Phân khúc nhà ở nào sẽ dẫn dắt thị trường trong thời gian tới?
Trong thời gian trở lại đây, thị trường bất động sản được đánh giá là mất cân đối phân khúc nhà ở bởi, nhà ở cao cấp, hạng sang thì nhiều mà nhà ở vừa túi tiền lại ít. Giới chuyên gia nhận định, trong thời gian tới, phân khúc nhà ở vừa túi tiền sẽ dẫn dắt thị trường trong thời gian tới.
Thiếu trầm trọng căn hộ vừa túi tiền
Câu chuyện mất cân đối cung – cầu đã được nhiều đơn vị nghiên cứu bất động sản (BĐS) thôngtin từ hồi năm 2020. Đơn cử như ngay từ quý III/2020, Hội Môi giới BĐS Việt Nam đã cho biết, hiện trên thị trường TP. HCM không thấy dự án bình dân nào mở bán, phân khúc này gần như “biến mất”. Còn tại Hà Nội, từ năm 2018– 2020 xuất hiện lẻ tẻ vài dự án căn hộ hợp túi tiền; tuy nhiên cho đến nay cũng gần như “biến mất” phân khúc này khỏi thị trường.
Số liệu của Bộ Xây dựng trước đó cũng chỉ rõ, thị trường mất cân đối trong quan hệ cung - cầu BĐS. Trong khi nhu cầu nhà ở của người dân đối với phân khúc nhà ở trung, cao cấp chỉ chiếm từ 20 - 30%, nguồn cung nhà ở dạng này lại chiếm hơn 65% sản phẩm và đang dư thừa khoảng 70 - 100 triệu m2 sàn. Đối lập, dự án nhà ở thương mại bình dân, giá rẻ dưới 25 triệu đồng/m2 lại thiếu trầm trọng.
Cũng theo số liệu của Savills Việt Nam cũng ghi nhận sự mất cân đối giữa nguồn cung sản phẩm mới ra thị trường và tốc độ tăng trưởng chậm lại. Sự sụt giảm này đến từ một vài nguyên nhân, thứ nhất là nguồn cung mới cho thị trường rất nhỏ giọt, giảm 82% so với cùng kỳ năm trước, khoảng 2.500 căn hộ. Tỷ lệ hấp thụ cũng chỉ ở mức 20% so với mức độ thông thường là 60-70% trước đây. Tỷ lệ hấp thụ cao của những năm trước được thúc đẩy bởi nguồn cung ở phân khúc nhà ở hạng C với giá cả phải chăng.
Tuy nhiên, đến nay xu hướng này đã thay đổi với 80% nguồn cung đến từ phân khúc hạng A và B, chỉ có 20% là căn hộ hạng C phù hợp với nhu cầu chính của thị trường.
Một thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, số lượng nhà ở diện tích từ 60 – 80 m2 chiếm tỷ lệ lớn nhất, khoảng 22%; số hộ có nhà ở dưới 25 m2 chiếm khoảng 8%; số hộ có nhà ở diện tích hơn 100 m2 tại đô thị chiếm 30%. Điều đó cho thấy khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng, đặt ra thách thức cho mục tiêu tăng diện tích ở bình quân mà vẫn bảo đảm được diện tích sống tối thiểu phù hợp cho mọi người dân.
Các chuyên gia nhận định, phân khúc nhà ở hướng tới người mua thực sẽ dẫn dắt thị trường 2023 và các năm tới. Trong đó, các dự án nhà ở xã hội với giá 1-2 tỷ đồng/căn được mong chờ và dự báo sẽ tạo thành cú hích cho thị trường chung.
Sáng 3/11/2022, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo luật Đất đai (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM, đề nghị cần điều chỉnh quy hoạch đất đai để giải quyết tình trạng cung cầu lệch pha. Lý do theo đại biểu, số liệu thống kê cho thấy tình trạng dự án bất động sản phân khúc cao cấp và trung tâm hiện đang xuất hiện rất nhiều, người dân đang đối mặt với tình trạng thiếu trầm trọng nhà ở giá vừa túi tiền có giá dưới 2 tỷ đồng/căn và nhà ở xã hội.
