Thị trường mặt bằng bán lẻ khôi phục sau chuỗi ngày bị bỏ trống

Sự cạnh tranh gắt gao của ngành bán lẻ Việt vào thời điểm này được kỳ vọng sẽ giúp thị trường mặt bằng bán lẻ hồi sinh sau chuỗi ngày bị bỏ trống.

Cùng với sự phục hồi của thị trường bán lẻ, thị trường mặt bằng bán lẻ, thương mại trong nước nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng đã có những dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ sau thời gian ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.

Tỷ lệ lấp đầy khả quan

Theo báo cáo mới nhất của Cushman & Wakefield (C&W) Việt Nam trong quý II/2022 thị trường mặt bằng bán lẻ ở Tp.HCM tỷ lệ trống được ghi nhận ở mức 5,1%, giảm 0,4% so với quý trước.

C&W cho biết: “Đến cuối năm 2022, ước tính có khoảng 98.000m2 trung tâm thương mại gia nhập khu Đông và Tây TP. Hồ Chí Minh. Thị trường bán lẻ được kỳ vọng sẽ năng động hơn trong những năm sắp tới, khi ngày càng nhiều thương hiệu quốc tế đến với thị trường Việt Nam”.

Dự đoán mới đây của C&W cho thấy những vị trí mặt bằng bán lẻ còn trống sau quý II/2022 sẽ nhanh được lấp đầy trong thời gian tới. Toàn Tp.HCM không có thêm nguồn cung bán lẻ mới trong quý, tổng nguồn cung vẫn ổn định ở mức khoảng 1,1 triệu m2.

Đến cuối năm 2022, ước tính có khoảng 98.000m2 trung tâm thương mại gia nhập khu Đông và Tây TP. Hồ Chí Minh.
Đến cuối năm 2022, ước tính có khoảng 98.000m2 trung tâm thương mại gia nhập khu Đông và Tây TP. Hồ Chí Minh.

Theo C&W, những vị trí mặt bằng còn trống sẽ nhanh được lấp đầy bởi phần lớn các khách thuê trong ngành thời trang vẫn cần mở cửa hàng trưng bày để thu hút khách đến trải nghiệm. 

Tính đến hết quý II/2022, giá chào thuê trung bình toàn thị trường mặt bằng bán lẻ ở Tp.HCM đạt 49 USD/m2/tháng, tăng 4% so với năm 2021. Đến cuối năm nay, ước tính có 98.000m2 trung tâm thương mại gia nhập khu Đông và Tây Tp.HCM. 

Tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tăng mạnh, đạt khoảng 117 tỷ USD, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước. Một tín hiệu đáng mừng cho ngành bán lẻ là lượng khách du lịch quốc tế quý đến Việt Nam tăng gần gấp 7 lần so với năm 2021, đạt 600 ngàn người.

Trong khi đó, với thị trường nội địa ghi nhận gần 61 triệu lượt khách, điều này thể hiện tiềm năng thị trường trong nước vẫn còn dư địa rất lớn, giúp đẩy mạnh nhu cầu du lịch và mua sắm trong người dân, theo báo cáo của Tổng cục Du Lịch.

C&W phân tích, những khách thuê có tình trạng tài chính tốt qua đợt dịch năm 2021 cũng luôn có nhu cầu tìm kiếm mặt bằng đẹp để mở rộng hoạt động kinh doanh. Điều này giúp các chủ nhà tự tin hơn và đang có kế hoạch giữ nguyên hoặc nâng cao giá thuê.

Nhiều nhà bán lẻ lớn trong và ngoài nước như như MM Mega Market, AEON Mall, Central Retail, Saigon Co.op… đang thực hiện kế hoạch mở rộng thị trường, tăng quy mô cửa hàng so với thời điểm cuối năm 2021, điều này cũng khiến cho nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh tăng lên.

Trong quý II/2022, một loạt “đại gia” nước ngoài, đặc biệt là các nhà bán lẻ Nhật Bản, đã khai trương thêm cửa hàng hoặc thông báo kế hoạch mở rộng quy mô. Muji nhà bán lẻ của Nhật đang được giới trẻ ở Việt Nam ưa thích, cũng đã thừa thắng xông lên với cửa hàng thứ 4 tại Cresent Mall quận 7, bên cạnh cửa hàng đầu tiên tại Tp.HCM và 2 cửa hàng tại Hà Nội. Ban lãnh đạo Muji khẳng định xem Việt Nam là một thị trường lớn tại khu vực Đông Nam Á, có mức tăng trưởng GDP cao.

