Hà Nội: Hàng loạt biệt thự bỏ hoang nhưng giá vẫn tăng cao, nhà đầu tư tiếp tục “dè chừng”
Mặc dù tại các dự án khu đô thị trên địa bàn Hà Nội vẫn xuất hiện hàng loạt căn biệt thự, liền kề bỏ hoàng không người ở nhưng giá loại hình bất động sản này vẫn ghi nhận tăng cao trong thời gian qua. Kéo theo tâm lý “dè chừng” của đại đa số nhà đầu tư.
Giá biệt thự, liền kề tại Hà Nội vẫn neo cao dù vắng khách
Trong 3 năm qua, giá nhà biệt thự, liền lề liên tục tăng giá mạnh, nhất là trong thời điểm thị trường bất động sản lên cơn “sốt nóng” như thời gian nửa đầu năm nay.
Theo một báo cáo thị trường mới đây cho thấy, giá biệt thự tăng 37%, giá nhà phố thương mại (shophouse) tăng 22% và giá liền kề tăng 20%. So với năm 2018, giá bán biệt thự đã tăng gấp đôi, giá liền kề cũng ghi nhận tăng 67%.
Nguyên nhân khiến giá biệt thự, liền kề tăng là do nguồn cung khan hiếm.
Mặc dù giá neo cao nhưng nhìn vào thực tế, rất dự án biệt thự, nhà liền kề tại Hà Nội xây dựng xong bỏ hoang nhiều năm, xuống cấp, cỏ mọc um tùm.
Theo khảo sát thực tế tại số dự án như khu đô thị sinh thái Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội dù đã hoàn thiện xong nhưng đến nay nhiều biệt thự vẫn bỏ trống không người ở, luôn trong tình trạng khoá cổng. Theo tìm hiểu, tất cả các căn biệt thự dù bỏ hoang nhưng đều đã có chủ nhân. Những căn biệt thự này đang được treo bảng rao bán và cho thuê.
Theo tìm hiểu, tại dự án này vào thời điểm cuối năm 2019, giá bán một căn nhà liền kề khoảng 6 - 7 tỷ đồng, nhưng ở thời điểm hiện tại đã tăng lên trên 12 tỷ đồng. Còn đối với nhà biệt thự, giá bán cuối năm 2019 dao động khoảng 100 triệu đồng/m2, tức là 14 - 15 tỷ đồng/căn với diện tích từ 130 - 150m2, cho đến năm 2022 giá tăng lên khoảng 19 - 20 tỷ đồng/căn.
Tương tự là trường hợp của hàng trăm căn biệt thự, liền kề tại Dự án khu đô thị Nam Cường (Hà Đông, Hà Nội) đã được xây dựng và bàn giao cho khách hàng từ khoảng năm 2018-2019. Tuy nhiên, đến nay, số lượng căn hộ chưa đưa vào sử dụng rất lớn. Nhiều căn liền kề, biệt thự đang rơi tình trạng bỏ không, cỏ mọc.
Hay như khu đô thị Đại Kim (Hoàng Mai), nhiều nhà biệt thự, liền kề cũng đóng cửa im ỉm, có chỗ treo biển bán suốt thời gian dài nhưng vẫn chưa có người mua.
Bên cạnh đó, cũng còn có rất nhiều dự án khu đô thị, biệt thự khác đều chung cảnh ngộ xây xong rồi bỏ hoang tại các quận, huyện ở Hà Nội như: Gia Lâm, Hoàng Mai, Hoài Đức… vẫn đang rao bán với giá hàng chục tỷ đồng/căn.
Nhà đầu tư vẫn “dè chừng”
Thực tế, "sóng" đầu tư tại các khu biệt thự bỏ hoang xuất hiện từ đầu năm nay. Lý giải cho việc tăng giá này, nhiều môi giới tại các dự án cho hay, một phần do có hạ tầng đi qua dự án, vị trí đẹp có tiềm năng và nằm cạnh các dự án lớn nên luôn có tiềm năng thu hút đầu tư. Đó là lý do nhu cầu đầu tư biệt thự tăng lên trong thời gian qua, kéo theo cơn sóng tăng giá tại các dự án này.
Chị Hồng, chủ nhân căn biệt thự tại dự án khu đô thị Xuân Phương cho biết: "Tôi mua căn biệt thự với diện tích 100m2 vào cuối năm 2021 với giá gần 10 tỷ đồng nhưng không ở. Tôi rao bán hơn 1 tháng nay với giá mong muốn là 15 tỷ đồng. Cũng có nhiều khách hỏi giá, rồi đến xem nhà nhưng chưa ai mua. Tôi cũng không vội bán, vì sắp tới kiểu gì cũng sẽ tăng lên 2 - 3 giá nữa. Lúc mua tôi bỏ ra 7 tỷ đồng, còn lại vay ngân hàng. Giờ vẫn đang treo biển cho thuê 12 triệu đồng/tháng, nếu có người thuê thì tôi lấy tiền đó gồng lãi hàng tháng".
Nhiều môi giới cũng thừa nhận, khoảng 2 - 3 tháng nay, lượng khách quan tâm là có, song số lượng giao dịch cũng chỉ ở mức thấp. Thực tế, nếu với số vốn khoảng 10 tỷ đồng thì khó có thể mua được một căn biệt thự ở thời điểm hiện tại. Cũng chính vì giá quá cao, nên nhiều nhà đầu tư vẫn còn dè chừng khi xuống tiền.
Theo các chuyên gia, trong thời điểm hiện nay, giá càng bị đẩy lên cao, thanh khoản càng thấp. Tình trạng không có giao dịch tại các dự án biệt thự, liền kề nếu còn tiếp diễn sẽ kéo theo bức tranh xám xịt của diện mạo đô thị khi những biệt thự tiền tỷ tiếp tục bị bỏ hoang, trong khi người có nhu cầu thực lại không với tới. Và cũng chưa biết đến bao giờ, tại những khu biệt thự này, những ô cửa mới sáng đèn.