Nhiều doanh nghiệp báo lãi đậm, thị trường BĐS sắp “đảo chiều”?
Bất chấp thị trường bất động sản (BĐS) còn nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn báo lãi hàng trăm tỷ. Đây có thể được coi là tín hiệu đáng mừng cho tín hiệu “đảo chiều” sắp tới của thị trường.
Doanh nghiệp BĐS báo lãi trăm tỷ
Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS đã công bố Báo cáo tài chính quý III/2023. Theo đó, mặc dù thị trường còn đang gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên không ít doanh nghiệp trong ngành đồng loạt báo lãi.
Lấy đơn cử như Công ty CP Đầu tư Nam Long (mã CK: NLG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023, với các chỉ số kinh doanh tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý III/2023 của NLG đạt gần 71 tỷ đồng, tăng hơn 39% so với cùng kỳ, chủ yếu do tăng phần lãi nhận từ công ty liên doanh Mizuki so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, phần lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt hơn 66,3 tỷ đồng, gấp 8,3 lần cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng năm 2023, Nam Long đạt 1.546 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 43% so với cùng kỳ. Nhưng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ vẫn đạt gần 194 tỷ đồng, tăng 63% cùng kỳ năm trước.
Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (mã CK: NDN) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý III với doanh thu đạt 56,18 tỷ đồng, tăng 49,61 lần so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận ở mức 27,58 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước bị lỗ 28,77 tỷ đồng.
Theo Nhà Đà Nẵng giải trình, mức tăng đột biến của lợi nhuận trong quý vừa qua là do công ty tiếp tục ghi nhận doanh thu từ hoạt động chuyển nhượng căn hộ dự án Monarchy B tại Đà Nẵng.
Lũy kế trong 9 tháng năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu đạt 368,75 tỷ đồng, gấp 153,9 lần so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 195 tỉ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 123,99 tỉ đồng.
Đáng chú ý, tính tới 30/9, Nhà Đà Nẵng có khoản đầu tư chứng khoán với các mã của các doanh nghiệp như Hoá chất Đức Giang (DGC), Hoà Phát (HPG), Điện Gia Lai (GEG), Thế giới di động (MWG), Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (STB),… Tiền gốc đầu kỳ là hơn 466 tỷ đồng. Trong đó khoản đầu tư vào HPG, DGC và MWG đang có lãi.
Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn BGI (mã CK: VC7) đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2023 với mức lãi gấp 22 lần cùng kỳ.
Cụ thể, quý vừa qua, BGI ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 81,9 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,3% so với mức 80 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp BĐS này đạt mức 22,2 tỷ đồng, gấp hơn 22 lần so với hơn 1 tỷ đồng cùng kỳ quý năm 2022. Theo giải trình của doanh nghiệp, lợi nhuận tăng do doanh thu bán hàng, lợi nhuận gộp tăng, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp thấp hơn cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng năm 2023, BGI đạt lợi nhuận sau thuế ở mức 29 tỷ đồng, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm 2022.
Thời điểm thị trường BĐS “đảo chiều”
Có thể thấy, làn sóng báo lãi của các doanh nghiệp BĐS diễn ra trong bối cảnh thị trường BĐS vẫn đang chìm trong khó khăn. Tuy nhiên, đặc thù của ngành BĐS chỉ khi bàn giao nhà, nền đất, sản phẩm mới được phép ghi nhận doanh thu. Đó cũng là lý do vì sao thị trường BĐS còn trầm lắng nhưng các doanh nghiệp BĐS vẫn báo doanh thu và lợi nhuận tăng.
Nhận định về diễn biến của thị trường BĐS trong thời gian tới, nhiều chuyên gia dự báo, thời điểm xuất hiện tín hiệu đảo chiều của thị trường BĐS sẽ diễn ra vào khoảng quý IV/2023 hoặc muộn hơn là quý II/2024 tùy theo các điều kiện.
Theo kết quả khảo sát về mức độ tác động của các cơ chế, chính sách, khảo sát của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) thì các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực BĐS bắt đầu xuất hiện những tín hiệu tích cực. Nhiều doanh nghiệp đã thành công trong việc tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, và bắt đầu triển khai các dự án mới đã được tháo gỡ về pháp lý và nguồn vốn.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như việc gặp khó khăn về giao dịch, tiếp đến là khó khăn về pháp lý đất đai, và vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng áp lực thanh toán nợ trái phiếu đến hạn.
Theo TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, nhận định từ quý IV/2023, những tín hiệu phục hồi của thị trường BĐS sẽ xuất hiện rõ nét hơn. Bởi vừa qua, các chính sách pháp lý liên quan đến BĐS như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS được thông qua đã giúp hoàn thiện hành lang pháp lý, đưa thị trường BĐS vào giai đoạn mới.
Tuy nhiên, chính sách gỡ vướng của Chính phủ khi đưa ra thị trường sẽ có độ trễ nhất định. Cần một khoảng thời gian để những chính sách có thể “ngấm” vào thị trường và phát huy tác dụng. Và cuối năm 2023 chính là thời điểm phù hợp để chính sách phát huy hiệu quả.
Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam cũng đang đón nhận nhiều tín hiệu sáng như lạm phát, tỷ giá và lãi suất đều được kiểm soát khá tốt. Những tín hiệu này sẽ có tác động tích cực đến thị trường BĐS.
Cũng theo dự báo của Savills Việt Nam, cuối năm 2023 thị trường sẽ có những chuyển biến tích cực hơn bởi ngân hàng đã hạ nhiệt lãi suất, các chính sách tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn từ Chính phủ đang dần phát huy. Dự báo từ quý IV/2023, đà phục hồi của thị trường sẽ rõ nét hơn.
Ngoài ra, lãi suất giảm tỉ lệ cho vay trên giá trị đang thay đổi. Người mua đủ điều kiện lựa chọn chủ đầu tư mạnh hơn để linh hoạt như áp dụng lãi suất cố định kéo dài để giúp người mua hạn chế rủi ro lãi suất. Tuy nhiên, thị trường cần khoảng thời gian hồi phục niềm tin, sức khoẻ của chính các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như bức tranh kinh tế chung sáng màu để sôi động trở lại.