Nhà phố trung tâm TP.HCM đồng loạt lên giá

Ninh DươngTừ tháng 6 trở lại đây, phân khúc nhà phố trung tâm TP. HCM dù chưa hết khó khăn nhưng giá có dấu hiệu tăng và neo ở mức cao.

Vừa ấm thanh khoản đã rục rịch tăng giá

Chị Bùi Anh Mai, môi giới nhà đất thổ cư tại quận Bình Thạnh (TP. HCM) chia sẻ, bắt đầu từ cuối tháng 2 đến tháng 5, các giao dịch mua bán loại hình này trên địa bàn TP. HCM ấm dần lên, thị trường rục rịch có thanh khoản trở lại. Dù vậy, ngay từ tháng 6, tại nhiều căn nhà riêng khu vực quận 3, Bình Thạnh, Tân Bình và Phú Nhuận, chủ nhà đã vội vàng điều chỉnh giá bán tăng.

Chị Mai dẫn chứng tại khu vực phường 17, quận Bình Thạnh, một số căn nhà riêng trong hẻm xe hơi đi lọt diện tích 60m2 – 80m2 hồi tháng 5 còn bán giá 12 - 14 tỷ đồng, nay chủ nhà đã đồng loạt tăng thêm 2 - 3 tỷ đồng/căn. Một số căn nhà khác trong hẻm chỉ xe máy đi lọt diện tích rộng 40 - 60m2 cũng được chủ nhà tăng giá từ 4 -5 tỷ đồng/căn lên 6 - 8 tỷ đồng/căn.

Anh Bình, môi giới bất động sản khu vực các quận Gò Vấp, quận 12 (TP. HCM) cũng cho hay, nhiều căn nhà riêng, nhà phố khu vực này có động thái điều chỉnh giá bán khi người dân nghe ngóng TP. HCM sẽ áp dụng bảng giá đất cụ thể, với dự kiến giá đất sẽ được điều chỉnh tăng 5 - 30 lần, cá biệt lên đến 50 lần ở một số quận/huyện trên địa bàn so với hiện tại.

“Điều này đã tác động mạnh đến tâm lý của nhiều chủ nhà. Trên khu vực An Phú Đông (quận 12), hồi tháng 4/2024 các căn nhà riêng diện tích 45 - 70m2 có giá dao động 3,2 - 5 tỷ đồng, hiện tại đã nhích thêm 300 - 800 triệu đồng/căn”, anh Bình nói.

Đại diện một sàn môi giới nhà trung tâm khu vực TP. Thủ Đức cũng chia sẻ, một vài lô nhà đất liền kề ở quận 9 (cũ) mà đơn vị này nhận ký gửi đang tạm dừng bán vì chủ nhà muốn tăng giá thêm cả tỷ đồng thay cho mức giá đã thỏa thuận với sàn giao dịch từ tháng 6/2024.

Dự thảo bảng giá đất điều chỉnh tại TP.HCM cho thấy giá đất tại nhiều nơi có xu hướng tăng trung bình 5 - 10 lần. (Ảnh minh họa)  
Dự thảo bảng giá đất điều chỉnh tại TP.HCM cho thấy giá đất tại nhiều nơi có xu hướng tăng trung bình 5 - 10 lần. (Ảnh minh họa)  

“Khoảng 2 tháng gần đây, việc chốt giao dịch rất khó khăn. Có vài căn nhà, khách đã xem và ‘chốt kèo’ với giá rao bán chỉ 5 tỷ đồng, đợi qua tháng 7 âm lịch là đi cọc tiền. Nhưng trung tuần tháng vừa rồi, chủ nhà đột ngột thay đổi giá nên chúng tôi cũng đành chào thua, dù kết nối chủ nhà và người mua mất rất nhiều thời gian”, vị này cho biết.

Tìm hiểu tại khu vực huyện Bình Chánh, theo nhiều môi giới, nhà đất thổ cư tại đây bắt đầu “tan băng” giao dịch vào tháng 2/2024 và tới tháng 5/2025 thị trường ấm hẳn lên. Vậy mà từ tháng 6 tới nay, tuy giao dịch chưa tăng nhiều nhưng chủ nhà đã vội vàng tăng giá. Mức tăng không mạnh nhưng cũng đủ khiến nhiều giao dịch tưởng chừng đã xong lại “bể kèo” do người mua “khó chịu”. “Hiện nay, môi giới đang rất mệt mỏi vì khách hàng xem nhiều, mua ít, thậm chí hầu như không mua, chưa biết bao giờ tình cảnh này mới chấm dứt”, một môi giới nói.

