Nhu cầu mua nhà của người dân vẫn cao do quá trình đô thị hóa?

Mặc dù thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn về việc triển khai các dự án khiến nguồn cung sụt giảm tuy nhiên nhu cầu sở hữu nhà của người dân vẫn tương đối cao do tốc độ đô thị hóa, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM.

 

Nhu cầu mua nhà của người dân vẫn cao do quá trình đô thị hóa? - Ảnh 1
 

Nhu cầu mua nhà vẫn mạnh mẽ

Theo ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành của Savills Việt Nam, năm 2023, thị trường bất động sản Việt Nam đã phải trải qua áp lực kinh tế toàn cầu và các thách thức toàn cầu cũng như nội địa. Cùng với đó, sự chậm trễ trong việc phê duyệt các dự án nhà ở làm trì hoãn việc triển khai đầu tư, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.

Tuy nhiên, nhu cầu sở hữu nhà ở vẫn mạnh mẽ nhờ quá trình đô thị hóa trên cả nước, nguồn dân số đông và nhu cầu cấp thiết về nhà ở ở các thành phố lớn. Những nỗ lực của Chính phủ trong hai năm qua đã đạt tiến triển trong quản lý và giải quyết vấn đề này, xây dựng niềm tin về một tương lai tốt đẹp hơn.

Trong khi đó, theo Trung tâm Nghiên cứu thị trường & Am hiểu khách hàng One Mount Real Estate, trong cuộc khảo sát mới nhất vào tháng 9 và 10/2023 cho thấy nhu cầu mua bất động sản ở Hà Nội đang hiện hữu và duy trí ở mức cao.

Kết quả khảo sát 1.400 người vào tháng 9-10/2023 về nhu cầu mua bất động sản ở Hà Nội cho thấy, 63% người phản hồi có nhu cầu và có thể cân nhắc mua bất động sản, trong số đó có tới 72% khách hàng có dự định mua nhà vào 1-2 năm tới.

Theo đó, loại hình bất động sản được người mua quan tâm nhiều nhất lần lượt là đất nền (48%), chung cư (46%) và nhà đất (44%). Đối với loại hình chung cư, tại Hà Nội, trong quý 3/2023 lượng mở bán mới tăng hơn 50%, lượng tiêu thụ tăng hơn 100% so với quý trước.

Trung tâm Nghiên cứu thị trường & Am hiểu khách hàng One Mount Real Estate dự báo, năm 2024, nguồn cung sơ cấp mở mới tại Hà Nội sẽ đạt khoảng gần 16.000 căn, tập trung chủ yếu ở khu vực phía Tây và phía Đông.

Ông Trần Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thị trường & Am hiểu khách hàng One Mount Real Étate cho biết: thị trường quý 2/2023 đã có nhiều khởi sắc so với quý 1; quý 3 khởi sắc hơn so với quý 2 và xu hướng này còn tiếp tục trong quý 4. Nhu cầu mua bất động sản được duy trì ở mức cao như trên đến từ những tín hiệu tốt về chính sách bán hàng của chủ đầu tư và việc giảm lãi suất của các ngân hàng từ 1-3%/ năm so với năm 2022.

Ở góc độ là một người có nhu cầu mua nhà, chị Thảo (29 tuổi, nhân viên kinh doanh) cho biết, chị đã sinh sống, học tập và làm việc ở TP.HCM hơn 10 năm nay. Khi còn là sinh viên, Thảo đã mong cuộc sống có thể thay đổi, cố gắng vừa học vừa làm, tích luỹ kinh nghiệm cho bản thân, cũng như tiền bạc để có thể tự mua cho mình một ngôi nhà an cư lập nghiệp. Đây cũng là mong ước chung của hầu hết bạn cùng trang lứa với cô.

"Phần lớn những người trẻ như tôi, ra trường đi làm hơn 5 năm lương cùng với những khoản thu cũng không dư giả, trung bình cũng chỉ 15 triệu đồng/tháng. Tính toán chi tiêu các khoản cố định hàng tháng, số tiền này nếu không sử dụng khéo thì sẽ khó có khoản tiết kiệm dành cho những dự định quan trọng như mua nhà. Mà có khéo cũng khó tích lũy đủ nếu không năm được cơ hội trong công việc để gia tăng thu nhập", chị Thảo chia sẻ.

Một trường hợp khác như chị Ngọc Ánh (32 tuổi) vừa kết hôn được 2 năm cho biết có nhu cầu mua nhà ở để bắt đầu kế hoạch sinh con. Vợ chồng chị dự định chi hơn 500 triệu đồng để đặt cọc mua một dự án căn hộ hình thành trong tương lai tại khu vực Hoàng Mai (Hà Nội). Số tiền còn lại, vợ chồng chị sẽ vay ngân hàng trả trong nhiều năm.

