"Siết" trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ: Nên có giải pháp "mềm"?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện cơ quan này đang sửa Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ, bởi khi Nghị định ra đời rất muốn tiếp cận với thông lệ của thế giới, nhưng sau khi ban hành lại thể hiện lỗ hổng, đã có những vi phạm nên cần phải siết lại. Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính sẽ khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi quy định tại Nghị định theo hướng siết chặt một cách hợp lý.
Còn nhiều bất cập
Sau gần nửa năm đưa ra lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ sẽ sớm báo cáo Chính phủ để xem xét ban hành.
Dự thảo lần thứ 5 với hơn 10 nội dung sửa đổi theo hướng siết các quy định về mục đích và điều kiện phát hành, nâng cao tiêu chí nhà đầu tư… Việc này thể hiện quyết tâm của cơ quan quản lý nhằm ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tồn tại nhiều rủi ro, bất cập, dẫn đến những trường hợp sai phạm trong thời gian qua.
Tuy vậy, việc siết chặt các quy định khiến không ít ý kiến quan ngại rằng, thị trường có thể bị “bóp nghẹt” cả về phía cung và phía cầu.
Chẳng hạn, nhằm hạn chế nguồn vốn chạy “lòng vòng”, dự thảo quy định, doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu riêng lẻ để đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn.
Đáng lưu ý, dự thảo quy định, chỉ nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được mua trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, trong khi Luật Doanh nghiệp năm 2020 không hạn chế đối tượng nhà đầu tư mua.
Trên thực tế, thị trường trái phiếu hoạt động trầm lắng kể từ đầu năm 2022 đến nay, do cả doanh nghiệp và nhà đầu tư đều có tâm thế “nghe ngóng” chính sách sẽ được sửa đổi như thế nào.
Còn theo Bộ Tài chính, gần đây, một số nhà đầu tư cá nhân đã tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đặc biệt là trái phiếu có lãi suất cao thông qua các tổ chức phân phối. Việc tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu.
Thực tế, các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc thẩm định, đánh giá tình hình tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành. Do đó, tổ chức này không có trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cảnh báo một số yếu tố bất thường trong phát hành khác của doanh nghiệp như: để nhiều công ty con trong cùng hệ sinh thái của doanh nghiệp phát hành, có dư nợ lớn so với vốn chủ sở hữu...
Để giải quyết các vấn đề này, hiện Bộ Tài chính đang sửa Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ. Theo Bộ Tài chính, khi Nghị định ra đời rất muốn tiếp cận với thông lệ của thế giới, nhưng sau khi ban hành lại thể hiện lỗ hổng, đã có những vi phạm nên cần phải siết lại.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính sẽ khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi quy định tại Nghị định theo hướng siết chặt một cách hợp lý.
Nên có giải pháp "mềm"?
Số liệu của FiinRatings cho thấy, huy động vốn từ trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 là 715.000 tỷ đồng, trong khi giá trị cho vay mới trung và dài hạn của các ngân hàng thương mại là 700.000 tỷ đồng, còn huy động vốn cổ phần từ thị trường chứng khoán đạt 101.000 tỷ đồng.
Nhiều ý kiến nhận định, thị trường trái phiếu doanh nghiệp nếu bị đứt gãy sẽ gây ra hệ lụy lớn cho nền kinh tế. Riêng khối doanh nghiệp bất động sản, quy mô trái phiếu tính đến cuối tháng 4/2022 vào khoảng 487.000 tỷ đồng. Số liệu của FiinGroup chỉ ra rằng, 63% giá trị này, tương đương 305.000 tỷ đồng, sẽ đáo hạn trong giai đoạn 2022 - 2024.
Một báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, trong năm 2022, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào khoảng 145.000 tỷ đồng; trong đó, trái phiếu bất động sản chiếm 43,2% (62.500 tỷ đồng), trái phiếu các tổ chức tín dụng chiếm 20,2% (29.000 tỷ đồng).
Năm 2023 và 2024, khối lượng trái phiếu đáo hạn tăng cao so với năm 2022, lần lượt là 271.000 tỷ đồng và 329.000 tỷ đồng. Trong 2 năm đó, trái phiếu bất động sản đáo hạn là 208.000 tỷ đồng, trái phiếu các tổ chức tín dụng đáo hạn là 207.000 tỷ đồng.
Giới phân tích nhìn nhận, giá trị trái phiếu đáo hạn lớn, nhu cầu tiếp tục huy động vốn để triển khai các dự án cũng lớn, nên kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp mà bị siết thì nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như khả năng trả nợ đúng hạn.
Thách thức lớn nhất ở thời điểm hiện tại là năng lực tín dụng của các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp niêm yết, trong khi phần lớn giá trị trái phiếu đang lưu hành thuộc về nhóm doanh nghiệp chưa niêm yết.