Người mua trả giá “gãy lưỡi”

Chị Vũ Thu Hà, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội mới chuyển công tác vào TP. HCM tìm mua nhà ở khu vực quận Bình Thạnh, chia sẻ: “Người bán hét giá một căn nhà trong hẻm xe hơi đi lọt phường 15 có diện tích chỉ 60m2, xây 3 tầng đã cũ, tới 10 tỷ đồng/căn. Tôi trả 8 tỷ đồng ‘tiền tươi thóc thật’ nhưng họ chê không biết định giá đất theo bảng giá mới, chối ‘đây đẩy’ không bán”.

Chị Hà cho hay, thực tế, khi đi tìm hiểu, chị biết những căn nhà chị định mua cũng đã rao bán cả năm nay mà không chốt được giao dịch. Nhưng người bán lo ngại thị trường biến động, không hiểu hết thông tin bảng giá đất mới tiệm cận với giá thị trường của TP. HCM ra sao, cứ đồn thổi nhau khó biết thực hư nên toàn nói thách.

Còn anh Vũ Hoàng, là một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư tài chính, trú tại quận 1, TP. HCM đang tìm mua nhà phố cho bố mẹ cho hay: “Có những căn nhà mặt tiền vị trí tốt ở quận 3, diện tích chỉ 40m2 xây 4 lầu, người bán hét giá trên trời tới 23 tỷ đồng mỗi căn. Tôi trả 19 tỷ đồng và đã giải thích cả tuần là do rất cần mới trả như vậy, chứ thật sự chỉ 17 tỷ đồng thôi. Tôi mua chẳng qua là vì nhà sát bên chứ xa là tôi không thèm rồi. Nhưng sau đó, chủ nhà nhất quyết đòi 22 tỷ đồng mới bán và nói sẽ tăng giá chung".

Theo anh Vũ Hoàng, phải làm sao để giảm giá đất thị trường xuống sát với bảng giá mới, chứ để bảng giá đất chạy theo giá thị trường thì sẽ kéo theo nhiều bất ổn. “Luật Đất đai mới mang theo nhiều kỳ vọng của tôi về việc sẽ giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc trong giải quyết đất đai và giúp giá nhà đất ổn định. Tuy nhiên, mới đây, dự thảo bảng giá đất điều chỉnh mới được công bố cho thấy giá đất tại nhiều địa bàn có xu hướng tăng trung bình 5 - 10 lần, một số địa phương thuộc khu vực ngoại thành và vùng ven TP. HCM dự kiến điều chỉnh tăng đột biến 15 - 50 lần so với hiện tại (chưa nhân hệ số K), để về sát với giá thị trường, khiến thị trường thực sự khó ổn định”, anh Hoàng chia sẻ.

Còn theo chị Hạnh Ngân, một nhà đầu tư địa ốc cá nhân lâu năm tại TP. HCM, thị trường bất động sản phân khúc nhà đất thổ cư tại các quận trung tâm sẽ rất khó thanh khoản nếu giữ mức giá cao như hiện nay hoặc tiếp tục tăng giá do tâm lý của người bán. Nguyên nhân là phân khúc này đang phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đó là số lượng các công ty, cửa hàng trả lại mặt bằng tăng nhanh.

“Giao dịch bất động sản phân khúc này vẫn rơi vào nhóm người mua ở thực, giá cả hợp lý. Người mua chưa mạnh dạn dùng đòn bẩy tài chính và phần lớn sức mua đến từ nhóm khách hàng có dòng tiền tích lũy nhàn rỗi tham gia bắt đáy. Xu hướng đầu tư chưa trở lại nên việc vội vàng tăng giá lúc này có thể khiến giao dịch chịu ảnh hưởng”, bà Ngân nói.

Theo bà Ngân, diễn biến thị trường trong năm tới cũng khó đoán định do doanh nghiệp tại khu vực phía Nam kinh doanh vẫn khó khăn, cần lưu tâm đến khả năng hấp thụ và yếu tố tài chính của người mua nhà. Chủ nhà không nên “đẩy” giá nhà đất lên cao, tránh rủi ro khi thị trường vẫn còn trong giai đoạn chớm hồi phục.

Ninh Dương

Theo VietnamFinance