Hà Nội: Đấu giá đất sôi động suốt một năm đã mang lại những hệ lụy gì cho thị trường?

Thị trường bất động sản Hà Nội năm 2021 tiếp tục đối mặt với thực trạng khan hiếm nguồn hàng mới ở phần lớn các phân khúc, loại hình. Tuy nhiên, phân khúc đất đấu giá lại có một năm vô cùng sôi nổi. Thế nhưng sự sôi nổi này lại đi kèm với nhiều hệ lụy đáng báo động của thị trường.

Sôi nổi đất đấu giá

Tại thị trường Hà Nội, ngoài một vài dự án đất nền có quy hoạch 1/500 mở bán trong năm, nhìn chung nguồn cung đất nền Hà Nội khá khan hiếm. Ngược lại, phân khúc đất đấu giá Hà Nội lại vô cùng sôi nổi. Riêng quý cuối cùng của năm 2021, đất đấu giá Hà Nội đã khuấy đảo thị trường.

Trung tuần tháng 10, 57 lô đất tại khu Góc Quéo 2, thôn Ngọc Đình, xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai) được tổ chức đấu giá. Các lô đất có mức giá khởi điểm từ 5,3 triệu đồng/m2 và đều ghi nhận giá trúng cao gấp 3-4 lần giá khởi điểm, cá biệt có lô trúng cao gấp 8 lần. Cụ thể, giá trúng thấp nhất là 18,8 triệu đồng/m2, mức giá trúng phổ biến là trên 20 triệu đồng/m2, có lô góc giá trúng lên tới 40,2 triệu đồng/m2.  Được biết, dù chỉ có 57 lô đất nhưng có tới 2.000 bộ hồ sơ và 400 người tham dự khiến buổi đấu giá diễn ra rất sôi động.

Đất đấu giá Hà Nội sôi nổi trong năm 2021.  
Đất đấu giá Hà Nội sôi nổi trong năm 2021.  

Cuối tháng 11, 70 lô đất thuộc các xã như Liên Ninh, Đại Áng (Thanh Trì) được tổ chức đấu giá. 70 lô đất này thuộc 3 khu đất đấu giá có tổng diện tích là 4.486,5m2. Giá khởi điểm của khu đất xã Đại Áng là 17,586 triệu đồng/m2. Đất đấu giá tại thôn Thọ Am, xã Liên Ninh có giá khởi điểm là 21,501 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, kết quả đấu giá đều ghi nhận giá trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Trong đó, mức giá trúng cao nhất lên tới 66,686 triệu đồng/m2.

Cùng thời điểm, Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Quốc Oai phối hợp với Công ty đấu giá Hợp danh Đấu giá Việt Nam tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất đối với 49 thửa đất thuộc khu đấu giá ĐG 06/2019 thôn Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ. Giá khởi điểm đối với lô đất nhóm A là 25 triệu đồng/m2; lô đất nhóm B là 24,7 triệu đồng/m2. Giá trúng đều ghi nhận cao hơn giá khởi điểm khá lớn, trong đó lô trúng đấu giá cao nhất là 45,6 triệu đồng/m2.

Cùng thuộc thôn Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ (Quốc Oai), 32 thửa đất tại Lô S2 ký hiệu từ S2-01 đến S2-32 có giá khởi điểm đối với các thửa đất có ký hiệu từ S2-01 đến S2-16 là 47,7 triệu đồng/m2; các thửa đất có ký hiệu từ S2-17 đến S2-32 là 25,7 triệu đồng/m2 cũng ghi nhận mức giá trúng rất cao. Đối với các thửa có ký hiệu từ S2-01 đến S2-16, giá trúng cao nhất là 99,3 triệu đồng/m2, giá trúng thấp nhất là 63,7 triệu đồng/m2. Đối với các thửa có ký hiệu từ S2-17 đến S2-32 giá trúng đấu giá cao nhất là 68,9 triệu đồng, thấp nhất là 39,7 triệu đồng/m2.

Mới đây, phiên bán đấu giá quyền sử dụng 25 lô đất tại Khu X4, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội thu hút 800-900 hồ sơ nộp. Giá khởi điểm 25 lô đất dao động từ 104,7-182,3 triệu đồng/m2. Giá trúng đấu giá đều ghi nhận mức cao gấp 2-2,6 lần mức giá khởi điểm. Trong đó, giá trúng thấp nhất là 162,7 triệu đồng/m2, giá trúng cao nhất là 364,3 triệu đồng/m2.

Hệ lụy từ những cuộc đấu giá giá cao ngất ngưởng

Phân khúc đất đấu giá Hà Nội đang diễn ra vô cùng sôi nổi. Trong các cuộc đấu giá này có sự tham gia của một bộ phận không nhỏ giới đầu cơ với mục đích lướt sóng, đẩy giá đất lên cao sau đó tìm cách lướt cọc, hưởng chênh. Khi không tìm được người mua để lướt cọc, các khu đất đấu giá chứng kiến tình trạng bỏ cọc xảy ra khá phổ biến.

Những cuộc đấu giá mà giá trúng cao ngất ngưởng thời gian qua là giá đất khu vực xung quanh bị đẩy lên cao chỉ trong thời gian ngắn, vượt tiềm năng thực của khu vực.  
Những cuộc đấu giá mà giá trúng cao ngất ngưởng thời gian qua là giá đất khu vực xung quanh bị đẩy lên cao chỉ trong thời gian ngắn, vượt tiềm năng thực của khu vực.  

Anh Nguyễn Tùng Lâm, Giám đốc văn phòng nhà đất Thạch Thất (Hà Nội) cho biết trong trào lưu nhà nhà người người đi đầu tư đất, đất đấu giá với tính pháp lý, quy hoạch rõ ràng, chuẩn chỉnh được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người tham gia đất giá đấu giá  không phải với mục tiêu sử dụng đất mà với mục đích đầu cơ, lướt sóng ăn chênh lệch. Do đó, sau khi đặt cọc, tham gia đấu, họ đẩy giá đất lên cao, tạo sóng thị trường với mục đích sang tay cọc. Tuy nhiên, khi không tìm được khách mua, những người này không đủ tiền để vào tiếp nên buộc phải bỏ cọc.

Gần đây nhất, nhiều lô đất đấu giá tại xã Tam Đồng (huyện Mê Linh) đã phải hủy kết quả trúng đấu giá để đấu giá lại do người mua sau khi trúng đấu giá đã bỏ cọc không vào tiền. Trường hợp trúng đấu giá  rồi bỏ cọc cũng diễn ra tại một số điểm khác thuộc Hà Nội và nhiều tỉnh thành trên cả nước đang có thị trường sôi động như Bắc Giang, Thanh Hóa…

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, hệ lụy rõ ràng có thể nhận thấy sau những cuộc đấu giá mà giá trúng cao ngất ngưởng thời gian qua là giá đất khu vực xung quanh bị đẩy lên cao chỉ trong thời gian ngắn, vượt tiềm năng thực của khu vực. Việc giá đất bị đẩy lên cao khiến việc bồi thường giá đất cho người dân sau này gặp nhiều rào cản, khiến quá trình giải phóng mặt bằng, triển khai dự án gặp khó khăn. Từ đó, khiến các dự án tung ra thị trường thiết lập mặt bằng giá mới, việc tiếp cận nhà ở giá rẻ của đại bộ phận dân chúng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Minh Đức

Theo Kinh doanh & Phát triển