Trên thực tế, doanh nghiệp bất động sản khó vay vốn ngân hàng mới phải tìm đến thị trường trái phiếu, nhưng khi dự án được khiển khai tốt, được thị trường hấp thụ, doanh nghiệp có khả năng trả nợ trái chủ và hoàn tất các nghĩa vụ tài chính. Do đó, đánh đồng doanh nghiệp có khả năng kiểm soát tốt dòng trái phiếu với các doanh nghiệp huy động dưới chuẩn có nguy cơ dẫn tới bóp nghẹt tất cả các doanh nghiệp.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế đánh giá, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có vai trò quan trọng hơn cả vốn trung và dài hạn của ngành ngân hàng dành cho doanh nghiệp bất động sản, vì vốn cho trái phiếu doanh nghiệp linh hoạt hơn vốn tín dụng ngân hàng. Nếu kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp bị siết chặt thì một loạt dự án mới sẽ không phát triển được, các dự án cũ không tiếp tục triển khai được.
Ông Nghĩa cảnh báo, trong bối cảnh có khoảng 540.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong giai đoạn 2022 - 2023, phần lớn là trái phiếu bất động sản, nếu siết quá mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể làm toàn bộ thị trường bất động sản đóng băng, một số ngân hàng thương mại sẽ gặp khó khăn. Khi đó, những hệ lụy đối với hệ thống ngân hàng và toàn nền kinh tế là rất lớn.
Bài học từ Trung Quốc cho thấy, sau khi hạ nhiệt lĩnh vực bất động sản tăng trưởng nóng bằng các biện pháp như siết điều kiện cho vay, tăng lãi suất, kiểm soát chặt chẽ trái phiếu..., thị trường địa ốc nước này rơi vào suy thoái với dự báo tỷ lệ vỡ nợ cao.
Mới đây, các nhà phân tích đã nâng dự báo tỷ lệ vỡ nợ cho ngành bất động sản Trung Quốc từ 19% lên 31,6%. Trước tình trạng u ám của thị trường bất động sản, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc đã buộc phải có các giải pháp nhằm “kích” thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, dự thảo sửa đổi Nghị định 153 đã đưa ra nhiều quy định ngặt nghèo liên quan đến điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ làm "khó" doanh nghiệp, cần thiết phải "thông đường" cho trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, khuyến khích phát triển, thay vì lo ngại rủi ro mà siết chặt.
Cụ thể, tại dự thảo mới nhất quy định doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu riêng lẻ để đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn, bởi theo Bộ Tài chính thì quy định này nhằm hạn chế chuyển vốn giữa các doanh nghiệp.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho rằng, theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và theo thông lệ quốc tế thì góp vốn, cho vay là quyền của doanh nghiệp; việc một công ty mẹ có đủ tiềm lực, uy tín đứng ra phát hành trái phiếu rồi "bơm vốn" cho công ty con là hợp pháp; nếu bị hạn chế quyền này, năng lực của doanh nghiệp sẽ yếu đi.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), công ty mẹ phát hành trái phiếu, để rồi từ đó lấy tiền phân bổ cho công ty con là bình thường.
Ở chiều ngược lại, trước những vụ việc sai phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thời gian gần đây, các chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi Nghị định 153 sẽ giúp tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng vốn thu về cũng như trong việc công bố thông tin tới nhà đầu tư và cơ quan quản lý.
Những điểm mới được bổ sung, sửa đổi theo hướng siết chặt có thể sẽ làm giảm lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhưng sẽ giúp tăng chất lượng trái phiếu phát hành cũng như tăng cường sự công khai, minh bạch cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không thể đòi hỏi điều kiện quá cao, quá chặt chẽ, quá an toàn, mà phải chấp nhận một mức độ rủi ro nhất định.
Cơ quan quản lý không nên tập trung vào các điều kiện bắt buộc như kết quả kinh doanh có lỗ, giới hạn giá trị phát hành, có tài sản bảo đảm, bảo lãnh thanh toán và giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích, bởi như vậy thì không còn là đặc điểm của trái phiếu riêng lẻ.
Các thông tin từ doanh nghiệp cần đúng và minh bạch, còn lại hãy để nhà đầu tư lựa chọn mức độ rủi ro.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc siết chặt phát hành trái phiếu cần được xem xét một cách hợp lý, tránh gây sốc cho thị trường, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế. Nghị định 153/2020/NĐ-CP nên được sửa đổi theo hướng yêu cầu các doanh nghiệp công khai, minh bạch thông tin nhằm đảm bảo cho thị trường phát triển bền vững và lấy lại lòng tin từ các nhà đầu tư.