Phân khúc bất động sản nào được hưởng lợi từ dòng vốn FDI?
Theo số liệu thông kê, tính đến ngày 30/9/2024 cả nước có 41.314 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 41,31 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 314,5 tỷ USD, bằng gần 64% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Giới chuyên gia đánh giá, dòng vốn FDI sẽ là nguồn động lực mạnh mẽ, tác động lên thị trường bất động sản. Trong đó, phân khúc căn hộ cho thuê và văn phòng cho thuê cùng với bất động sản khu công nghiệp sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
Căn hộ dịch vụ hút khách thuê
Theo báo cáo quý 3/2024 của Savills, giá thuê và công suất căn hộ dịch vụ duy trì ở mức ổn định, và đều tăng so với cùng kì năm ngoái. Tỷ lệ lấp đầy ổn định theo quý ở mức 83%, tăng nhẹ 2 điểm % theo năm. Giá cho thuê căn hộ dịch vụ tại Hà Nội tính tới quý 3/2024 đạt 588 nghìn đồng/m2/tháng, trung bình giảm 2% theo quý, do hạng A giảm 4% và hạng C giảm 2%, nhưng vẫn tăng nhẹ 2% theo năm.
Nguồn cung hạng A của phân khúc căn hộ dịch vụ vẫn tập trung chủ yếu ở Tây Hồ. Trong khi đó, nguồn cung ở Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Long Biên đều là hạng B. Ông Matthew Powell, Giám đốc, Savills Hà Nội lý giải: “Dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài dồi dào và sự mở rộng của các khu công nghiệp thu hút nhiều chuyên gia nước ngoài tới Việt Nam làm việc. Điều này giúp tạo ra nguồn cầu ổn định cho phân khúc căn hộ dịch vụ”.
Nhờ nguồn cầu được duy trì ổn định, công suất thuê căn hộ dịch vụ trong quý 3/2024 tiếp tục duy trì ở mức 83%, tăng 2 điểm % theo năm. Đáp ứng nhu cầu thị trường, nguồn cung căn hộ dịch vụ tại thủ đô tăng 2% theo quý, với dự án hạng A mới - Swiss-Belresidences Hà Nội đi vào hoạt động. Dự án này đã bổ sung thêm 150 căn hộ. Tổng lượng nguồn cung phân khúc đạt 6.246 căn.
Trong năm 2024, Parkroyal Serviced Suites Hà Nội dự kiến đi vào hoạt động với 126 căn. 2.372 căn dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2025 từ 4 dự án. Trong đó, Tây Hồ View Complex dự kiến sẽ bổ sung thêm nguồn cung căn hộ hạng A lớn nhất. Nguồn cung căn hộ dịch vụ tương lai chủ yếu tập trung ở khu vực Nội thành và phía Tây, với 83% tập trung ở khu vực Nội thành và 17% còn lại ở phía Tây. Các đơn vị vận hành quốc tế vẫn sẽ chiếm ưu thế với 87% nguồn cung căn hộ dịch vụ tương lai được vận hành bởi các tên tuổi như The Ascott, Lotte Group, Park Royal Serviced Suites Hà Nội, Shilla Hotel & Resort, Hilton và Hyatt. Chất lượng dịch vụ được cung cấp bởi các đơn vị quản lý vận hành quốc tế giúp căn hộ dịch vụ duy trì được sức hút.
Còn ở thị trường TP HCM, nhiều tòa nhà căn hộ dịch vụ trên khu vực quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, quận 1,3 và 4 bắt đầu điều chỉnh tăng giá thuê so với cuối năm ngoái, chủ yếu rơi vào nhóm thuê ngắn hạn.
Báo cáo từ đơn vị nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam, quý II, giá thuê tất cả hạng căn hộ dịch vụ tại TP HCM tiếp tục tăng. Cụ thể, giá thuê trung bình đạt 513.000 đồng mỗi m2 một tháng, tăng thêm 1% so với quý trước. Riêng giá thuê 14 dự án căn hộ dịch vụ hạng A (cao cấp) và B (trung cấp) tăng 3% theo quý. Căn hộ hạng C (bình dân) sau đợt tăng mạnh quý đầu năm hiện vẫn giữ mức ổn định, cao hơn 8% so với cuối năm 2023. Công suất thuê căn hộ dịch vụ đạt 79%, các dự án hạng A vẫn duy trì trên 80% nhờ nhu cầu lưu trú dài hạn tốt.
Bất động sản công nghiệp thu hút nhà đầu tư
Trong công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý 3/2024 của Bộ Xây dựng cho biết, nhu cầu về bất động sản công nghiệp trên thị trường có xu hướng tăng lên, lượng tiêu thụ tăng mạnh so với quý trước.
Tại quý 3/2024, giá cho thuê đất cơ bản ổn định, giá cho thuê bình quân tại các khu công nghiệp phổ biến hiện nay là khoảng 3,5 - 5,5 USD/m2/tháng. Trong khi giá thuê nhà xưởng xây sẵn, kho bãi trong quý 3/2024 có xu hướng giảm nhẹ so với quý trước
Theo Bộ Xây dựng, sự phát triển của các lĩnh vực trên tác động trực tiếp đến bất động sản công nghiệp nhờ việc gia tăng nhu cầu về nhà xưởng đáp ứng tốt yêu cầu cơ sở hạ tầng, dịch vụ.
Thị trường bất động sản công nghiệp trong quý nổi bật đến từ một số dự án được phê duyệt đầu tư, khởi công như cụm công nghiệp Nam Phúc Thọ - giai đoạn 1 có quy mô 41,7 ha; cụm công nghiệp Thiết Bình xã Vân Hà, huyện Đông Anh có quy mô 20,98 ha; cụm công nghiệp Liên Hà 2, xã Liên Hà, huyện Đông Anh có quy mô 21,99 ha; cụm công nghiệp Dục Tú, xã Dục Tú có quy mô 15ha; cụm công nghiệp Thụy Lâm, xã Thụy Lâm có quy mô 17 ha; khu công nghiệp Đồng Văn V, giai đoạn 1 tỉnh Hà Nam, có quy mô sử dụng đất 237,29 ha…
Đánh giá về sự phát triển của bất động sản khu công nghiệp, chuyên gia nhận định, có được sự phát triển của bất động động sản khu công nghiệp hiện nay không thiếu thiếu động lực từ dòng vốn FDI. Theo báo cáo mới đây của Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho thấy, dòng vốn FDI mới vào khu công nghiệp dự kiến tiếp tục tăng trưởng khả quan.
Còn ở phân khúc văn phòng cho thuê, theo khảo sát của Savills trong báo cáo thị trường mới công bố về các giao dịch thuê văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh trong quý 3/2024, phần lớn (chiếm 73%) các giao dịch nhằm mục đích di dời đến các tòa nhà có chất lượng tốt hơn. Ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản (FIRE) dẫn đầu với 39% thị phần giao dịch, tiếp theo là công nghệ thông tin-truyền thông (ICT) với 31% và sản xuất với 13%.
Về khách thuê, phần lớn đến từ các công ty nước ngoài, chủ yếu từ Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, trong khi các công ty trong nước chỉ chiếm 25%. Mặt khác, chứng nhận xanh đang là mối quan tâm của các dự án văn phòng cao cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh khi 63% nguồn cung hạng A và B sắp khai trương sẽ tập trung đáp ứng các tiêu chuẩn này để đáp ứng cho các khách thuê lớn nước ngoài.