Dự báo bất động sản nghỉ dưỡng có xu hướng diễn biến phức tạp
Mặc dù ngành du lịch đang có xu hướng hồi phục tích cực khiến cho việc kỳ vọng bà thị trường bất động sản sôi động hơn, tuy nhiên, thị trường BĐS nói chung và BĐS nghỉ dưỡng nói riêng lại đang chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ bởi dòng vốn đang bị hạn chế đổ vào lĩnh vực bất động sản.
Thanh khoản giảm nhưng giá bán vẫn tăng cao
Theo báo cáo của DKRA, dù chịu tác động của nguồn vốn nhưng các chủ đầu tư vẫn tung hàng trong tháng 8 và dấu hiệu này cho thấy các sản phẩm thuộc phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tăng trưởng trở lại so với 2 tháng trước đó, đặc biệt là ở loại hình condotel.
Cụ thể, tháng 8/2022, DKRA ghi nhận nguồn cung condotel tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước với 424 căn, tập trung cục bộ tại một dự án ở khu vực miền Trung với 351 căn (chiếm 83% tổng nguồn cung mới trên cả nước), trong khi miền Bắc chỉ 16 căn và miền Nam là 57căn.
Hầu hết các dự án có tình hình bán hàng chậm do sức cầu thị trường vẫn còn khá thấp, đạt tỷ lệ 29% với 123 căn được tiêu thụ (lượng tiêu thụ chủ yếu tập trung tại Bình Định, chiếm 62% tổng lượng tiêu thụ cả nước).
Mặc dù lượng tiêu thị thấp nhưng mặt bằng giá bán sơ cấp vẫn tăng 2% - 7% so với tháng trước, dao động từ 38,4 – 153,7 tỷ đồng/căn. Tuy nhiên, việc tăng giá này kèm theo các chính sách chiết khấu, ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, cam kết lợi nhuận...
Còn đối với sản phẩm nhà phố/shop house, trong tháng 8/2022 ghi nhận nguồn cung mới gấp 1,8 lần so với tháng trước, nhưng chỉ tập trung ở 03 tỉnh Bình Thuận, Phú Quốc (Kiên Giang) và Bà Rịa –Vũng Tàu. Trong đó, Bình Thuận chiếm 79% nguồn cung mới toàn thị trường với 471 căn từ 02 dự án quy mô lớn.
Ngân hàng siết tín dụng vào lĩnh vực bất động sản cũng khiến sức tiêu thụ nhà phố chỉ đạt 27%, dù lượng tiêu thụ tháng 8 tăng 13% so với tháng trước.
Mặt bằng giá nhìn chung vẫn ổn định so với tháng trước, dao động từ 7,2 – 59,8 tỷ đồng/căn.
Ở loại hình sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng được DKRA đánh giá là loại hình chịu ảnh hưởng mạnh nhất của việc kiểm soát tín dụng. Trong tháng 8/2022, nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng sụt giảm nhiều tại một số dự án ở khu vực miền Nam và miền Trung, khi miền Nam chỉ có 22 căn, miền Trung 97 căn trên tổng cung 219 căn biệt được mở bán.
Lượng quan tâm và giao dịch các dự án có dấu hiệu chững lại. Những dự án phát triển theo mô hình khoáng nóng onsen ghi nhận tình hình bán hàng khả quan hơn so với mặt bằng chung của thị trường. Điều này khiến cho tỷ lệ tiêu thụ đạt thấp, chỉ ở mức 27%, tương ứng 60 căn.
Dù vậy, giá bán sơ cấp vẫn tăng 2% so với tháng trước, dao động từ 7,2 tỷ đồng – 48,4 tỷ đồng/căn.
Bất động sản nghỉ dưỡng có xu hướng diễn biến phức tạp
Các chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản sẽ có nhiều diễn biến phực tạp, nhất là ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng. Ông Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn cho biết, trong thời gian tới, trái phiếu doanh nghiệp, dự án bất động sản du lịch tiềm ẩn nhiều rủi ro vì quy định pháp luật chưa đồng bộ… Do đó, tình trạng khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản đối với các dự án bất động sản du lịch, nhà ở thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới.
Theo ông Bình, qua làm việc với các cơ quan, đoàn giám sát dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Khiếu nại, tố cáo hành chính liên quan đến việc thu hồi đất tiếp tục là một điểm nóng.
Chưa kể, việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản đối với các dự án bất động sản du lịch, nhà ở thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp do các quy định của pháp luật liên quan đến các lĩnh vực này chưa thực sự đồng bộ, tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn đến tranh chấp.
Ông Bình cũng cho biết, qua tổng hợp số liệu, số đơn kiến nghị, phản ánh gửi đến các cơ quan nhà nước gấp 04 lần số đơn khiếu nại, gấp 09 lần số đơn tố cáo nhưng chưa được quan tâm giải quyết, trả lời; thống kê, báo cáo kết quả xử lý chưa đầy đủ.
Nhằm hạn chế tối đa việc phát sinh khiếu nại, tố cáo, ông Bình cho rằng cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực quản lý về đất đai, môi trường; về quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng, quản lý đô thị và quản lý, vận hành chung cư; việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; về công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, khu kinh tế...