Nhận diện dòng tiền hàng tỷ USD từ nước ngoài âm thầm đổ vào BĐS mỗi năm
Với các quy định thông thoáng hơn về sở hữu nhà ở đối với Việt kiều, lượng kiều hồi ước tính hàng tỷ USD mỗi năm được kỳ vọng sẽ là trợ lực cho thị trường bất động sản thời gian tới. Đặc biệt trong bối cảnh áp lực dòng tiền vẫn chưa vơi với doanh nghiệp bất động sản nói riêng và thị trường bất động sản nói chung.
Lượng kiều hối “đổ” về Việt Nam gần 30 năm qua hơn 190 tỷ USD
Luật Đất đai năm 2024 dự kiến có hiệu lực từ 1/7/2024 có nhiều điểm mới, trong đó đáng chú ý là mở rộng quyền sử dụng đất đối với Việt kiều.
Cụ thể, Khoản 3 và Khoản 6, Điều 4 về “Người sử dụng đất” quy định người sử dụng đất được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được nhà nước cấp giấy chứng nhận bao gồm: cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Như vậy, theo quy định mới của Luật Đất đai, Việt kiều là “người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam” và “người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài” sẽ được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi đủ điều kiện.
Trước đó, theo Luật Đất đai hiện hành, người Việt Nam ở nước ngoài muốn đầu tư trở lại trong nước phải nhờ người thân hoặc họ hàng đứng tên hộ. Hệ lụy là các tranh chấp không đáng có, cùng nhiều rủi ro trong quá trình đầu tư. Đây cũng là nguyên nhân gây lên tấm lý e ngại, chưa sẵn sàng “xuống tiền” của Việt kiều.
Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng 6 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Và có khoảng 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, theo Thống kê từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Lượng kiều hối về Việt Nam trong 10 năm trở lại đây duy trì vị trí trong top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới và trong top 3 khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Lũy kế từ năm 1993 đến hết 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng lượng vốn FDI giải ngân trong cùng kỳ.
Riêng năm 2023, lượng kiều hối chảy về cả nước ước đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm trước, theo thống kê của Ủy ban Nhà nước. Trong đó, ước tính mỗi năm có tới 25% lượng kiều hối được gửi gắm vào thị trường địa ốc.
Ước tính hàng tỷ USD kiều hối mỗi năm đổ về là trợ lực cho BĐS
Đại diện VARS cho rằng sự đổi mới của Luật Đất đai, cho phép Việt kiều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quan điểm phù hợp với xu hướng quốc tế, mang tính tích cực. Lượng kiều hối, ước tính hàng tỷ USD mỗi năm và đang được chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều, sẽ là trợ lực cho thị trường bất động sản thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp địa ốc đang “khát vốn”.
Theo VARS, trong dài hạn, dòng kiều hối sẽ là nguồn cầu mạnh mẽ giúp thị trường bất động sản phát triển. Dòng vốn này sẽ hướng tới sản phẩm căn hộ ở khu vực trung tâm và lân cận, có thể khai thác vận hành cho thuê. Chủ yếu phục vụ mục đích đầu tư trước sức hút tiềm năng đầu tư bất động sản tại Việt Nam. Bên cạnh đó, việc giá nhà ở một số quốc gia đã quá cao hay việc siết các quy định nhập cư ở một số nước… cũng sẽ khiến nhu cầu sở hữu nhà nảy sinh tại Việt Nam.
Thứ hai, là các biệt thự cao cấp tại các thành phố lớn cho nhu cầu để ở và các sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng với các tiện ích đa dạng để nghỉ dưỡng, cho thuê hoặc cả hai khi số lượng kiều bào có nhu cầu quay trở về Việt Nam dưỡng già khi nghỉ hưu là rất lớn. Các sản phẩm được đánh giá là thanh khoản khó, kén khách này là phân khúc ưa thích, phù hợp với khả năng chi trả của Việt kiều.
Do đó, để kéo lực cầu này về, các cơ quan quản lý nhà nước, VARS cho rằng ngoài việc thúc đẩy Luật Đất đai mới sớm có hiệu lực, cần tiếp tục đầu tư cải thiện hạ tầng giao thông, viễn thông và các dịch vụ công cộng khác để tăng tính cạnh tranh của thị trường bất động sản và thu hút người Việt kiều.
Bên cạnh đó, thiết lập các chính sách thuế ưu đãi như giảm thuế hoặc miễn thuế đối với người Việt kiều đầu tư vào bất động sản, đặc biệt là đối với những dự án có quy mô lớn hoặc mang lại lợi ích cho cộng đồng. Đảm bảo, hệ thống thông tin, pháp luật liên quan đến bất động sản minh bạch, dễ hiểu và bảo vệ quyền lợi của người đầu tư, bao gồm cả người Việt kiều. Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về khuyến khích kiều hối để hình thành quỹ kiều hối bất động sản.
Đối với các doanh nghiệp bất động sản, Hội Môi giới kiến nghị cần tiếp tục nỗ lực, nghiên cứu, xây dựng các dự án bất động sản đạt tiêu chuẩn cao về thiết kế, chất lượng xây dựng và tiện ích phục vụ cả nhu cầu sống lẫn đầu tư của người Việt Kiều. Phác thảo rõ chân dung khách hàng, sử dụng các kênh truyền thông đa dạng để quảng bá về dự án bất động sản, bao gồm website, mạng xã hội, quảng cáo trực tuyến, và sự kiện offline.
Bên cạnh đó, cung cấp hỗ trợ cho người Việt kiều trong các thủ tục pháp lý, thuế và các vấn đề liên quan đến việc mua bán, cho thuê bất động sản. Ngoài ra, cần tìm kiếm, hợp tác với các đại lý bất động sản và môi giới có uy tín trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài để tìm kiếm và giới thiệu khách hàng tiềm năng. Đặc biệt là cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sau bán hàng như quản lý tài sản, bảo dưỡng và sửa chữa, giúp người Việt kiều cảm thấy an tâm và hài lòng về đầu tư của mình.