“Miếng bánh” tín dụng còn chưa đầy 500.000 tỷ, thị trường bất động sản được hưởng lợi bao nhiêu?

Vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room), nhưng tỷ lệ nới room không lớn. Theo đó, khoảng 457.000 tỷ đồng sẽ được phân bổ về cho các ngân hàng. Vậy liệu thị trường bất động sản sẽ “có phần” như thế nào trong miếng bánh 457.000 tỷ này?

“Miếng bánh” tín dụng không còn nhiều

Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định với mục tiêu trần tăng trưởng tín dụng cả năm của hệ thống quanh mức 14%, nhà điều hành lần này thận trọng cấp thêm từ 1% đến 4% room tín dụng so với mức cũ, tuỳ từng ngân hàng. Theo tìm hiểu được biết có 15 ngân hàng được nới room tín dụng lần này.

Cụ thể, hạn mức tín dụng được cấp của một số ngân hàng nằm trong danh sách được nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lần này như sau: Sacombank (STB) 4%; HDBank 3,4%; MB (3,2%); OCB (3,1%); VIB (3%).

Vietcombank và Techcombank cùng được cấp thêm 2,7%. Một số ngân hàng khác cũng được nới room nhưng ở mức khiêm tốn hơn.

Như vậy, điều này tương đương với việc sẽ có khoảng 457.000 tỷ đồng sẽ được phân bổ về cho các ngân hàng, với mức dự báo hạn mức bổ sung sẽ vào khoảng 3-5%, tùy vào tình hình sức khỏe của từng ngân hàng.

Theo TS. Sử Ngọc Khương, việc siết chặt tín dụng nhằm giúp Nhà nước có cơ hội chọn lựa và ưu tiên những doanh nghiệp, dự án có dòng tiền tốt ở các lĩnh vực khác nhau, tùy vào thời điểm và tình hình kinh tế. Ngoài ra, động thái này sẽ hạn chế việc vay tín dụng xấu, gây khó khăn cho các ngân hàng.

“Thông báo điều chỉnh room tín dụng mới nhất của Ngân hàng Nhà nước là một động thái bẻ khóa tiền tệ tích cực, giúp trực tiếp bơm nguồn tiền vào nền kinh tế hậu Covid-19, từ đó tiếp sức cho các lĩnh vực và ngành nghề bao gồm dịch vụ, sản xuất, kinh doanh và bất động sản” - TS. Sử Ngọc Khương nói.

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ hồi phục và phát triển kinh tế mạnh nhất thế giới trong giai đoạn sau đại dịch, giúp quốc gia thu hút nhiều sự quan tâm và nguồn đầu tư nước ngoài. Sau khi Chính phủ mở lại các chuyến bay quốc tế từ tháng 10 năm 2021, các ngành kinh tế, đặc biệt là du lịch và khách sạn, đã được hưởng lợi lớn.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những vướng mắc về hành lang pháp lý trong nhiều dự án bất động sản ở Việt Nam, gây do dự cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong và ngoài nước, TS. Sử Ngọc Khương phân tích thêm.

Thị trường bất động sản có như “nắng hạn gặp mưa rào”?

Thực tế, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp khó khăn về nguồn vốn thì động thái mới từ Ngân hàng Nhà nước về room tín dụng là thông tin đáng chú ý. Nhiều khách hàng, doanh nghiệp trong trạng thái thấp thỏm chờ giải ngân từ phía ngân hàng.

Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn đánh giá dòng vốn từ tín dụng vẫn sẽ khó chảy vào bất động sản.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, động thái nới tín dụng của Ngân hàng Nhà nước chưa hẳn là tin vui vì hạn mức tín dụng này chỉ là con số còn lại trong mức trần 14% của năm 2022.

Chưa hết, ông Châu dự báo nguồn tiền sắp tới trên thị trường sẽ được luân chuyển từ ngành có nhiều rủi ro sang ít rủi ro. Mà bất động sản đang bị đánh giá rất thiếu tích cực, vì vậy các doanh nghiệp không nên quá kỳ vọng vào động thái nới room tín dụng.

"Nói thật, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2022 là con số đáng buồn chứ không vui, cần nới thêm 1-2% bởi các ngân hàng thương mại đã gần cạn room", ông Châu đề xuất thêm.

Trong khi đó, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế nhận định, trong thời gian qua các ngân hàng đã quá "dễ dãi" với bất động sản.

"Đến năm 2022, dù đã có động thái siết chặt, nhưng địa ốc vẫn nhận được nhiều vốn thông qua trái phiếu doanh nghiệp. Minh chứng là trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ của ngành này trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 280.641 tỷ đồng", ông Hiển đưa ra dẫn chứng.

 Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển.
 Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển.

Theo ông Hiển, các kết quả khảo sát cho thấy, vốn ngân hàng đang chiếm đến 70% giá trị vốn bất động sản. Với mô hình kinh doanh hiện nay, ngân hàng càng tăng tín dụng, doanh nghiệp địa ốc sẽ càng tăng thâm dụng vốn.

"Phải biết rằng, hơn 70% nhà đầu tư là lướt sóng, trong khi bất động sản khai thác chiếm tỷ lệ nhỏ. Do vậy khi giá chững lại thì thanh khoản giảm mạnh, ảnh hưởng tức thời tới dòng tiền thu hồi của ngân hàng.

Chưa kể, thời hạn quay vòng vốn trong lĩnh vực bất động sản rất dài, bình quân 10 năm, cao gấp 4 lần các ngành sản xuất kinh doanh khác. Về lâu dài, điều này sẽ gây bất ổn, vì vậy khả năng dòng vốn đổ vào nhà đất được nới rộng trong ngắn hạn là rất khó có thể xảy ra", ông Hiển phân tích.

Dưới góc độ là lãnh đạo doanh nghiệp, ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc Hải Phát Land cho hay, việc nới room tín dụng dù gián tiếp, nhưng cũng sẽ tác động rất tích cực đến dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản và tạo dư địa cho thị trường phục hồi, phát triển.

“Thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ ấm trở lại vào những tháng cuối năm, lúc dòng tín dụng khai thông, doanh nghiệp giải phóng được lượng hàng tồn kho”, ông Giang nhận định.

Bảo Châu

Theo Chất lượng và Cuộc sống