Nhiều doanh nghiệp BĐS vẫn “âm thầm” triển khai dự án
Trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp vật lộn trong nợ trái phiếu và nợ ngân hàng thì một số khác lại âm thầm khởi động dự án mới.
Doanh nghiệp BĐS còn nhiều khó khăn
Theo khảo sát của Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARS) với 500 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực BĐS nhằm đánh giá những tác động về cơ chế, chính sách đối với thị trường BĐS trong thời gian qua cho thấy, các DN thuộc lĩnh vực BĐS tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, 50% DN cho biết họ gặp khó khăn lớn nhất về giao dịch, tiếp đến là khó khăn về pháp lý đất đai; vốn, thị trường trái phiếu, tín dụng với lần lượt 21%, 22%.
VARS cho rằng, số lượng DN BĐS giải thể tiếp tục xu hướng tăng là minh chứng rõ nhất về việc các DN hoạt động trong lĩnh vực BĐS vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Theo khảo sát thực tế, bước sang quý III/2023 một số DN đã trở lại với kế hoạch bán hàng, chuẩn bị cho dự án mới; một số DN cũng chào sản phẩm mới ra thị trường nhằm thăm dò mức độ quan tâm của người mua. Tuy nhiên, thực tế lượng khách giao dịch là không nhiều, chủ yếu là đi tham quan. Đặc biệt, người mua lo ngại pháp lý dự án thiếu minh bạch nên không muốn mua hoặc đầu tư ở thời điểm hiện tại.
Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã thể hiện quyết tâm của mình trong việc gỡ vướng, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Chưa bao giờ các chính sách về pháp lý và dự án BĐS được ban hành quyết liệt và dồn dập như hiện nay. Hàng loạt các cuộc họp cấp Trung ương được tổ chức. Toàn bộ cơ quan quản lý các cấp, cả hệ thống ngân hàng đều vào cuộc.
Nhiều địa phương đã có những kết quả hết sức tích cực trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án BĐS, chỉ tính riêng tại Hà Nội và TP.HCM, gần 500 dự án đã được chỉ đạo và giải quyết tháo gỡ vướng mắc.
Thị trường đã có những tín hiệu tích cực hơn là nhờ vào sự chung tay của các bộ, ngành và các DN BĐS. Đặc biệt là nhờ vào công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ thông qua những chính sách then chốt, có tác động mạnh mẽ đến hoạt động của thị trường BĐS. Tuy nhiên, từ cơ chế, chính sách đến hiệu quả thực thi vẫn là một vấn đề rất nan giải.
Theo VARS nhận định, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án BĐS còn nhiều hạn chế do: các khó khăn, vướng mắc đã tồn tại từ lâu. Sức khỏe của các DN BĐS đã suy yếu; tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến đùn đẩy, né tránh, giải quyết chậm, không dám đề xuất, không dám quyết định của một số cán bộ tại một số địa phương.
Theo phản ánh của nhiều DN BĐS, doanh nghiệp chưa thể có được dòng tiền để hoạt động sau những cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, nhóm ngành bất động sản xếp ở vị trí thứ 2 trong tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 7 tháng đầu năm với 26.055 tỉ đồng (chiếm 33%).
Nhiều doanh nghiệp cũng đã thỏa thuận với chủ sở hữu trái phiếu để gia hạn thời hạn trả nợ thành công. Thế nhưng, phía trước vẫn còn đó những khó khăn. Việc gia hạn thời gian trả nợ chỉ giúp doanh nghiệp có thêm thời gian để ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh. Về việc tái cơ cấu lại nợ của doanh nghiệp, chỉ cơ bản là chuyển nợ sang thời điểm khác.
Đáng chú ý, tháng 9/2023 là đợt đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất trong năm nay với mức 41.000 tỷ đồng. Mặt khác, số lượng doanh nghiệp chậm thanh toán vẫn tăng lên từng ngày. Có 67 doanh nghiệp tính đến ngày 24/8 đã chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp.
Nhiều chủ đầu tư vẫn âm thầm xuất quân
Trong bối cảnh nhiều DN BĐS còn đang vật lộn với nỗi lo dòng tiền thì cũng có không ít DN vẫn “âm thầm” ăn thêm quỹ đất, mở rộng đầu tư cũng như triển khai các dự án mới nhằm tạo ra dòng tiền.
Đơn cử như mới đây, Vinhomes đã được UBND TP Hải Phòng quyết định chấp thuận là nhà đầu tư dự án khu đô thị mới tại quận Dương Kinh và huyện Kiến Thụy. Dự án có tổng diện tích gần 241ha gồm chung cư cao tầng, nhà ở xã hội, liền kề, biệt thự. Ngoài dự án khu đô thị này với vốn đầu tư gần 1 tỷ USD, ông lớn bất động sản này cũng còn đang “ngắm” tới các dự án khu đô thị tại Long An, Khánh Hòa,Tuyên Quang.
Trước đó, hồi tháng 6/2023, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã công nhận liên danh do Vinhomes đứng đầu là nhà đầu tư duy nhất đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh.
Quy mô dự án hơn 1.254ha, thuộc địa bàn 10 xã, phường ven biển và đầm Thủy Triều của TP. Cam Ranh. Mục tiêu dự án là xây dựng mới khu đô thị hoàn chỉnh, đồng bộ ven vịnh Cam Ranh. Tổng chi phí đầu tư thực hiện dự án khoảng 85.293 tỷ đồng, trong đó, khu nhà ở thương mại gồm 10.732 nhà biệt thự, 8.474 căn liền kề, nhà ở xã hội khoảng 19.816 căn.
Thời gian qua, Vinhomes cũng đang tiếp tục triển khai xây dựng nhiều dự án như Vinhomes Ocean Park 3 - Mega Grand World, Vinhomes Grand Park.
Doanh nghiệp BĐS vẫn âm thầm săn quỹ đất và triển khai các dự án. |
Một đại gia bất động sản khác là Eurowindow Holdings cũng vừa được trao quyết định chấp thuận nhà đầu tư hai dự án phát triển nhà ở thương mại tại Thái Bình với tổng diện tích khoảng 194ha, tổng vốn đầu tư hơn 10.100 tỷ đồng.
Hay như đối với Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt, sau thời gian chậm triển khai một số dự án bất động sản trên địa bản tỉnh Bình Định, mới đây DN này cũng đã đón nhận tin vui khi được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất đợt 1 với diện tích hơn 21ha để thực hiện dự án khu dân cư kết hợp chỉnh trang đô thị Bắc Hà Thanh tại xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước. Dự án này có tổng diện tích hơn 43ha, vốn đầu tư khoảng 2.343 tỷ đồng, bao gồm các sản phẩm nhà phố, đất nền, nhà phố thương mại.
Theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao bộ phận tư vấn Savills Hà Nội, mặc dù những thách thức của thị trường bất động sản vẫn hiện hữu nhưng đã bắt đầu xuất hiện những yếu tố tích cực được kỳ vọng sẽ dần thúc đẩy sự phục hồi trong tương lai.
Việc nhiều chủ đầu tư bắt đầu rục rịch “săn” thêm quỹ đất, cũng như tái khởi động trở lại trong thời gian gần đây đang mang đến nhiều tín hiệu khởi sắc cho thị trường.
Động thái này đến từ các chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng được Chính phủ ban hành thời gian qua giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để phát triển. Bên cạnh đó, việc giải ngân cho các dự án đầu tư công được đẩy mạnh cũng giúp lượng tiền cung ra nền kinh tế dồi dào, thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, đầu tư.