Khu Đông Hà Nội trở thành điểm đến tiềm năng của nhà đầu tư bất động sản?
Với tốc độ phát triển ấn tượng nhờ lợi thế về khả năng kết nối mạnh mẽ với nội đô và các tỉnh lân cận, khu Đông Hà Nội tiếp tục vươn lên trở thành một điểm sáng của thị trường bất động sản.
Trong 5 năm qua, bất động sản khu Đông Hà Nội đã lột xác trở thành thị trường hội tụ đủ các phân khúc sản phẩm, những tiện ích lần đầu xuất hiện trên thị trường cũng góp mặt tại đây, giá tăng trưởng mạnh mẽ nhưng tỷ lệ thanh khoản liên tục dẫn đầu thị trường thời gian gần đây.
Theo báo cáo từ CBRE, thị trường chung cư Hà Nội ghi nhận sức mua tăng mạnh, tính riêng trong quý II/2024, số căn đã bán đạt 10.170 căn, gấp 5 lần số căn bán được ở quý trước và cả cùng kỳ năm ngoái. Các dự án chung cư tập trung ở các khu đô thị lớn phía Đông Hà Nội tiếp tục ghi nhận tỷ lệ bán tốt. Đơn vị này nhận định “Thời điểm cuối quý I/2024, thị trường ghi nhận nhiều dự án triển khai hoạt động đặt chỗ không chỉ tại Hà Nội, mà còn ở các địa phương lân cận như Hưng Yên, Hải Phòng… ”. Bên cạnh đó, đơn vị này dự báo nguồn cung mới tại Hà Nội trong năm 2024 sẽ tăng gấp đôi năm ngoái song cũng sẽ có sự dịch chuyển từ các quận trung tâm sang khu vực phía Đông thành phố.
Việc hình thành các đại đô thị đã thúc đẩy xu hướng giãn dân, dịch chuyển từ trung tâm ra vùng lân cận khi dân số ở các quận huyện, tỉnh giáp ranh Hà Nội tăng trưởng mạnh trong những năm qua. Số liệu cho thấy, năm 2010, quy mô dân số Gia Lâm chỉ vào khoảng 204.000 người thì hiện vào khoảng 309.000 người. Hay khu vực Văn Giang, Hưng Yên cũng gia tăng rất mạnh khi các khu đô thị lớn đi vào hoạt động với quy mô dân số năm 2020 khoảng 123.000 người, thì đến 2040 sẽ gấp 3 lần, vào khoảng 350.000 người.
Như một cực tăng trưởng dẫn đầu Hà Nội, khu phía Đông đã thu hút sự đổ bộ của hàng loạt chủ đầu tư lớn và uy tín như Vingroup, Ecopark, Masterise, T&T, BRG Group, Eurowindow…, với những “đại dự án” quy mô và quy hoạch độc đáo bậc nhất miền Bắc, đã và đang làm mưa làm gió trên thị trường. Những dự án này không chỉ thay đổi diện mạo không gian đô thị phía Đông, thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn khiến giá đất khu vực tăng lên đáng kể.
Theo khảo sát thực tế, giai đoạn 2020 - 2022, giá bán sản phẩm thấp tầng thuộc các dự án ghi nhận mức tăng trưởng phổ biến từ 100 - 150%, thậm chí gấp 3 - 4 lần so những ngày đầu mở bán.
Giá đất nền khu dân cư tại Long Biên dao động ở mức 40 - 50 triệu đồng/m2, địa điểm gần với cầu Trần Hưng Đạo (chuẩn bị triển khai) đạt 240 triệu đồng/m2, khu vực Cổ Linh xấp xỉ 210 triệu đồng/m2. Tại huyện Gia Lâm, các trục đường chính, gần trung tâm có giá bình quân 40 - 90 triệu đồng/m2, cá biệt là tuyến đường Ngô Xuân Quảng đã chạm ngưỡng 230 triệu đồng/m2...
Nguyên nhân sự sôi động của thị trường phía Đông trước hết tới từ tầm nhìn quy hoạch Vùng Thủ đô theo Nghị quyết 06-NQ/TW, mở rộng mối liên kết chặt chẽ với 9 tỉnh, thành lân cận, trong đó phía Đông lại tiếp giáp với nhiều tỉnh đang là thủ phủ công nghiệp của miền Bắc như Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng…
Nhiều chuyên gia nhận định, phía Đông chính là tương lai của Hà Nội, tam giác kinh tế Bắc Bộ gồm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đã chính thức hình thành, đặc biệt là với sự kết nối của cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Hải Phòng - Cầu Giẽ... Phát triển kinh tế là phải hướng ra biển, bởi vậy việc phát triển đô thị ra phía Đông sẽ tận dụng được sự kết nối này.
Đặc biệt, hàng loạt công trình trọng điểm quốc gia ở khu vực này đã và đang được triển khai như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 (3.600 tỷ đồng), cầu Đông Trù (6.600 tỷ đồng), cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (45.000 tỷ đồng), nút giao Cổ Linh (400 tỷ đồng), cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (2.500 tỷ đồng), cầu Trần Hưng Đạo (dự kiến đầu tư gần 8.700 tỷ đồng)...
Trong quy hoạch phát triển sẽ có 10 cây cầu bắc qua sông Hồng và tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô kết nối với khu vực phía Đông Thủ đô, tạo cú hích cho các hoạt động giao thương, kinh tế, là đòn bẩy cho BĐS bứt phá..
Theo nhiều nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, điều kiện cần đối với sản phẩm đầu tư là vị trí, giá cả, tiềm năng khai thác… còn điều kiện đủ là tiện ích sống, chất lượng căn nhà và dịch vụ quản lý vận hành để phục vụ cho nhu cầu cốt lõi là để sử dụng và tận hưởng cuộc sống, dù người ở thực tế là người mua hay người thuê nhà. Vì thế, dù thị trường khu Đông đang trở thành tâm điểm thu hút đầu tư nhưng không phải dự án nào cũng được các nhà đầu tư sành sỏi chọn lựa.