Tuy nhiên, ảnh hưởng kinh tế khó khăn, thắt chặt tín dụng khiến toàn thị trường bị ảnh hưởng. Công việc của vợ chồng chị Ánh cũng gặp không ít khó khăn. Việc vay ngân hàng sẽ tạo áp lực nặng nề tới cuộc sống gia đình, chưa kể chi phí sẽ đội lên sau khi sinh con. Vì vậy, vợ chồng chị quyết định tạm hoãn việc mua nhà và tiếp tục làm việc tích luỹ.

Áp lực tăng cao theo giá nhà

Có một thực tế hiện nay là mặc dù nhu cầu mua nhà tăng cao nhưng không phải lúc nào cũng có thể tìm được một ngôi nhà ưng ý và vừa với túi tiền. Trong khi thị trường còn nhiều khó khăn thì giá nhà lại ngày càng tăng cao.

Tâm lý chung của người mua nhà hiện nay là chờ giá nhà giảm rồi mới quyết định mua. Nhưng thực tế lại đi ngược lại, càng chờ giá không những không giảm mà lại còn tăng.

Mặt bằng giá nhà phải chịu từ nhiều yếu tố từ nhu cầu, nguồn cung, mức thuế, chi phí đầu tư xây dựng. Thế cho nên, ở những thành phố có tỷ lệ tập trung dân số đông như TP.HCM và Hà Nội thì nhà ở luôn là vấn đề nóng bỏng.

Theo Bộ Xây dựng, để đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội khiến cho tốc độ đô thị hoá của các địa phương này rất áp lực. Tốc độ đô thị hoá cực nhanh kéo theo đó là nhu cầu nhà ở tăng rất mạnh. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ đô thị hóa nhanh trong khu vực Đông Á. Mỗi năm, ước tính các đô thị Việt Nam có thêm từ 1 đến 1,3 triệu dân. Con số thống kê đến tháng 9/2022 tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đã đạt khoảng 41,5%, với 888 đô thị.

Kế đó, câu chuyện đô thị hoá cũng như nhu cầu nhà ở tăng sẽ khó tránh khỏi khi dân số vẫn tăng. Theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc vào ngày 11/12/2023, dân số hiện tại của Việt Nam là 100.018.546 người. Trong đó, 38,77% dân số sống ở thành thị.

Nhu cầu mua nhà của người dân vẫn cao do quá trình đô thị hóa? - Ảnh 2

Tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh khiến nhu cầu sở hữu nhà của người dân cũng tăng mạnh (Ảnh minh họa)

Tốc độ tăng dân số cùng xu hướng đô thị hóa phát triển; tăng trưởng kinh tế gắn liền với cải thiện thu nhập của người dân dẫn đến nhu cầu về nhà ở tăng nhanh. Bộ Xây dựng dự báo rằng, tỷ lệ dân số đô thị sẽ tăng lên 45% vào năm 2030, do đó mỗi năm cả nước phải tăng thêm khoảng 70 triệu mét vuông nhà ở đô thị.

Theo một nghiên cứu mới đây của Savills Việt Nam cho biết, tại TPHCM mức thu nhập tối thiểu cần có để mua nhà là từ 30-45 triệu đồng hàng tháng. Đây là ngưỡng thu nhập giúp những người trẻ đủ khả năng tích lũy được một khoản tiền trả trước và gánh vác việc trả lãi ngân hàng.

Trong khi đó, các chuyên gia tại DKRA Việt Nam nhận định, mức thu nhập đủ sức mua căn hộ trả góp rơi vào ngưỡng 25-35 triệu đồng/tháng. Số liệu được đơn vị này nghiên cứu với các khách hàng đang mua nhà trả góp tại TP.HCM trong 5 năm qua.

Với cá nhân còn độc thân mua nhà lần đầu, khách hàng phải đạt mức thu nhập tối thiểu 25-30 triệu đồng/tháng mới mua được căn hộ 50m2 một phòng ngủ, có vị trí cách khu trung tâm TP.HCM khoảng 15 km. Với hộ gia đình có nhu cầu căn hộ lớn hơn (60-70m2), tổng thu nhập hàng tháng phải đạt 35-40 triệu đồng mới đủ mua căn nhà để an cư tại ngoại thành TP.HCM.

Trong khi đó, theo kênh thông tin Batdongsan.com.vn đã công bố thông tin giá rao bán trung bình các loại hình nhà ở Hà Nội đạt 22,8 tỷ đồng/căn với nhà mặt phố; 17,8 tỷ đồng/căn với biệt thự; 6,3 tỷ đồng/căn với nhà riêng và 3,1 tỷ đồng/căn đối với chung cư.

Ước tính, thu nhập bình quân của người lao động ở Hà Nội năm 2023 là 135 triệu đồng/năm. Như vậy, để sở hữu một căn nhà mặt phố tại Hà Nội, người dân thủ đô cần "cày cuốc" 169 năm, muốn sở hữu nhà riêng thì cần 132 năm, còn mua căn hộ chung cư mất 23 năm (với giả thiết người lao động dùng toàn bộ thu nhập để mua nhà)./.

An Nhiên

Theo Kinh doanh và Phát triển