Điều này tác động trực tiếp đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho đa số người yếu thế trong xã hội - là người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ở đô thị. Nguyên nhân xảy ra một phần do quy định của luật Nhà ở 2014 đã không đồng bộ với luật Đất đai 2013. Để giải quyết, theo bà Lệ, cần tập trung điều chỉnh lại các chính sách quy hoạch, ưu đãi, sử dụng quỹ đất hỗ trợ; tạo điều kiện không chỉ doanh nghiệp, người thu nhập cao có thể tiếp cận đất đai mà tầng lớp công nhân, lao động chân tay cũng có thể có điều kiện tìm được nhà ở trong khu vực trung tâm đô thị, thuận tiện cho đi làm và sinh hoạt.
Chủ tịch HĐND TP.HCM cũng cho rằng khi giải quyết được vấn đề quy hoạch, vấn đề cung cầu cũng sẽ có cơ sở để dần dần quay về quỹ đạo ổn định, từ đó kiểm soát được giá đất, giúp thị trường đất đai trở nên bình ổn, ngăn chặn đầu cơ, tham nhũng đất đai hiện nay.
Hướng đến phát triển phân khúc nhà ở xã hội
Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội, hiện nay trên thị trường Hà Nội, phân khúc biệt thự và nhà liền kề, phân khúc nhà ở thấp tầng đang đứng ở mức giá cao.
Vào năm 2023, nếu không có các sản phẩm giá phù hợp, pháp lý dự án không được đẩy nhanh để có nguồn cung thì tính thanh khoản tại phân khúc biệt thự - nhà liền kề vẫn là một trong những điều cần phải giải quyết.
Trên thị trường thực sự có quá nhiều sản phẩm căn hộ hạng B, giá trung bình 47 triệu đồng/m2 – đây là mức giá đại diện rất rõ nét cho phân khúc căn hộ hạng B – điều này cho thấy hiện nay trên thị trường thiếu đi sản phẩm vừa túi tiền với nhu cầu người mua. Đây là một trong những vấn đề mà BĐS cần đối mặt, bởi dù còn nhiều sản phẩm nhưng không phù hợp với đại đa số nguồn cầu thì tính thanh khoản, dòng tiền không mạnh được, như vậy sức khỏe của thị trường không thể lên nhanh.
Nhận định về thị trường bất động sản năm 2023, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, các chính sách cần được ban hành theo 3 hướng: Thúc đẩy phát triển dự án phù hợp với nhu cầu thị trường; cải thiện dòng tiền cho người vay muanhà ở xã hội,nhà ở bình dân; cải thiện điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp thông thoáng hơn nhưng vẫn được kiểm soát.
Ông Đính nhận định, nguồn cung của thị trường bất động sản thời điểm đầu năm được dự báo sẽ không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, nếu chính sách vĩ mô được điều chỉnh, từ cuối quý I, những dự án phù hợp với nhu cầu như nhà ở bình dân, nhà ở xã hội đang triển khai dở dang, vướng mắc ở giai đoạn trước có khả năng sẽ được khơi thông, giúp đưa vào thị trường một nguồn cung mới.
Khi "bắt mạch" thị trường địa ốc, Bộ Xây dựng và nhiều chuyên gia đều chung nhận định, lệch pha cung - cầu đang là nguyên nhân khiến nhà ở chỗ thừa vẫn thừa, chỗ thiếu vẫn thiếu. Các con số tổng hợp cho thấy, nhà ở giá cao đang khó bán, còn nhà giá vừa túi tiền lại gần như vắng bóng. Phát triển nhà ở xã hội đang là định hướng được các doanh nghiệp hướng tới trong những ngày đầu năm mới.
Trước bài toán khó về an sinh xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề xuất lập đề án đầu tư xây dựng một triệu căn hộ cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2022-2030. Đề án này được nhận định mang tính "mở đường" cho sự phát triển loại hình nhà ở xã hội và nhà ở vừa túi tiền trên cả nước, trên phương diện hành lang pháp lý và huy động tổng nguồn lực của xã hội.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã đẩy mạnh định hướng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền dành cho người lao động. Sau Hội nghị ngày 1/8, nhiều tập đoàn lớn đã công bố thông tin xây dựng nhà ở xã hội. Có thể kể đến như Vingroup cam kết 500.000 căn, Novaland cũng cho biết nhận nhiệm vụ đầu tư xây dựng 200.000 căn tại các tỉnh thành phía nam và trọng tâm là TPHCM. Các doanh nghiệp khác như Him Lam, Sun Group, Bitexco… cũng tham gia hưởng ứng mục tiêu chung của Chính phủ.