Doanh nghiệp BĐS đã “dễ thở” hơn
Mặc dù thực tế, thị trường bất động sản (BĐS) vẫn còn ảm đạm, doanh nghiệp trong ngành vẫn chưa thể thoát khỏi khó khăn nhưng kể từ khi các chính sách được Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước ban hành tình hình của các doanh nghiệp địa ốc là có phần khởi sắc hơn.
Thị trường BĐS đã “tạo đáy”?
Dù còn nhiều khó khăn nhưng hầu hết các phân khúc BĐS giường như đang bắt đầu “tạo đáy” khi giá bất động sản đã không còn giảm sâu, dừng giảm giá hay giá bắt đầu tăng lên, tâm lý nhà đầu tư phục hồi tích cực.
Theo số liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), phân khúc bất động sản nhà ở đang chứng kiến sự phục hồi nhanh nhất thị trường với nguồn cung và giao dịch tăng nhẹ. Trong quý III/2023, cả nước ghi nhận hơn 250 dự án nhà ở đang mở bán, hầu hết là các giai đoạn mở bán tiếp theo của dự án, cung cấp ra thị trường khoảng 20.000 sản phẩm.
Bên cạnh nguồn cung từ các giai đoạn tiếp theo của các dự án cũ, thị trường ghi nhận nguồn cung mới từ các dự án mới mở bán ở một số địa phương như Cần Thơ, Lào Cai, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng...
Cơ cấu nguồn cung phần lớn vẫn là các sản phẩm thấp tầng, đất nền, chiếm 54% tổng lượng cung nhà ở cả nước. Nguồn cung mới tập trung chủ yếu ở thị trường khu vực phía Nam (chiếm 40% cả nước).
Bên cạnh đó, đối với phân khúc chung cư, các căn hộ trung cấp (25-50 triệu/m2) và cao cấp (50-80 triệu/m2) tiếp tục dẫn đầu nguồn cung mới trong quý, chiếm lần lượt 58% và 26% tổng nguồn cung căn hộ đang mở bán. Phân khúc căn hộ bình dân (dưới 25 triệu/m2) tiếp tục khan hiếm, chỉ xuất hiện số lượng ít tại một số tỉnh, thành cấp 2, 3. Tổng nguồn cung chung cư bình dân giảm 98% so với năm 2019.
Xét trên toàn thị trường, lượng giao dịch đã tăng trở lại. Trong quý III/2023, lượng tiêu thụ đạt khoảng 5.770 giao dịch, gấp 1,5 lần so với quý trước, xấp xỉ 28% tổng cung mở bán mới, gần bằng 90% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng đầu năm 2023, lượng giao dịch chỉ bằng 50%
Việc thanh khoản thời gian gần đây có sự khởi sắc hơn đên từ sự nỗ lực rất lớn từ phía chủ đầu tư trong “cuộc đua” về chính sách ưu đãi để thu hút người mua nhà và đại lý phân phối nhằm kích cầu thị trường.
Nhiều dự án chung cư được phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín, chào thị trường với chính sách ưu đãi đột phá như chiết khấu cao, kéo giãn kỳ hạn thanh toán, hỗ trợ ân hạn gốc, lãi vay đã ghi nhận lượng đặt mua lớn.
Doanh nghiệp địa ốc đã “dễ thở” hơn?
Trong bối cảnh thị trường vẫn chưa thoát cảnh ảm đạm, điều mà doanh nghiệp BĐS kỳ vọng nhất chính là sự phục hồi của thị trường chung cũng như niềm tin của người mua nhà và nhà đầu tư được cải thiện. Từ đó, thanh khoản thị trường được cải thiện, vấn đề bán hàng của các chủ đầu tư cũng sẽ được giải quyết.
Có một tín hiệu đáng mừng là trong quý III/2023, lượng giao dịch nhà đất đã tăng trở lại. Điều này cho thấy, người dân bắt đầu có niềm tin hơn vào thị trường. Đây cũng là một chỉ báo quan trọng để thấy rằng thị trường BĐS đã có dấu hiệu “tạo đáy”.
Bà Phạm Thị Miền, Phó Ban nghiên cứu thị trường và tư vấn xúc tiến đầu tư bất động sản VARs cho hay, thanh khoản trên thị trường bất động sản đang dần được cải thiện, đặc biệt so với giai đoạn khó khăn cuối năm trước và những tháng đầu năm nay. Theo đó, thời gian vừa qua, các cơ chế, chính sách thúc đẩy thị trường BĐS đã bắt đầu có dấu hiệu được thẩm thấu. Lượng giao dịch trên toàn thị trường tăng dần theo thời gian với nhiều hơn các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người dân được đưa vào thị trường.
Bà Phạm Thị Miền, Phó Ban nghiên cứu thị trường và tư vấn xúc tiến đầu tư bất động sản VARs. |
Chính điều này đã khiến giúp sức khỏe của các doanh nghiệp BĐS có dấu hiệu cải thiện. Số lượng doanh nghiệp BĐS quay trở lại hoạt động, tuyển dụng ghi nhận tăng ở một số địa phương có thị trường phục hồi tốt.
Tính đến cuối tháng 8/2023, có 1.721 doanh nghiệp BĐS quay trở lại hoạt động, tăng 102% so với cùng kỳ năm 2022. Trong tháng 9/2023, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực BĐS gấp 3,5 lần số lượng doanh nghiệp BĐS giải thế với 3.394 doanh nghiệp. Tuy nhiên, con số này vẫn giảm tới 52,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy có sự khởi sắc nhưng chỉ là phần nào giúp các doanh nghiệp BĐS “thoát khó” chứ chưa thể “khỏe mạnh” ngay được. Vẫn có không ít doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn về nguồn vốn do không bán được hàng, không huy động được nguồn vốn trả trước của khách hàng, cũng không huy động được nguồn vốn từ các kênh tài chính quen thuộc trái phiếu, tín dụng ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp đang cố gắng cầm cự, 'sống bằng niềm tin' rằng thị trường sẽ khôi phục vào cuối năm 2023.
Để thị trường bất động sản có thể đạt được những chuyển biến rõ rệt, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần thêm nhiều các giải pháp thật sự cụ thể, chi tiết và mạnh tay hơn nữa từ phía Chính Phủ, các bộ ngành nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Theo đó, thời gian vừa qua, các doanh nghiệp đã tiếp tục nghi nhận những tín hiệu “trợ lực” từ phía ngân hàng. Tuy nhiên, sự hấp thụ về vốn chưa đạt như kỳ vọng.
Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp kể từ tháng 3/2023. Lãi suất vay ngân hàng có sự điều chỉnh giảm rõ rệt, dao động từ 6,7% đến 10%, tiệm cận về mức đầu năm 2022, giảm từ 0,4% đến 3,5% so với cuối quý II/2023.
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và thị trường BĐS, VARs cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thành các dự thảo luật liên quan theo đúng kế hoạch, nhất là các quy định liên quan đến việc tính tiền sử dụng đất, đền bù, giải phóng mặt bằng.
Đồng thời, trong thời hian này, song song với các biện pháp đảm bảo duy trì hoạt động, các doanh nghiệp BĐS, sàn môi giới cần chú ý chuẩn bị nguồn lực tốt nhất để đảm bảo có thể ngay lập tức vào cuộc khi thị trường phục hồi trở lại.