Ngay từ thời điểm xuất hiện trên thương trường với vai trò nhà phát triển dự án, An Gia đã tuyên bố về chiến lược M&A như một định hướng xây dựng quỹ đất. Năm 2020, dù ảnh hưởng của Covid-19 khiến nền kinh tế khủng hoảng, doanh nghiệp này vẫn bổ sung quỹ đất 3ha tại tỉnh Bình Dương với quy mô khoảng 3.000 sản phẩm vào nguồn lực quỹ đất của mình. Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2021 diễn ra mới đây, đại diện lãnh đạo An Gia tuyên bố, trong năm 2021, doanh nghiệp địa ốc này sẽ hoàn tất quá trình đám phán mua thêm 30 - 50ha quỹ đất thấp tầng để phát triển dự án.

Không bỏ lỡ cơ hội, năm 2020, Nam Long đã mua thêm 20ha đất tại dự án Waterfront Đồng Nai từ Keppel Land, nâng tổng quỹ đất lên 701ha, trong đó các dự án đều thuộc phân khúc trung, cao cấp.

Hưng Thịnh cũng nằm trong danh sách các doanh nghiệp chịu khó săn quỹ đất. Vào giữa tháng 4/2021, doanh nghiệp này thông qua công ty con là Hưng Thịnh Land để nhận chuyển nhượng cổ phần của Công ty Cổ phần Bất động sản Thuận An, qua đó trở thành chủ sở hữu quỹ đất vàng với diện tích 23.508m2 nằm ngay mũi tàu Nguyễn Thị Minh Khai và Quốc lộ 13 (TP. Thuận An, Bình Dương).

Bình luận về xu hướng này, TS. Nguyễn Trí Hiếu từng cho rằng: "Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã không thể trụ vững do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đây là thời điểm vàng để các doanh nghiệp có tiềm lực thâu tóm quỹ đất. Lúc này, họ có thể lựa chọn được rất nhiều quỹ đất đẹp, giá tốt mà chủ đầu tư cũ bán lại. Một cơ hội tốt thường xảy ra trong thời điểm nền kinh tế khó khăn”.

Trước đó vào năm 2020, bà Dương Thuỳ Dung, chuyên gia của CBRE Việt Nam đã từng dự báo về xu hướng M&A sẽ tiếp tục gia tăng mạnh trong bối cảnh tác động từ kinh tế chung và việc giới hạn tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đang gây ra tình trạng khan vốn cho các doanh nghiệp.

Theo bà Dung, với việc không bán được sản phẩm do dịch bệnh, thị trường đã xuất hiện tình trạng một số chủ đầu tư yếu năng lực tài chính đang tìm kiếm, chào mời nhà đầu tư để chuyển nhượng dự án theo hình thức M&A hoặc cổ phần, hoặc từng phần dự án. Xem xét số liệu từ quá khứ cũng cho thấy, khi thị trường rơi vào khủng hoảng thì hoạt động M&A diễn ra rất sôi động.

Theo ông Lê Thanh Tuấn, Trưởng ban Đầu tư 4 Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), triển vọng của thị trường bất động sản Việt Nam là yếu tố thúc đẩy thị trường mua bán dự án, mua gom quỹ đất tiếp tục sôi động.

Ông Tuấn cho rằng, những doanh nghiệp có quỹ đất đẹp luôn là mục tiêu săn tìm của các nhà đầu tư yêu thích hình thức M&A, thoái vốn./.

Triệu Vương

Theo Reatimes