Cuối tháng 4/2022 vừa qua, Uniqlo đã tổ chức sự kiện khai trương cửa hàng mới rộng đến 3.000m2 tại Saigon Centre, thu hút đông đảo khách hàng đến tham dự và trải nghiệm. Hay như Aeon cũng đã có kế hoạch mở rộng chuỗi bán lẻ quy mô nhỏ, lên đến 100 cửa hàng MaxValu vào cuối năm 2025, và tăng từ 6 trung tâm thương mại hiện tại lên 16 trung tâm thương mại tương lai. 

Thích nghi với môi trường phát triển mới

Bên cạnh sự mở rộng của khối bán lẻ ngoại như trường hợp của các nhà bán lẻ Nhật Bản, theo đánh giá của chuyên gia C&W, một xu hướng mới đang nở rộ là việc hình thành hệ sinh thái đa ngành của các chủ đầu tư bất động sản nội địa, trong đó có ngành ăn uống và hàng tiêu dùng để cung cấp dịch vụ và sản phẩm thiết yếu cho khách hàng là cư dân, nhân viên văn phòng nội khu. 

“Nhờ đó, thay vì để trống diện tích bán lẻ trong dự án và chờ khách thuê đến, chủ đầu tư giờ đây có thể tự lấp đầy và vận hành dãy nhà phố hoặc khối đế thương mại”, phía C&W nhận định.

Các nhãn hàng xa xỉ xâm nhập mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam.
Các nhãn hàng xa xỉ xâm nhập mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam.

Ngoài ra, cần thấy rằng mặt bằng bán lẻ vẫn có chỗ đứng không thể thay thế được trong mô hình bán lẻ đa kênh đang nở rộ như hiện nay. Bởi lẽ, tuy đã có thời gian làm quen với việc mua hàng trực tuyến (online), nhưng khách hàng Việt vẫn sẵn sàng đến cửa hàng để được trải nghiệm sản phẩm trực tiếp.

Theo bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc, Cushman & Wakefield Việt Nam, sự phát triển của mạng xã hội và dịch vụ quảng cáo đi kèm cũng giúp thương hiệu giảm được áp lực tìm được mặt bằng đẹp, vị trí trung tâm để quảng bá thương hiệu. Đặc biệt, đối với các nhà bán lẻ đã có chỗ đứng trên thị trường như Zara và H&M (công ty bán lẻ thời trang đa quốc gia của Thụy Điển), đang chú trọng mở nhiều cửa hàng nhỏ phục vụ cư dân trong một khu vực bên cạnh duy trì cửa hàng flagship ở vị trí trung tâm để khẳng định thương hiệu và nâng cao trải nghiệm với khách hàng. Khách hàng Việt tuy đã có thời gian làm quen với việc mua hàng online, họ vẫn sẵn sàng đến cửa hàng để được trải nghiệm sản phẩm trực tiếp. Có thể thấy, mặt bằng bán lẻ vẫn có chỗ đứng không thể thay thế được trong mô hình bán lẻ đa kênh.

Bà Trần Phạm Phương Quyên, Trưởng bộ phận cho thuê mặt bằng bán lẻ của Savills Việt Nam cũng nhìn nhận, những tín hiệu phục hồi thị trường bán lẻ tích cực kéo nhu cầu thuê mặt bằng đã gia tăng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp dự kiến mở rộng kinh doanh cũng góp phần làm thị trường cho thuê sôi động hơn thời gian tới.

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng nhìn nhận, trong khi nguồn cung bất động sản bán lẻ tăng trưởng chậm 3 năm gần đây, thì nhu cầu của các nhãn hàng, các thương hiệu lớn nhỏ đang không ngừng phục hồi sau đại dịch. Các ông lớn bán lẻ trên thế giới không bỏ lỡ cơ hội phục hồi ngành bán lẻ, nhanh chóng nắm bắt thị trường khi mức giá cho thuê mới bắt đầu tăng nhẹ, lựa chọn mặt bằng tốt cho chiến lược dài lâu tại thị trường Việt Nam.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống