Thanh khoản chững lại, giá bất động sản liệu có giảm?
Trước những thông tin như kiểm soát tín dụng, trái phiếu vào bất động sản, thị trường bất động sản thời gian qua đang có dấu hiệu trầm lắng cả về mức độ quan tâm và thanh khoản.
Thanh khoản bất động sản giảm dần
SSI Research vừa công bố báo cáo cập nhật ngành bất động sản với chủ đề "Hạ nhiệt trước nhiều thách thức". Báo cáo đưa ra một số nhận định đáng chú ý. Theo nhóm chuyên gia, thanh khoản bất động sản giảm trong bối cảnh nguồn cung tiếp tục hạn chế và giá tăng cao.
Cụ thể, do việc sửa đổi Luật đất đai vẫn còn đang trong quá trình cân nhắc và có thêm nhiều quy định đặt ra cho việc phát hành trái phiếu của chủ đầu tư nên công ty chứng khoán này cho rằng nguồn cung mới sẽ tiếp tục bị hạn chế, rất ít sản phẩm mới được tung ra thị trường.
Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, mặc dù giá bán sơ cấp tại các khu vực đô thị trọng điểm như Hà Nội và TPHCM tiếp tục tăng tuy nhiên thanh khoản thị trường giảm sút. Thực tế, số lượng giao dịch trong quý I năm nay ghi nhận ở mức 20.325 giao dịch (tương đương giảm 20% so với cùng kỳ).
Cũng theo ông Hoàng Liên Sơn, Tổng giám đốc Alpha Real, sự chững lại ở đây thể hiện rõ nhất thông qua lượng giao dịch không còn bùng nổ do thị trường đã mất đi một số lượng lớn nhà đầu cơ. Trước các động thái kiểm soát tín dụng vào bất động sản, các nhà đầu tư đều đang nghe ngóng và chờ đợi những động thái chính sách tiếp theo từ Chính phủ như nới lỏng chính sách vĩ mô có, nới hạn mức tín dụng hay ưu tiên cho một số dự án nhất định được tiếp cận nguồn vốn.
Với các nhà đầu cơ lướt sóng, họ sẽ không lựa chọn vào thị trường ở thời điểm này. Việc cho vay đầu tư bất động sản đã bị siết chặt, trong bối cảnh thị trường chậm thanh khoản, dòng tiền không về kịp, rủi ro chôn vốn và áp lực trả lãi ngân hàng sẽ là rất lớn.
Bên cạnh đó, sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, một dòng tiền lớn trong nền kinh tế đã chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thay vì người người, nhà nhà đầu tư bất động sản, chứng khoán như trong hai năm dịch bệnh.
Còn với người mua nhà có nhu cầu thực, nhu cầu mua bất động sản là rất lớn, song họ cũng phải cân nhắc, tính toán kỹ về khả năng tài chính của mình. Trong thời gian tới, liệu khi ngân hàng không cho vay mua bất động sản nữa thì họ có đủ nguồn tiền để mua nhà hay không.
Trên thị trường hiện nay chỉ còn những người mua nhà ở thực và nhà đầu tư chân chính, có đủ tiềm lực tài chính, trường vốn và xác định đầu tư dài hạn. Chính vì vậy, hiện tại giao dịch đang chậm hơn thời gian trước.
Giá bất động sản liệu có giảm trong thời gian tới?
Chia sẻ về vấn đề liệu giá bất động sản có giảm giá trong thời gian tới trong bối cảnh thanh khoản đang có dấu hiệu chững lại, ông Hoàng Liên Sơn chia sẻ, muốn giảm giá bất động sản, trước hết Chính phủ cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu.
Thứ hai, thủ tục hành chính về đầu tư dự án và các vướng mắc pháp lý cần sớm được khơi thông. Khi thời gian chờ đợi pháp lý dự án càng lâu, chi phí bỏ ra càng nhiều, giá bất động sản tới tay người tiêu dùng càng cao.
Do đó, nút thắt trên thị trường hiện nay chính là pháp lý và nguồn vốn. Với những diễn biến trên thị trường hiện nay, giá bất động sản không thể giảm, bởi doanh nghiệp có thể chịu chậm thanh khoản chứ không thể giảm giá để bán nhanh nhưng chịu lỗ.
“Thị trường bất động sản hiện nay đã rất khác giai đoạn khủng hoảng trước đó. Lực cầu trên thị trường hiện nay còn rất lớn, nguồn tiền trong dân còn nhiều, chỉ cần Chính phủ tháo gỡ các nút thắt về nguồn vốn, tín dụng, trái phiếu, nó sẽ lại quay trở lại thị trường một cách mạnh mẽ. Hiện nay, các dự án tốt, chủ đầu tư uy tín vẫn thu hút được nguồn tiền của các nhà đầu tư”, ông Sơn nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này còn đưa ra dự báo, đến cuối năm, giao dịch chắc chắn sẽ tiếp tục chững lại. Nguồn vốn vào thị trường bất động sản, tài chính sẽ giảm đi, thay vào đó chuyển sang các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác.
Giá bất động sản sẽ không tăng mạnh như giai đoạn trước, nhưng giá sẽ vẫn tăng nhẹ, không giảm.