Ngân hàng Nhà nước nới thêm room tín dụng cũng vô nghĩa?
Theo các chuyên gia, khó khăn lớn nhất hiện nay là cùng lúc xử lý ba bài toán gồm ổn định vĩ mô, tỷ giá và cán cân thanh toán, an toàn hệ thống ngân hàng… Quan trọng nhất là không gây ra sự đổ vỡ ở thị trường bất động sản, ở hệ thống ngân hàng hay ở niềm tin thị trường và xã hội.
Ngân hàng cũng gặp khó trong đảm bảo an toàn vốn
Vấn đề khó khăn thanh khoản không chỉ xảy ra ở tình thế “khát vốn” của doanh nghiệp, mà ngành ngân hàng cũng đang rất khó khăn trong đảm bảo an toàn vốn. Theo các chuyên gia, cần tìm điểm cân bằng để làm sao có thể khó nhưng không khó quá, có thể tác động tiêu cực nhưng không tiêu cực quá.
Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư xả hàng, chiết khấu, giảm giá sản phẩm… nhằm mục đích bán được hàng, thu dòng vốn. Các chủ đầu tư tìm mọi cách để thu hút nguồn vốn từ khách hàng để duy trì hoạt động kinh doanh, trả lương bộ máy nhân sự trong bối cảnh cạn kiệt nguồn vốn hiện nay.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho hay, hiện ngành ngân hàng cũng đang rất khó khăn trong đảm bảo an toàn vốn.
Ông Hùng cho rằng, số liệu tín dụng 10 tháng đầu năm tăng trưởng 11,5% trong khi nguồn vốn chỉ tăng 4,8%, ngay cả khi NHNN có nới thêm room tín dụng thì ngân hàng thương mại cũng không đủ vốn để cho vay tiếp. Hiện nay, các ngân hàng đang rất khó khăn trong đảm bảo hệ số an toàn vốn. Tính chung cả ngành, dư nợ cho vay và tổng huy động gần như tương đương nhau.
Các tổ chức tín dụng dù đã tiết giảm chi phí hoạt động để lãi suất cho vay tăng chậm hơn lãi suất huy động nhưng ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp nên không thể hy sinh mãi được.
Còn theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cập nhật qua từng tháng, ở cân đối vốn hệ thống, tăng trưởng tín dụng luôn có tốc độ cao hơn tính bằng lần so với tốc độ tăng trưởng huy động vốn.
Ngoài ra, NHNN cũng cho biết, một trong những nguyên nhân khiến thanh khoản eo hẹp là do, một lượng tiền rất lớn hàng trăm ngàn tỷ đồng của ngân sách qua phát hành trái phiếu để thực hiện đầu tư công phục vụ Chương trình phục hồi và phát triển chưa chi được.
Do đó, để đảm bảo đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thời gian tới, buộc ngân hàng phải tăng mạnh lãi suất huy động đầu vào. Điều này, có thể sẽ ảnh hưởng tới việc hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.
Room tín dụng có ảnh hưởng tới sự công bằng giữa các doanh nghiệp
Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Đà Nẵng, cho biết liên quan đến room tín dụng của năm 2022, là một trong những công cụ điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Mục đích của room tín dụng là để khống chế và điều chỉnh lượng tín dụng phù hợp với sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Bởi nền kinh tế của Việt Nam hiện nay không thể nào để cho tín dụng tăng trưởng một cách ồ ạt.
Ngay từ đầu năm 2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra hạn mức tăng trưởng tín dụng của năm nay là 14% tính trên tổng thể hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trong đó, dư nợ của hệ thống ngân hàng là 11 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, nguồn vốn tín dụng của ngân hàng thương mại tập trung vào các doanh nghiệp bất động sản tương đối nhiều.
Theo ông Minh, đặc thù cho vay bất động sản là phải từ 12 tháng trở lên mới trụ được. Chính vì sự trên lệch kỳ hạn như vậy, các doanh nghiệp thương mại trở nên khó khăn. Qua đó, tôi đã có kiến nghị với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là kiên định lãi suất 14% cho năm 2022. Không có lý do gì để năng trần tín dụng của năm nay lên.
Bản thân các ngân hàng cũng có lỗi trong quá trình thực thi chính sách của mình khi cho vay lĩnh vực bất động sản ào ạt. Vì vậy, vốn liếng cho ngành thương mại không có. Quan điểm của Ngân hàng nhà nước là vốn liếng chỉ tập trung cho các lĩnh vực liên quan đến kinh doanh sản xuất là chính chứ không phải là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán hay kinh doanh ngoại tệ….
"Khơi thông" hàng trăm nghìn tỷ đầu tư công đang ứ đọng
Nói về áp lực thanh khoản đối với doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia phân tích, với Việt Nam có mấy đặc thù sau: Thứ nhất, trong những tháng đầu năm nay, do nhu cầu phục hồi kinh tế, tốc độ tăng tín dụng rất mạnh. Cả năm nay chúng ta định room tín dụng là khoảng 14% nhưng nếu so từng tháng của năm nay so với năm ngoái thì có những thời điểm tốc độ tăng room tín dụng đạt tới 17%. Những giai đoạn như vậy tổng cung tiền chỉ tăng 5-6% nhưng tín dụng tăng nhanh nên áp lực thanh khoản đối với không ít ngân hàng là rất khó khăn, đòi hỏi phải tăng lãi suất để huy động vào.
Thứ hai, mặc dù NHNN đã nhiều năm trì hoãn dần dần tỷ lệ huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn nhưng nhiều tháng đầu năm nay, tỷ lệ tín dụng cho vay lĩnh vực bất động sản (cả cho nhà đầu tư lẫn người tiêu dùng cá nhân vay để sửa chữa nhà hay là đầu tư thứ cấp) lại tăng nhanh hơn mức tăng trung bình của tín dụng.
Cho nên khi cho vay trung và dài hạn thì khoản vay có thể thu lại được theo thời gian lại giảm đi, chưa nói đến các vấn đề khó khăn, nợ xấu khi cho vay trung và dài hạn. Khi khoản cũ thu lại chậm thì cho vay cũng khó. Bởi vì nếu thu hồi được khoản cũ mà cho vay thì không ảnh hưởng gì đến room tín dụng. Đây cũng là một lý do khiến cho khó tiếp cận khoản vay.
Trong khi đó, muốn tiếp cận nguồn vốn lãi ưu đãi 2%, không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng đủ điều kiện. NHNN cho biết, sau hơn 4 tháng triển khai, gói hỗ trợ lãi suất 2% mới thực hiện được khoảng 20% trên tổng số 800.000 tỷ đồng dư nợ có thể cho vay trong năm 2022. Nhiều doanh nghiệp không được giải ngân vì không có tài sản thế chấp, trong khi ngân hàng kiên quyết không hạ chuẩn cho vay. Hộ kinh doanh dịch vụ thu nhập thấp, song không thể tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, vì lý do địa phương chưa quy định mức thu nhập bao nhiêu là thấp…
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia đưa ra giải pháp cần đẩy mạnh chi tiêu hàng trăm nghìn tỷ đang ứ đọng, nhất là đầu tư công. Theo ông Thành, những gói hỗ trợ không còn “hợp thời” phải linh hoạt chuyển tiền đó sang các lĩnh vực khác. Ví dụ, có thể dùng thêm tiền nguồn khác để hỗ trợ gói cho người lao động vay thuê nhà nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đang khó khăn đơn hàng để giữ chân người lao động.
Đối với thị trường vốn, cần minh bạch thông tin và các cam kết của nhà hoạch định chính sách, cam kết của Chính phủ phải rất rõ ràng.