Nhà chung sổ rủi ro nào cần tránh?

Mua nhà chung sổ là loại hình nhà đất giúp người dân có thể sở hữu nhà ở đáp ứng mong ước an cư, ổn định cuộc sống, loại hình này có giá rẻ phù hợp với phần lớn người lao động. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cần được lưu ý.

Nhà chung sổ rủi ro nào cần tránh? - Ảnh 1

Vì sao nhiều người lựa chọn nhà sổ chung?

Nhà sổ chung khi bán thường có hai trường hợp, thứ nhất nhà đã đủ điều kiện tách thửa nhưng khi bán chủ sở hữu chưa tách ra thành một cuốn sổ riêng biệt. Thứ hai là nhà đó không đủ điều kiện để tách thửa. Điều này cũng là lý do chủ yếu trả lời cho câu hỏi vì sao nhà sổ chung lại có giá rẻ như vậy, trở thành lựa chọn thích hợp cho người dân, người lao động có thu nhập trung bình, thấp.

Tại các thành phố lớn mật độ dân cư đông đúc, quỹ đất khan hiếm, giá nhà đất ngày càng tăng cao. Mua căn nhà phù hợp với nhu cầu cuộc sống và có sổ riêng là một thách thức không nhỏ cho nhiều người, do đó nếu còn chần chừ thì sẽ không biết được phải mất bao lâu mới có thể mua được nhà. Vậy nên, nhà sổ chung đã mở ra nhiều cơ hội cho những gia đình không đủ tài chính hoặc người lao động ở các tỉnh thành khác lên thành phố lớn lập nghiệp.

Nhiều ngôi nhà sẽ được xây dựng chung trên một miếng đất nên việc chủ nhà lật kèo, cướp đất hay mất cọc sẽ không thể xảy ra khi hay bên đã hoàn thành giao dịch.

Mặc dù vậy, nhà sổ chung nhưng vẫn được công nhận quyền sở hữu theo đúng quy định của pháp luật vẫn có thể mua bán, chuyển nhượng và sang tên. Vì thế, tính an toàn cao hơn nhiều so với mua nhà thỏa thuận bằng giấy tay, khi xảy ra tranh chấp sẽ không được nhà nước công nhận hay pháp luật bảo vệ.

Nhà sổ chung nhưng vẫn được công nhận quyền sở hữu  
Nhà sổ chung nhưng vẫn được công nhận quyền sở hữu  

Cân nhắc những rủi ro xảy ra

Cùng một mảnh đất nhưng lại có nhiều hộ gia đình sở hữu, sử dụng thì việc tranh chấp, tranh cãi khó có thể không xảy ra. Ngoài ra còn có rất nhiều rủi ro mà người mua có thể gặp phải.

Rủi ro đầu tiên và cũng là vướng mắt của rất nhiều người chính là vấn đề không thể tách sổ. Không ít người khi quyết định “xuống tiền” nghĩ rằng sau này có thể tách sổ nhưng trên thực tế việc tách sổ riêng gặp rất nhiều khó khăn, không phải ai cũng có thể thuận lợi tách sổ vì cần có sự đồng ý và chấp thuận của những chủ sở hữu khác, nếu diện tích đất quá nhỏ thì càng không được phép. Thủ tục giấy tờ phiền phức, gây khó khăn, nhiều người không tìm được tiếng nói chung với các chủ sở hữu khác nên đành chấp nhận mất tiền. Tách sổ mất rất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến nguồn vốn của chủ đầu tư.

Không chỉ cần cái “gật đầu” của các chủ sở hữu chung khác mà khi chuyển nhượng phải nhận được giấy ủy quyền đồng ý của người đã bán để ký hợp đồng, hoàn thành thủ tục chuyển nhượng. Hơn nữa, cũng sẽ gặp khó khăn hơn khi muốn thế chấp ngân hàng dù về lý thuyết, nhà sổ chung vẫn có thể dùng để vay vốn ngân hàng nhưng trên thực tế để hoàn thành thủ tục khá rắc rối vì cần có chữ ký đồng thuận của tất cả chủ sở hữu và không phải ngân hàng nào cũng chấp nhận sổ chung.

Đã có không ít những vụ lừa đảo sử dụng sổ chung tạo niềm tin cho nười mua hứa hẹn sau khi nhận được đủ tiền sẽ hoàn thành tách thửa. Ngoài ra những giấy tờ khi chuyển nhượng, hầu hết đều là giấy tờ và hợp đồng viết tay, sẽ không có hiệu lực pháp lý khi xảy ra tranh chấp, người mua sẽ là người chịu thiệt. Sổ chung là tài sản chung được nhiều người sử dụng nên dễ xảy ra tranh chấp, xung đột chẳng hạn như việc tranh chấp tường chung thường xuyên xảy ra.

Những ngôi nhà chung sổ thường có chất lượng thi công không được tốt sử dụng vật liệu giá rẻ không làm móng kết cấu xây dựng khó đảm báo. Do đó, nhà ở nhanh chóng xuống cấp chỉ trong thời gian ngắn khó có thể bán lại khi không còn nhu cầu ở.

Làm thế nào để hạn chế rủi ro?

Trước khi quyết định mua nhà cần tìm hiểu kỹ thông tin những người đồng sở hữu, kiểm tra các giấy tờ chứng minh được quyền sở hữu của người bán và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Khi giao dịch mua bán cần đến văn phòng công chứng để có thể lập văn bản xác nhận bàn giao nhận tiền và bàn giao nhà, ghi đủ thông tin nhà bán rõ ràng như diện tích, hiện trạng… Thỏa thuận minh bạch, chắc chắn vấn dề sở hữu chung và riêng, xác định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của các chủ sở hữu chung trong quá trình sử dụng tài sản. Đối với trường hợp không thể tách thửa, bên mua nên yêu cầu chuyển nhượng một phần để cùng đứng tên chung sổ.

Nhà sổ chung là loại hình nhà đất tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần cẩn trọng và tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi quyết định “xuống tiền” mua nhà.

Nguyễn Ngọc

Theo Kinh doanh & Phát triển