Hà Nội: Rà soát việc công khai các đồ án quy hoạch
UBND Thành phố Hà Nội vừa có Văn bản số 11762 về việc đăng tải thông tin hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị lên Cổng thông tin điện tử.
Cụ thể, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, rà soát, tiếp tục triển khai thực hiện đăng tải thông tin hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị theo yêu cầu của Bộ Xây dựng tại Văn bản số 4363/BXD-QHKT (ngày 25/10/2021); báo cáo kết quả thực hiện về UBND TP trong tháng 11/2021.
Theo Bộ Xây dựng, ngày 2/3, Bộ có văn bản về việc đề nghị các địa phương đăng tải thông tin hồ sơ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị lên cổng thông tin điện tử về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
“Đến nay, cơ bản các địa phương đã thực hiện việc đăng tải thông tin quy hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện hoặc đăng tải với số lượng rất hạn chế”, Bộ Xây dựng cho biết.
Theo thống kê, toàn quốc có 53 tỉnh, thành phố đã thực hiện việc đăng tải, với tổng số 1.087 hồ sơ đồ án quy hoạch. Điều đáng nói, có 10 địa phương chưa thực hiện việc đăng tải như: Tuyên Quang, Hòa Bình, Phú Thọ, Hải Dương, Hà Nam, Bình Thuận, Gia Lai, Hậu Giang, Sóc Trăng...
Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tiếp tục thực hiện đăng tải thông tin hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Một số nhà đầu tư, người môi giới BĐS lợi dụng các thông tin về quy hoạch, việc ban hành bảng giá đất mới... để tạo "sốt đất".
Trước cơn "sốt đất" hồi đầu năm, Bộ Xây dựng thừa nhận tại một số địa phương đã, đang xuất hiện tình trạng một số nhà đầu tư, người môi giới BĐS lợi dụng các thông tin về quy hoạch, việc ban hành bảng giá đất mới, việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính, nâng cấp hệ thống hạ tầng và việc triển khai các dự án lớn tại các địa phương…
Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch để ngăn chặn cơn “sốt đất”, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án BĐS đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính,… tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.
KTS. Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, việc công khai quy hoạch cần được thực hiện một cách nghiêm túc và định hướng thông tin cho người dân. Nhiều trường hợp như quy hoạch sân bay chỉ là dự kiến hoặc nằm trên bản thảo, khi quy hoạch chưa được công khai hoặc mới chỉ rò rỉ thông tin bắt đầu xuất hiện nhiều nhà đầu tư lừa đảo, căng biển, rao bán ngay cả ngay trên đất không phải của mình.
“Người dân phải bình tĩnh trước những thông tin này, nếu đầu tư ăn theo thông tin quy hoạch dự kiến sẽ tạo nên cơn “sốt đất ảo” và cuối cùng người chịu thiệt thòi chính là người dân”, KTS. Phạm Thanh Tùng cảnh báo.