Siết chặt hoạt động môi giới bất động sản
Giai đoạn thị trường bất động sản (BĐS) bùng nổ những năm qua đã kéo theo một lượng nhân sự lớn tham gia vào lĩnh vực môi giới địa ốc cả chuyên và bán chuyên.
Trước sự phát triển mạnh của thị trường bất động sản, đặc biệt là những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, vai trò nhà môi giới bất động sản đóng góp quan trọng trong các giao dịch, thúc đẩy sản phẩm nhà ở, đất được đến tay người tiêu dùng bảo đảm chất lượng, hợp pháp.
Môi giới không có chứng chỉ
Hiện nay, nhu cầu giao dịch bất động sản ngày càng phong phú và đa dạng của các doanh nghiệp, tổ chức, người dân đều có thể đáp ứng được thông qua hoạt động của các tổ chức trung gian môi giới về bất động sản.
Tuy nhiên, thị trường BĐS đang bị nhiễu loạn thông tin về giá do nhiều sàn giao dịch BĐS hình thành tự phát, liên kết "tạo sóng", "đẩy giá" là nhận định được lãnh đạo Bộ Xây dựng đưa ra tại báo cáo thông tin về nhà ở và thị trường BĐS mới đây.
Bộ Xây dựng cũng chỉ ra nhiều bất cập, nhất là hoạt động của các sàn giao dịch BĐS chưa đảm bảo việc quản lý tốt các giao dịch, phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực BĐS; hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS chưa được kiểm soát tốt... gây nhiễu loạn thị trường.
Từ đầu năm đến nay, "sốt đất" xảy ra tại nhiều địa phương, với xu thế chạy theo quy hoạch hạ tầng giao thông, dẫn đến tình trạng giá đất tăng cao và hiện chưa có dấu hiệu giảm, trong khi nguồn cung khan hiếm.
Bất động sản là một loại sản phẩm đặc biệt, tác động lớn đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là xu hướng đầu tư, tiêu dùng của người dân. Để thị trường bất động sản vận hành an toàn, minh bạch rất cần vai trò chuyên nghiệp của nhà môi giới trên cơ sở tuân thủ kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp và chấp hành nghiêm pháp luật.
Trên thực tế, quản lý hoạt động của môi giới bất động sản được đánh giá là còn nhiều bất cập, kẽ hở. Đơn cử như giai đoạn đầu năm 2021 – đầu năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng thị trường bất động sản vẫn chứng kiến không ít đợt sốt nóng giá đất nền tại các địa phương. Cùng với đó, cứ mỗi khi một khu vực có thông tin giá đất rục rịch tăng "chỉ sau một đêm" hàng chục sàn, trung tâm môi giới bất động sản mọc lên.
Điều đặc biệt, các sàn hay trung tâm môi giới bất động sản này đều hoạt động "ngoài luồng" tức không đảm bảo các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, môi giới bất động sản. Đơn cử như tại Hạ Long, thông từ Công an tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn này có tới 30 sàn giao dịch và 80 doanh nghiệp, cá nhân hoạt động môi giới bất động sản hoạt động "chui".
Trong khi đó, về lực lượng môi giới, thống kê của Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy cả nước có gần 75.000 nhân viên môi giới nhà đất, nhân viên môi giới tự do, có đến 90% không có kiến thức căn bản của người làm môi giới. Ước tính hiện chỉ 10% số môi giới bất động sản có chứng chỉ hành nghề.
Mới đây, cử tri tỉnh Bình Dương phản ánh về việc các môi giới bất động sản độc lập không có chứng chỉ hành nghề gây nhiễu loạn thông tin trên thị trường. Cử tri tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay rất nhiều cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập nhưng không có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và không đăng ký nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế; bên cạnh đó, tình trạng thông tin sai sự thật về các bất động sản được rao bán, nhất là về giá để hưởng chênh lệch đang xảy ra khá phổ biến.
Đồng thời, thời gian qua nhà nước thất thu thuế rất lớn từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên. Theo đó, cử tri kiến nghị nghiên cứu tham mưu Chính phủ trình Quốc hội nhanh chóng sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản và các quy định có liên quan nhằm tạo dựng môi trường bất động sản minh bạch, công bằng và hiệu quả.
Chuẩn hóa nghề môi giới bất động sản
Ông Phạm Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần DKRA Việt Nam phân tích, nghề môi giới không đơn thuần là giới thiệu bất động sản, giao dịch mua bán bất động sản, mà là một ngành kinh doanh trong hệ sinh thái bất động sản với nhiều yêu cầu khắt khe về kiến thức, kinh nghiệm, đạo đức.
Chính người môi giới góp phần tạo nên thị trường bất động sản ngày càng phong phú và đa dạng. Bởi lẽ, thông qua nhà môi giới bất động sản, chủ đầu tư nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của người dân để liên tục phát triển sản phẩm.
Thời gian qua, đã có tình trạng tổ chức, cá nhân chưa am hiểu đầy đủ về pháp luật nên hoạt động không lành mạnh, được ví như những “con sâu” làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản. Một số sự việc môi giới bất động sản diễn ra tự phát đã tạo tâm lý, hình ảnh không tốt đến uy tín ngành nghề môi giới bất động sản chuyên nghiệp, gây thiệt hại cho khách hàng.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Đại Phúc Land, những câu chuyện môi giới bất động sản chưa đúng quy định có một phần nguyên nhân do chưa có quy chuẩn cho nghề môi giới. Hiện nay, số lượng cá nhân, tổ chức hành nghề môi giới bất động sản tăng rất nhanh nên rất cần có những tiêu chí giám sát mạnh tay đối với những hành vi làm trái quy định, trái quy chuẩn nghề nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng vì chưa chuyên nghiệp, một bộ phận môi giới bất động sản vẫn bị sa đà vào những hành vi chưa chuẩn mực như có hành vi găm đất, thổi giá tạo sốt ảo gây lũng loạn thị trường, nhiều môi giới còn trực tiếp hoặc tiếp tay cho chủ dự án, lừa đảo khách hàng, gây hậu quả cho người tiêu dùng, ảnh hưởng uy tín cho thương hiệu các chủ đầu tư chân chính.
Các chuyên gia cho rằng, ngoài các quy định xử phạt, cần một nền tảng, một quy chuẩn chung của toàn thị trường để nhân sự gia nhập vào lĩnh vực tư vấn bất động sản có thể đạt được những tiêu chí cơ bản đó; đồng thời thể hiện được chất lượng nhân lực xứng tầm với giá trị của sản phẩm bất động sản.
Bên cạnh đó, những quy chuẩn, quy tắc trên sẽ giúp giảm thiểu các vấn đề tiêu cực, đồng thời tránh trường hợp người tư vấn nhận thức được những điều không đúng, không tốt cho khách hàng nhưng vẫn bỏ qua vì lợi ích trong bán hàng.