Phó thủ tướng yêu cầu sớm lựa chọn xong nhà thầu cao tốc Bắc - Nam giai đoạn II
Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải sớm hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp trực tuyến về tình hình triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ khởi công dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Thông báo nêu rõ dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 là dự án quan trọng quốc gia, đi qua 12 địa phương với tổng chiều dài 721km. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18 với yêu cầu bảo đảm bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023; khởi công các dự án thành phần trước ngày 31/12, triển khai thi công đồng loạt trước ngày 31/3/2023.
Để đảm bảo tiến độ dự án, Phó thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc hoàn thành đúng tiến độ bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công; lưu ý, kịp thời báo cáo Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy để xin ý kiến chỉ đạo, quán triệt các địa phương, hệ thống chính trị nâng cao tinh thần trách nhiệm, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng; ưu tiên giải quyết các khu vực thuận lợi, khu vực phải xử lý nền đất yếu…
Các địa phương cũng được yêu cầu giao chủ đầu tư đủ năng lực thực hiện công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật phức tạp, yêu cầu kiểm soát chặt chẽ chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng theo đúng chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành, quá trình thực hiện phải bảo đảm công khai, minh bạch, không để phát sinh khiếu nại, khiếu kiện.
Các địa phương phải thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ giao trực tiếp mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho các nhà thầu thi công, tuyệt đối không để xảy ra việc giao không đúng đối tượng, mua đi bán lại các mỏ vật liệu. Các ban quản lý dự án chịu trách nhiệm hướng dẫn nhà thầu triển khai thủ tục liên quan bảo đảm thực hiện theo quy định pháp luật.
Phó thủ tướng giao lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, giao ban định kỳ với các địa phương, ban quản lý dự án để kiểm điểm tiến độ, kịp thời xử lý vướng mắc, phát sinh liên quan đến giải phóng mặt bằng.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước để triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đẩy nhanh các thủ tục, sớm hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Phó thủ tướng lưu ý không chia nhỏ gói thầu, lựa chọn được nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm, uy tín bảo đảm công khai, minh bạch, nghiêm túc, hiệu quả, tuân thủ quy định pháp luật theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo các ban quản lý dự án thống nhất với từng địa phương về nhu cầu nguồn vốn cho công tác giải phóng mặt bằng; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong việc bảo đảm bố trí đủ vốn để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong từng giai đoạn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường được yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cấp phép khai thác; sớm rà soát, báo cáo về nguồn cung cấp cát tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho các dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu đánh giá tài nguyên khoáng sản phục vụ khai thác cát biển, phục vụ nhu cầu san lấp tại các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Phó thủ tướng giao Bộ Quốc phòng tiếp tục tạo điều kiện, đồng thời chỉ đạo các quân khu, cơ quan, đơn vị phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, các địa phương thống nhất phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với đất, công trình an ninh quốc phòng để bảo đảm tiến độ, đúng quy định pháp luật.
Các tập đoàn: Điện lực Việt Nam (EVN), Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) có trách nhiệm chủ động và phối hợp với các địa phương, các chủ đầu tư khẩn trương di dời công trình hạ tầng kỹ thuật điện, viễn thông bảo đảm tuyệt đối an toàn, bàn giao kịp thời mặt bằng cho chủ đầu tư và các đơn vị thi công.