Giao dịch đất nền tăng, môi giới lợi dụng “thổi giá”
Đại dịch kéo dài trong năm 2021 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế nhưng giá đất nền trong giai đoạn này vẫn tăng 20 – 30%.
Giá bất động sản có xu hướng tăng ở nhiều phân khúc
BĐS đất nền nhộn nhịp trong thời gian dài đã kéo giá thành tăng cao mặc dù mức độ quan tâm có dấu hiệu giảm dần. Theo thống kê cho thấy, đất nền ở một số địa phương vùng ven hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM hoặc một số tỉnh như Thái Bình, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương,… số lượng chốt giao dịch đất nền gia tăng chóng mặt vì quỹ đất rộng, dân cư đông đúc, nhiều khu công nghiệp tập trung tại đây và có tiềm năng khai thác du lịch.
Đại dịch kéo dài trong năm 2021 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế nhưng giá đất nền trong giai đoạn này vẫn tăng 20 – 30%. Hơn nữa, một số địa phương xảy ra tình trạng sốt đất được thổi giá lên rất nhiều, điển hình như TP.Thủ Đức giá đất nền đều ở mức trên 200 triệu đồng/m2. Trong khi giá căn hộ chỉ tăng trung bình khoảng 3% không có mức tăng lớn như phân khúc đất nền.
Giá BĐS ở Hà Nội và TP.HCM hiện nay tăng mạnh ở nhiều phân khúc khác nhau. Các chuyên gia đánh giá rằng khó có thể tìm được căn hộ 25 triệu đồng/m2 ở hai thành phố này, giá căn hộ binh dân ngày một ít đi, căn hộ trung và cao cấp đang chiếm phần lớn nguồn cung trên thị trường. Riêng đối với nhà liền thổ, chủ yếu ở mức giá giao động trên dưới 100 triệu đồng/m2 với những vị trí đắc địa như khu vực trung tâm thì giá có thể cao hơn mức 200 triệu đồng/m2. Có thể thấy giá nhà ở cao hơn rất nhiều so với mức thu nhập trung bình của người dân.
Nhiều nguyên nhân chủ yếu dẫn đến giá BĐS tăng mạnh dẫn đến sự chênh lệch cung cầu trong thời gian qua do người dân đổ vốn đầu tư vào BĐS sản và nhu cầu cần mua nhà ở cũng khá cao, nhưng số lượng dự án thi công nhà ở thương mại hoàn thành trong năm nay tương đối ít chỉ khoảng 12.000 căn. Ngoài ra, số lượng dự án nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp, trung bình chỉ có 13 dự án, xây dựng được khoảng 6.000 căn thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch đặt ra. Với số lượng phân khúc nhà ở hạn chế khó có thể đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho người dân có thu nhập thấp. Ngoài ra, Giá BĐS cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ khi thời gian triển khai dự án kéo dài do thủ tục pháp lý và chi phí nguyên vật liệu đầu vào lẫn lãi suất vay đều tăng cao.
“Thổi” giá ảo dẫn đến rối loạn thị trường
Thị trường BĐS vẫn còn những điều bất cập như chưa quy định cụ thể mô hình, quy trình giao dịch qua sàn và các hoạt động của các sàn giao dịch không thể đảm bảo việc quản lý an toàn các giao dịch và phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực BĐS.
BĐS hiện nay đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát thông tin các giao dịch, nhất là với các thông tin của BĐS doanh nghiệp và chủ đầu tư. Sàn giao dịch BĐS chỉ có vai trò chủ yếu là cầu nối trung gian giữa chủ đầu tư và khách hàng nên việc kiểm soát và đảm bảo tính pháp lý các giao dịch trở nên khó khăn. Ngoài ra, còn các trường hợp xấu xảy ra như việc các sàn giao dịch cấu kết với nhau để “ôm hàng”, “thổi giá”,… tạo cơn sốt ảo để ăn lời làm nhiễu loạn thị trường.
Tình trạng sốt từ cuối năm trước đến nay diễn ra và lan rộng ở nhiều địa phương trong đó nguyên nhân chủ yếu đến từ việc môi giới thổi giá, đẩy giá cao để tạo cơn sốt cho thị trường BĐS. Hiện nay, số lượng môi giới thật, giả lẫn lộn, ngoài những người môi giới được đào tạo chuyên nghiệp, được cấp chứng chỉ thì còn rất nhiều “môi giới giả” mua bán BĐS tự do khó kiểm soát được, việc kiểm soát kê khai nộp thuế khó khăn hơn. Quan trọng hơn hết là những người môi giới này không có chuyên môn hay được đào tạo bài bản kiến thức về pháp luật và sự chuyên nghiệp không cao, trở thành hiện tượng xấu và là thách thức mới cho thị trường BĐS.
Số lượng sàn giao dịch BĐS kể từ 2020 đến nay đã có hơn 1.600 và gần 90% số sàn giao dịch đã hoạt động trở lại cùng với nhiều sàn giao dịch mới được thành lập. Trong vòng 15 năm qua số cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS đã lên gần 33.000 người.