Doang nghiệp BĐS tồn kho 11,5 tỷ USD, dân liều mua căn hộ chưa sổ đỏ
Căn hộ TP. HCM chưa sổ đỏ hút khách: 'Đành liều mua thôi, cần nhà ở đã'; 'Săn’ mua căn hộ chưa sổ đỏ, giá tầm 2 tỷ ở vùng ven Hà Nội; Dừng giao dịch 77 lô đất dịch vụ: Hà Nội xử lý nghiêm, không có vùng cấm; BĐS tồn kho gần 11,5 tỷ USD, không 'chết' nhưng chưa hết khó khăn... là những thông tin được quan tâm trong tuần.
Căn hộ chưa sổ đỏ hút khách: 'Đành liều mua thôi, cần nhà ở đã'
Giá căn hộ liên tục thiết lập mặt bằng giá mới khiến nhiều người dân TP.HCM từ bỏ ý định mua nhà có “sổ đỏ”, thay vào đó là tìm mua loại chung cư mới chỉ có hợp đồng mua bán công chứng.
Mặt bằng giá tăng khiến căn hộ chung cư đã bàn giao nhà, có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng hay sổ đỏ) làm “khó” mức tài chính của người mua. Ví dụ, căn hộ chung cư Nam Long Akari Bình Tân quý III/2023 mới chỉ dừng ở mức 35 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên 48 - 50 triệu đồng/m2 do đã có sổ hồng.
Hay như tại khu Vinhomes Bình Thạnh, căn hộ chung cư đã có sổ hồng vượt ngưỡng đạt 120 triệu đồng/m2 trong khi giá trung bình trong khu vực là 80 triệu đồng/m2. Khu vực đường Bến Vân Đồn (quận 4) cũng tương tự, căn hộ chung cư Icon 56 có giá lên tới 90 triệu đồng/m2 vẫn hút khách do người mua yên tâm đã có sổ hồng.
Trong khi đó, các tại một số dự án căn hộ chung cư chưa có sổ hồng đang được rao bán với mức giá thấp hơn nhiều so với mức giá chung của khu vực. Ví dụ, bên cạnh chung cư Icon 56 tại quận 4, người cần nhà có thể dễ dàng mua căn hộ chung cư The Tresor với mức giá 60 - 70 triệu đồng/m2 mà vị trí, thiết kế lại cao cấp hơn. Hay tại quận Bình Tân, các block chung cư chưa có sổ hồng của Akari chỉ dừng ở mức 40 triệu đồng/m2. (Xem thêm)
'Săn’ mua căn hộ chưa sổ đỏ, giá tầm 2 tỷ ở vùng ven Hà Nội
Trước thực trạng giá chung cư nội đô Hà Nội ngày càng leo thang khi đạt trung bình 50 - 70 triệu đồng/m2, nhiều người chuyển hướng đi tìm căn hộ chưa có sổ với mức giá nhỉnh 2 tỷ đồng ở khu vực vùng ven Hà Nội.
Chị Quỳnh Như (26 tuổi, quê Nghệ An) cho hay, một tuần nay vợ chồng chị đang tìm mua căn hộ đã qua sử dụng ở Long Biên, Hà Nội với giá trong khoảng 2 - 2,2 tỷ đồng. Với mức giá trên dưới 2 tỷ đồng ở khu vực này hầu hết đều chưa có sổ hồng.
Khi tìm hiểu tại chung cư nhà ở xã hội Hope Residence (Phúc Đồng, Long Biên), chị Như được môi giới dẫn đến căn hộ 70m2 có giá 2,5 tỷ đồng và chưa có sổ. Theo lời của môi giới, muốn mua căn hộ này chị phải chờ 1 năm chủ nhà cũ mới chính thức có sổ, sau đó phải chờ tiếp 5 năm nữa mới được sang tên đổi chủ theo quy định. Như vậy, nếu chốt mua căn hộ này chị phải chờ đến 6 năm mới cầm sổ trong tay.
Chị Như được giới thiệu xem tiếp căn 57m2, giá bán 2,150 tỷ đồng đầy đủ nội thất cũng tại dự án này và dự kiến sau 2,5 năm nữa sẽ được sang tên. Sau khoảng thời gian này, chị sẽ đóng khoảng 80 triệu đồng phí sang tên và tiền thuế đất trong điều kiện nếu 2 năm tới tiền thuế đất không tăng.
