Lao đao vì dịch bệnh, hàng loạt khách sạn trăm tỷ được rao bán
Dưới những tác động của dịch bệnh Covid-19, lĩnh vực kinh doanh khách sạn ở Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang… rơi vào tình trạng “sống dở chết dở”. Không chỉ các khách sạn nhỏ, nhiều khách sạn trăm tỷ cũng đang được rao bán sau những ngày tháng treo biển tạm dừng hoạt động.
Theo thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, tháng 2/2021, khách du lịch đến Thủ đô ước đạt 262,5 nghìn lượt (giảm 79,9% so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 20,5 nghìn (giảm 94% so với tháng 2/2020), khách du lịch nội địa ước đạt 242 nghìn lượt khách (giảm 75% so với cùng kỳ). Cũng vì thế, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 888 tỷ đồng (giảm 83,6% so với cùng kỳ năm trước). Đặc biệt, trong tháng 2/2021, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1 sao – 5 sao ước đạt khoảng 16,1%, giảm 14% so với tháng 1/2021 và giảm 35,2 % so với cùng kỳ năm 2020.
Thậm trí tại một số tỉnh thành có du lịch phát triển như Như Trang, Đà Nẵng,…tình hình cũng không mấy khả quan. Kể từ thời điểm Tết Nguyên Đán đến nay, Tại TP Hồ Chí Minh công suất phòng lưu trú ở các khách sạn chỉ đạt khoảng 10%. Do phải đối diện với tình hình kinh doanh ế ẩm kéo dài gần một năm vì dịch bệnh, làn sóng rao bán khách sạn diễn ra ở hàng loạt các địa điểm.
Theo khảo sát trên một trang chuyên mua bán bất động sản, mỗi ngày có cả chục khách sạn được rao bán với đủ mọi mức giá từ vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng. Đơn cử như tại đường Võ Nguyên Giáp – tuyến đường được coi là có vị trí đắc địa khi nằm bên cạnh bãi tắm Mỹ Khê, phường Phước Mỹ, Quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng có khách sạn được giới thiệu là 4 sao, 18 tầng, diện tích 740m2 được rao bán với giá hơn 400 tỷ. Ngoài ra cũng tại đây còn một khách sạn 14 tầng, diện tích 600m2, 115 phòng ngủ được rao bán với giá 280 tỷ.
Theo một nhân viên trong lĩnh vực môi giới khách sạn, từ khi dịch bùng phát tới nay, các thu nhập của các khách sạn sụt giảm, trong khi đó chi phí vận hành, lãi vay quá lớn dẫn tới không trụ được phải rao bán. Không ít đại gia Hà Nội đầu tư kinh doanh khách sạn tại Đà Nẵng rao bán chấp nhận “rút lui”. Hiện nay loại hình khách sạn 3 sao có giá từ 20 đến 100 tỷ đồng. Khách sạn 4 sao thấp nhất là 280 tỷ đồng. Giá trị từng khách sạn thay đổi tùy vào vị trí, diện tích, chất lượng, số căn, thương hiệu,…
Không chỉ Đà Nẵng, tại Hà Nội tình hình cũng tương tự, đặc biệt là tại khu phố cổ, quận Hoàn Kiếm. Điển hình như một khách sạn tại trung tâm quận Hoàn Kiếm có quy mô 151m2, 11 tầng, 40 phòng ngủ được rao bán với giá 280 tỷ. Hay như tại phố Hàng Giấy có một khách sạn 50m2, 7 tầng được rao bán với giá chỉ 32 tỷ đồng.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho rằng, việc rao bán khách sạn là quy luật của thị trường, đây có thể là thời điểm sàng lọc, tái cấu trúc lại phân khúc nghỉ dưỡng.
Còn theo đánh giá của một số chuyên gia, nhà đầu tư trong giai đoạn này rất thận trọng, đa số là ngồi yên để nghe ngóng thị trường. Tuy nhiên, cũng có một số người tranh thủ lúc giá đang có phần giảm hơn để thu mua. Đối với những khách sạn có vị trí đẹp tại trung tâm thành phố, đầy đủ tiện nghi, có lượng khách ổn định, các chuyên gia cho rằng đây vẫn là một cơ hội đầu tư đáng cân nhắc trong mùa dịch.
Bên cạnh làn sóng rao bán, hàng loạt khách sạn đang cố gắng hoạt động cầm chừng đã đồng loạt giảm giá phòng lên tới 60%. Khảo sát tại một số khách sạn nằm trong phố cổ Hà Nội cho thấy, giá phòng chỉ dao động từ 400 nghìn đồng – 1 triệu đồng/đêm, giá đã giảm từ 50% – 80% so với giai đoạn trước dịch. Ngoài ra, hầu hết các khách sạn trên địa bàn Hà Nội đã giảm giá đến 50% so với đợt giảm giữa năm 2020, thậm chí có những khách sạn như La Sinfonia del Rey Hotel and Spa (Hàng Dầu) giảm tới 72%; khách sạn Acoustic Hà Nội & Spa giảm tới 83%; khách sạn Daewoo giảm tới 82% chỉ còn 1 triệu đồng/đêm.
Nhận định về triển vọng phục hồi của ngành du lịch Việt Nam, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á – Thái Bình Dương, cho rằng thị trường năm 2021 dự kiến sẽ tương tự như năm 2020, ít nhất là cho đến khi các hoạt động du lịch quốc tế được khôi phục trở lại. Trải qua một năm khó khăn, hầu hết các khách sạn đã và đang thích nghi với trạng thái “bình thường mới”. Với doanh thu ở mức tối thiểu, ông Gasparotti cho rằng, các khách sạn phải tập trung cân đối các khoản chi phí để có thể đạt được điểm hòa vốn hoạt động.