Nhà ở thấp tầng: Tỷ lệ hấp thụ thấp nhất 5 năm qua
Sự thận trọng của người mua trong thời kỳ đại dịch, nguồn cung mới hạn chế cùng hàng tồn kho giá cao đã khiến số lượng giao dịch nhà ở thấp tầng sụt giảm mạnh. Điểm sáng của thị trường hiện nằm ở nguồn cung tương lai dồi dào.
Thị trường ghi nhận tồn kho giá cao
Mặc dù đã có những hoạt động khá tốt trong 6 tháng đầu năm nhưng làn sóng Covid lần thứ 4 và các quy định về giãn cách xã hội toàn thành phố suốt hai tháng của quý 3/2021 đã ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn cung biệt thự và nhà liền kề tại Hà Nội.
Nguồn cung mới hạn chế đến từ các hoạt động mở bán bị trì hoãn và vấn đề pháp lý của một số dự án chưa được giải quyết. Hơn 300 dự án “treo” rải rác khắp các địa bàn quận, huyện của Hà Nội. Chính quyền đang nhanh chóng tìm các giải pháp cũng như hướng dẫn chủ đầu tư giải quyết những vướng mắc để sớm đưa dự án vào khai thác hoặc kiên quyết thu hồi đất không đưa vào sử dụng.
Về mặt bằng giá, mặc dù hầu hết các chủ đầu tư đều không thay đổi bảng giá, giá sơ cấp trung bình vẫn tăng đáng kể do không có nguồn cung mới cùng giá chào bán thấp tại các quận/huyện nằm ngoài trung tâm. Giá sơ cấp trung bình nhà liền kề đạt 5.541 USD/m2, tăng 7% theo quý; giá nhà phố đạt mức 9.193 USD/m2 tăng 13% theo quý. Thị trường đồng thời ghi nhận tồn kho giá cao, giá trung bình của các căn đã bán thấp hơn khoảng 15% so với giá trung bình của hàng tồn kho. Sự thận trọng của người mua trong thời kỳ đại dịch, nguồn cung mới hạn chế cùng hàng tồn kho giá cao đã khiến lượng giao dịch sụt giảm mạnh.
Triển vọng hứa hẹn
Trong thời gian vừa qua, giãn cách xã hội đã hạn chế hầu hết các hoạt động, bao gồm cả hoạt động xây dựng. Việc trì hoãn thi công đã khiến một số dự án phải lùi thời gian ra mắt đến năm 2022. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là kể từ 21/9, các công trình xây dựng đã được phép hoạt động trở lại.
Từ nay tới cuối năm, dự kiến thị trường Hà Nội sẽ đón nhận khoảng 650 căn từ sáu dự án, chủ yếu ở huyện Hoài Đức và quận Từ Liêm. Ngoài ra, khoảng 4.000 căn sẽ được tung bán vào năm 2022, với khu vực phía Tây chiếm 65% thị phần. Đối với thị trường nhà ở thấp tầng tại Hà Nội trong quý cuối năm, nguồn cung cùng lượng giao dịch dự kiến sẽ được hồi phục. Trong khi đó, giá bán dự kiến không có nhiều sự thay đổi do thị trường cũng đã tăng trưởng khá mạnh trong thời gian đầu năm.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội đánh giá, sau một quý gián đoạn bởi giãn cách xã hội, thị trường biệt thự/liền kề tại Hà Nội dự kiến sẽ nhanh chóng hồi phục nhờ nguồn cầu mạnh mẽ và nguồn cung lớn trong tương lai. Đặc biệt, lãi suất tiết kiệm giảm, lượng tiền gửi ngân hàng thấp kỷ lục cùng lãi suất cho vay mua nhà ở mức thấp nhất trong vòng 15 năm trở lại đây được cho là một phần nguyên nhân khiến dòng tiền chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác trong đó có bất động sản. Một số dự án còn đưa ra ưu đãi với các gói vay 0% trong một khoảng thời gian nhất định. Đây là cơ hội đối với những người có nhu cầu mua nhà để ở. Việc giảm lãi suất vay cũng là cơ hội để kích thích thị trường, cho phép nhiều người dân có thể có cơ hội mua và sở hữu nhà hơn. Bất động sản vẫn là kênh đầu tư được lựa chọn. Tuy nhiên người mua cần cân nhắc phân khúc đầu tư cũng như vị trí bất động sản phù hợp với khả năng tài chính của mình, không nên đầu tư kiểu đánh cược.
Trên thực tế, nguồn cầu sẵn có cho bất động sản nhà ở tại Hà Nội là rất lớn, được thúc đẩy bởi các yếu tố như sự tăng trưởng trong vốn sở hữu cá nhân, quá trình đô thị hoá nhanh chóng cũng như sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho khả năng tiếp cận nhiều khu vực của thành phố.
Trong thời gian tới, đầu tư công sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Tính đến ngày 31 tháng 8, tỷ lệ giải ngân của Hà Nội chỉ đạt 25%, thấp hơn so với mục tiêu được đặt ra là 31%. Do đó, chính phủ đã kêu gọi các địa phương ưu tiên giải ngân đầu tư công trong thời gian còn lại của 2021. Với nguồn cung tương lai dồi dào cùng nguồn cầu mạnh, thị trường hứa hẹn phục hồi nhanh chóng và mức giao dịch trở lại như trước đại dịch.