“Sau khi cân nhắc chúng tôi chọn căn 57m2 vì phù hợp với mức tài chính, không phải vay thêm ngân hàng. Tuy nhiên, chỉ 1 ngày sau môi giới thông báo căn hộ này đã có người vào cọc”, chị Như nói và bày tỏ vợ chồng chị vẫn đang tìm mua căn hộ chưa có sổ vì mức giá mềm hơn nhiều so với thị trường hiện nay. (Xem thêm)
Dừng giao dịch 77 lô đất dịch vụ: Hà Nội xử lý nghiêm, không có vùng cấm
Chia sẻ thông tin mới nhất về vụ việc tạm dừng giao dịch bất động sản 77 lô đất tại phường La Khê, quận Hà Đông, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết: “Qua công tác nắm tình hình, tiếp nhận giải quyết tin báo tố giác về tội phạm, cơ quan cảnh sát điều tra công an thành phố nhận thấy quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định việc làm cho các hộ giá đình, cá nhân có đất nông nghiệp bị thu hồi, bằng việc giao đất dịch vụ tại phường La Khê, quận Hà Đông có dấu hiệu vi phạm quy định về bồi thường, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất”.
“Về nội dung này, chúng tôi xác định có những dấu hiệu vi phạm, tuy nhiên cần có thời gian để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan tới dự án này. Bởi dự án án này cũng đã xảy ra từ rất lâu”, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng nói. (Xem thêm)
Xẻ núi, bạt đồi mở rộng công viên tâm linh lớn nhất Việt Nam
Lạc Hồng Viên là dự án công viên nghĩa trang của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Toàn Cầu, có quy mô giai đoạn I gần 100ha tại tỉnh Hoà Bình.
Nghĩa trang Lạc Hồng Viên nằm trên vị trí khá đắc địa, tọa lạc trên khuôn viên 9 quả đồi tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình. Quy mô diện tích của Lạc Hồng Viên trong giai đoạn I là 98ha. Dự án nằm sát trục đường Quốc lộ 6, cách trung tâm Hà Nội 52km, cách thành phố Hòa Bình 20km.
Theo chia sẻ của nhân viên tại đây, hiên nay Lạc Hồng Viên cung cấp nhiều sản phẩm da dạng, từ mộ đơn đến các khu mộ dành cho gia tộc, giá trung bình từ 18 - 28 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, có những vị trí đẹp, mỗi mét vuông có giá lên tới 50 triệu đồng/m2. (Xem thêm)
BĐS tồn kho gần 11,5 tỷ USD, không 'chết' nhưng chưa hết khó khăn
Tổng giá trị tồn kho bất động sản ước tính đến cuối tháng 3/2024 khoảng hơn 286.000 tỷ đồng (tương đương hơn 11,4 tỷ USD).
Chuyên gia bất động sản cho rằng tồn kho không chỉ là “tồn kho thành phẩm/hàng hóa” mà cấu phần lớn nhất của hàng tồn kho trong báo cáo tài chính là “chi phí sản xuất kinh doanh dang dở”, tức là các dự án đang xây dựng, chưa hoàn thành.
Theo phân tích từ chuyên gia, từ giai đoạn 2018 - 2019 trở đi, việc phê duyệt các dự án nhà ở tại đô thị bắt đầu chậm lại, do các vướng mắc về pháp lý bộc lộ ngày càng sâu sắc. Điều này khiến nguồn cung trên thị trường giảm dần đều qua các năm, với thời điểm “đáy” là năm 2023.
Chuyên gia cho rằng tồn kho là hệ lụy của tình trạng vướng mắc pháp lý của dự án và khủng hoảng nguồn vốn của nhóm doanh nghiệp bất động sản”.
Con số tồn kho của doanh nghiệp lớn, theo chuyên gia không có gì đáng lo. “Doanh nghiệp chỉ ‘chết’ vì không có tiền mặt chứ không ‘chết’ vì tồn kho cao hay thua lỗ”, chuyên gia bình luận. (Xem thêm)
Trúng đấu giá đất rồi bỏ cọc, bị cấm tham gia 5 năm
Với 95,27% đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản tại kỳ họp thứ 7.
Một trong những nội dung đáng chú ý Luật Đấu giá tài sản sửa đổi là quy định về xử lý vi phạm đối với người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan.
Theo luật mới, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan có hành vi vi phạm các quy định của luật này, tùy theo tính chất, mức độ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định.
Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị hủy, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm.
Bên cạnh đó, các điểm, khoản của Điều 39 Luật Đấu giá tài sản sửa đổi về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước có nhiều điểm đáng chú ý. (Xem thêm)