Thị trường bất động sản đang bị “đảo lộn” vì dịch bệnh?

Trái ngược với sự nhộn nhịp 3 tháng đầu năm, thị trường bất động sản (BĐS) đã bắt đầu chuyển sang trạng thái “đóng băng”, không giao dịch. Doanh nghiệp tạm dừng kế hoạch bán hàng để ứng phó với tình hình dịch Covid-19 bùng phát. Nhà đầu tư án binh bất động chờ hàng “cắt lỗ”.

Cuối tháng 4 vừa qua, dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát trở lại gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh. Mặc dù doanh nghiệp BĐS cũng đã thích ứng và chủ động xây dựng kịch bản phòng tránh dịch nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro và thiệt hại nhưng ảnh hưởng đến thị trường là không tránh được.

Bà Lâm Thị Thúy – Tổng Giám đốc MB Land chia sẻ, doanh nghiệp có 1 dự án tại Quảng Ninh vừa với được cấp Giấy phép bán hàng. Tuy nhiên, dịch bệnh lại ập đến, mọi kế hoạch đều phải hủy bỏ.

“Để chuẩn bị cho đợt mở bán, công ty đã bắt đầu chạy thị trường từ đầu tháng 4. Chi phí bỏ ra để quảng bá, PR bán hàng hơn mấy tỷ đồng mà dịch bỗng bùng phát trở lại, doanh nghiệp buộc phải hủy bán hàng. Điều này đồng nghĩa với tất cả các chi phí bỏ ra để chạy truyền thông trước đó trở về con số 0. Thiệt hại về tài chính là không ít. Sau dịch, chúng tôi lại bắt đầu chạy bán hàng, chi phí lại phải bỏ ra gấp đôi so kế hoạch” – bà Thúy cho biết.

Bà Lâm Thị Thúy – Tổng Giám đốc MB Land.  
Bà Lâm Thị Thúy – Tổng Giám đốc MB Land.  

Không chỉ việc mua bán các sản phẩm BĐS bị tác động mà tiến độ nhiều dự án cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Quy định hạn chế tụ tập nơi đông người, đặc biệt là thời gian cách ly toàn xã hội đã khiến việc thi công phải tạm dừng một thời gian khá dài. Điều này đã khiến tiến độ các dự án bị chậm chễ, ảnh hưởng đến việc bàn giao căn hộ cho khách hàng.

“Với chủ đầu tư và nhà thầu thi công thì thời gian là vàng. Tiến độ công trình được đẩy nhanh doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền. 2 tuần nay, dự án tại Bắc Ninh của chúng tôi đã buộc phải dừng hẳn trong khi tiền thuê máy móc, chi phí nhân công vẫn phải chi trả cho công nhân. Tôi tính thiệt hại đã lên đến vài chục tỷ đồng” – đại diện một công ty BĐS tại Bắc Ninh cho hay.

Cũng theo báo cáo thị trường của các đơn vị nghiên cứu thị trường BĐS, đầu tháng 4, hầu hết các điểm nóng BĐS đã hạ nhiệt. Thị trường hiện đã “cắt sốt” và đang quay trở lại thời điểm giảm cả về giao dịch và mức độ quan tâm.

Các địa phương xảy ra tình trạng sốt nóng như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng mức độ người tìm kiếm đã giảm 20 – 27%. Giá bán giảm mức trung bình 5 – 7 triệu đồng/m2, không có giao dịch. Thị trường đã xuất hiện tình trạng cắt lỗ, bỏ cọc lên đến vài trăm triệu đồng. Trong đó, nhiều nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính đã chấp nhận cắt lỗ 30%.

Thị trường bất động sản đang bị “đảo lộn” vì dịch bệnh? - Ảnh 1

Một nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, đầu tháng 4, anh đã đặt cọc 300 triệu đồng để mua 1 ô đất ở Dự án Kim Chung Di Trạch (Hoài Đức) với mức giá là 65 triệu đồng/m2. Nhưng, khi thấy thị trường có dấu hiệu giao dịch chậm lại, anh đã chấp nhận bỏ cọc 300 triệu đồng. Hiện lô đất anh đặt mua đang được chủ nhà giao bán giảm 7 triệu đồng/m2 nhưng vẫn chưa tìm được khách.

Có thể thấy, động lực tăng giá thời điểm đầu năm bắt nguồn từ nhiều xung lực liên quan đến hạ tầng, quy hoạch. Đây là thông tin “vàng” thu hút các nhà đầu tư tham gia thị trường đông đảo, mức độ tăng giá cao đã tạo ra con sóng đầu năm 2021. Khi tất cả thông tin tốt đã được công bố, đợt sốt này dần hạ nhiệt là điều rất bình thường.

Trước xu hướng này, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phiên Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội cho rằng, sau những cơn “sốt” đẩy giá lên, các nhà đầu tư chưa thể tham gia ngay mà cần chờ thị trường tự điều chỉnh xuống một ngưỡng hợp lý. Trong khi một vài điểm sốt nóng có giá tăng hợp lý thì không ít nơi lại xuất hiện giá ảo, gây rủi ro cho nhà đầu tư và hệ lụy cho các tổ chức, hoạt động kinh tế.

“Việc giao dịch giảm trong khoảng thời gian vừa rồi là do ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân. Tại những khu vực nóng, sẽ khó có các đợt bán tháo, cắt lỗ là điều tất yếu. Về dài hạn, thị trường BĐS đang dần lấy lại trạng thái cân bằng và chờ đợi cơ hội mới khi sắp tới bộ máy nhà nước đã hoàn thiện, khi các thông tin mới liên quan đến quy hoạch, hạ tầng tại các địa phương tiếp tục được công bố theo chu kỳ vào tháng 9 và tháng 12” – bà Hằng nhấn mạnh.

Uyển Nhi

Theo Kinh doanh & Phát triển