Phân khúc bất động sản nào chiếm ưu thế trong thời gian tới
VNREA dự báo, từ quý 2 đến 3 năm 2024, thị trường bất động sản sẽ chính thức bước vào chu kỳ phục hồi. Trong đó, mảng nhà ở xã hội và bất động sản công nghiệp chiếm ưu thế.
-
Tại Diễn đàn Bất động sản được tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, có mấy từ khoá được truyền thông, doanh nghiệp, nhà đầu tư nói nhiều về thị trường bất động sản hiện nay là thiếu nguồn cung, giảm cầu, thiếu sự quan tâm của chính quyền địa phương, thiếu vốn. Điều này cũng chứng tỏ sức khoẻ của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay đang rất suy yếu: từ quy mô, số lượng, nhận sự và cả tiềm lực tài chính.
Theo khảo sát VARS, có khoảng 23% doanh nghiệp chỉ có thể “cầm cự” được hết quý 3 năm nay nếu chúng ta không có các chính sách điều hành vĩ mô, sự tác động mạnh mẽ của các chính sách.
Tuy nhiên, nhận định về khả năng hồi phục của thị trường bất động sản, tại thời điểm này, TS. Nguyễn Văn Đính cho rằng, thị trường đã có những chuyển biến tốt hơn. Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, quý 1 nguồn cung sụt giảm nghiêm trọng, gần như đứng im, giao dịch chỉ có hơn 1.000 thì sang quý 2 đã có sự chào bán trở lại, với khoảng 3.700 giao dịch thành công.
Sang đến quý 3, trong hai tháng đầu quý đã có hơn 5.000 giao dịch thành công và 300 dự án trên toàn quốc đã ra hàng mở bán. Nếu quý 1/2023 chưa sẵn sàng đưa hàng ra bán thì quý 3 do niềm tin có dấu hiệu tăng lên nên giao dịch tăng và nguồn hàng tăng hơn. Với đà như vậy, hiện tượng tăng cung ra thị trường xuất hiện nhiều hơn, tất nhiên chủ yếu là các dự án cũ. Các dự án đưa ra đều có dấu hiệu tái cấu trúc sản phẩm và mức giá điều chỉnh tương đối sát với thị trường nên giao dịch thực tế đang được tăng lên. Trong đó, 70% giao dịch đến từ các căn hộ chung cư, còn phân khúc đất nền giao dịch còn ít do giá cả chưa có nhiều điều chỉnh mạnh.
“Những điều này cho thấy, điều hành của Chính phủ bắt đầu có kết quả. Tuy nhiên, thời gian tới cần đẩy nhanh hơn việc hoàn thiện các luật, các cơ chế, chính sách”, TS. Nguyễn Văn Đính nhận định.
Trong quá trình chờ đợi các quy định pháp luật có hiệu lực, cần xem xét đẩy nhanh các nghị định, quy trình, thủ tục hành chính để hỗ trợ thủ tục đầu tư được nhanh chóng, giải quyết vướng mắc, thực sự tháo gỡ khó khăn cho các dự án mới để đưa vào thị trường, từ đó tăng nguồn cung. Nguồn cung dồi dào sẽ tăng giao dịch, tăng mua bán trên thị trường.
TS. Nguyễn Văn Đính dự đoán quý 4 năm 2023 là thời điểm bắt đầu phục hồi. Từ quý 3 năm nay đã có nhiều tín hiệu mừng, tất nhiên so với thời điểm 2018 - 2019 thì vẫn còn xa, chỉ là con số vài nghìn so với vài chục nghìn lượt giao dịch trong quá khứ. “Nhưng trong thời điểm khó khăn này, vài nghìn đã là một con số đáng khích lệ, có nhiều tín hiệu đáng mừng để tạo động lực cho quý 4/2023 và quý 1 năm 2024, chúng tôi hy vọng có nhiều khởi sắc khi các chính sách tháo gỡ khó khăn có tác động tốt với thị trường”, ông Đính nói.
TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cũng đưa ra dự báo: Từ quý 2 đến 3 năm 2024, thị trường bất động sản sẽ chính thức bước vào chu kỳ phục hồi, các dự án được triển khai mạnh mẽ hơn, tạo ra nguồn cung lớn cho thị trường. Trong đó, mảng nhà ở xã hội và bất động sản công nghiệp sẽ có nhiều dấu hiệu tích cực nhất. Đến thời điểm tháng 9/2023, những điểm sáng tích cực trên thị trường đã dần xuất hiện. Tâm lý của các nhà đầu tư đã có dấu hiệu khôi phục tốt hơn giai đoạn trước.
Theo ông Khôi, với nhà ở thương mại, các dự án đã tồn tại trước thì vẫn còn khó khăn do vướng 47 khó khăn liên quan đến pháp lý. Trong đó, vướng mắc về việc dự án phải có đất ở để được chấp thuận chủ đầu tư là vướng mắc lớn nhất. Với các dự án nhà ở thương mại mới thì hy vọng việc hoàn thiện luật tới đây sẽ giúp các dự án dễ dàng hơn trong việc phát triển.