Lo ngại về tuyến đường "Lê Văn Lương thứ hai"
Đường Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội được kỳ vọng sẽ là tuyến đường đẹp, thông thoáng phục vụ cho các sự kiện văn hóa thể thao lớn. Tuy nhiên, nhiều tổ hợp chung cư, nhà cao tầng gần đây đang dần đổ bộ về, khiến nhiều người lo ngại một đường “Lê Văn Lương thứ hai” sẽ tiếp diễn tại đây.
Chung cư lần lượt mọc lên
Kéo dài từ ngã tư Đại lộ Thăng Long tới Trần Hữu Dực, trục đường Lê Quang Đạo kéo dài chưa đầy 3km hiện đang tập trung các công trình văn phòng lớn, tổ hợp thể thao trọng điểm của Thủ đô như sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Cung Hữu nghị Việt – Trung, Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội, Cung Điền kinh Hà Nội, VFF, trụ sở Bộ Ngoại giao, sân bóng vận động viên cấp cao…
Tuyến đường Lê Quang Đạo được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển của người dân từ khu vực Hà Đông đến trung tâm Mỹ Đình, giảm tải áp lực cho tuyến đường Tố Hữu, Nguyễn Trãi và khu vực Cầu Đôi, kết nối nhanh chóng khu vực phía tây với trung tâm thành phố.
Thế nhưng, gần đây trên trục đường Lê Quang Đạo kéo dài về phía đường Trần Hữu Dực đang mọc lên rất nhiều toà cao ốc, chung cư cao tầng với mật độ dày đặc. Hàng loạt dự án chung cư cao ốc xuất hiện theo trục đường như The Matrix One, Mỹ Đình Pearl, Iris Garden, chung cư Florence, Louis City Đại Mỗ, Hyatt Regency west hanoi, FLC Premier Parc…
Theo số liệu thống kê, tỉ lệ điều chỉnh quy hoạch cục bộ các dự án của TP.Hà Nội lên tới 70%. Trong đó phần lớn là cơi nới tầng, chia nhỏ diện tích căn hộ, giảm diện tích cây xanh hay bổ sung chức năng nhà ở theo đề xuất của chủ đầu tư.
Mới đây nhất, vào cuối tháng 1.2022, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn đã ký Quyết định số 426 về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu chức năng đô thị Golden Palace A tỉ lệ 1/500 tại lô đất ký hiệu KS-VP-NO dự án Tổ hợp Mỹ Đình Pearl, trên địa bàn phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm. Diện tích lô đất điều chỉnh quy hoạch là gần 3,8ha.
Theo chia sẻ của người dân tại khu vực này cho biết, quỹ đất trống lớn nên hiện nay có rất nhiều tổ hợp, chung cư đang được rao bán trên trục đường Lê Quang Đạo kéo dài, thu hút nhiều người dân quan tâm. Chỉ cách Khu Bộ Ngoại giao bán kính 500m, có nhiều môi giới đang rao bán căn hộ tại hai toà tháp đôi The Matrix One vừa mới hoàn thiện.
Cách đó không xa, tại khu đất “vàng” ở cửa ngõ phía Tây Hà Nội, dự án tổ hợp Mỹ Đình Pearl vừa được điều chỉnh quy hoạch, nâng tầng từ 28 tầng lên 38 tầng, đồng thời điều chỉnh chức năng từ “văn phòng” thành “thương mại dịch vụ, văn phòng kết hợp căn hộ” cũng khiến nhiều người dân quan tâm về chất lượng sống, lo ngại một đường “Lê Văn Lương thứ hai” sẽ tiếp diễn tại đây.
Bài học từ tuyến đường Lê Văn Lương
Trong khi đây là một tuyến đường thường xuyên phục vụ các sự kiện lớn do có Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, trụ sở Bộ Ngoại giao, Cung hữu nghị Việt – Trung… Bài học đắt giá từ việc xé nát quy hoạch trục đường Lê Văn Lương đặt ra yêu cầu kiểm soát, rà soát và cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch để trục đường Lê Quang Đạo không phải gánh chịu tình cảnh tương tự.
Những sai phạm trong quản lý quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu khiến tuyến đường huyết mạch hướng Tây Nam vào nội đô Hà Nội trở thành “điểm nóng” tắc đường thường trực của Thủ đô trong những khung giờ cao điểm.
Trên tuyến đường Lê Văn Lương dài hơn 2km này có tới 40 chung cư cao tầng dọc tuyến, độ cao trung bình từ 20 – 30 tầng. Có thể kể đến một số dự án có số lượng căn hộ khủng: 18T1 và 18T2 có 600 căn; Golden Palm có 450 căn hộ; Star City có 462 căn hộ; Hà Nội Center Point có 360 căn hộ… Một điểm đáng chú ý khác là các toà cao ốc mọc lên như “nấm” nhưng chủ yếu là văn phòng và nhà ở. Cả tuyến đường không có công viên hay hệ thống cây xanh.
Hệ lụy này khiến người dân lo ngại các tuyến đường khác đang được hoàn thiện như trục Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm) có thể gặp phải tình trạng tương tự.
Để tuyến đường Lê Quang Đạo không lặp lại bài học Lê Văn Lương, nhiều ý kiến cho rằng cần định hướng đây là trục đường phục vụ các sự kiện văn hóa thể thao và cần hạn chế tối đa mật độ chung cư cao ốc và không chạy theo lợi ích của nhà đầu tư.
Việc lập quy hoạch đô thị, dự án thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, gắn với kế hoạch phát triển dài hạn của chính quyền địa phương và chủ đầu tư. Thế nhưng, hiện nay tại nhiều địa phương và dự án, việc điều chỉnh quy hoạch diễn ra khá nhiều, thậm chí được điều chỉnh một cách tùy tiện…
Các chuyên gia cho rằng, tốc độ đô thị hóa nhanh khiến một thành phố bất kỳ phải liên tục điều chỉnh quy hoạch đô thị cho phù hợp, điều đó cho thấy công tác quy hoạch chưa thể hiện sự đi trước đón đầu, tầm nhìn xa trông rộng, gắn với kế hoạch phát triển dài hạn như ý nghĩa vốn có.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, với những quy hoạch đã tốt rồi không nên điều chỉnh. Nguyên tắc chung là hạn chế điều chỉnh, ưu tiên các tiện ích công cộng, cây xanh, môi trường thay vì chạy theo lợi nhuận của nhà đầu tư trong điều chỉnh quy hoạch.