Thổ cư ven đô Hà Nội: 6 năm giá nhân 3, chuyên gia cảnh báo 'nóng'
Đón sóng hạ tầng, pháp lý đầy đủ... khiến giá đất thổ cư tại một số huyện ngoại thành Hà Nội như Hoài Đức, Đan Phượng, Đông Anh… tăng mạnh trong khoảng 2 tháng gần đây. Một số lô tăng cả chục triệu đồng/m2. Nếu tính từ 2018, sau 6 năm, giá đất ngoại thành đã nhân gấp 3 lần.
Tăng gần 10 giá trong vòng 2 tháng
Chị Vũ Phượng, 28 tuổi đang trọ ở Phương Canh, Hà Nội cho biết, vợ chồng chị không đủ tiền mua chung cư, giá quá cao, nên có ý định tìm kiếm đất thổ cư ở ngoại thành, khu vực Hoài Đức. Trước Tết âm, chị có tìm hiểu các khu Đại Tự, Kim Chung, Đức Thượng, Lại Yên, một ô thổ cư 50m2 có giá loanh quanh 35 - 40 triệu đồng/m2, giá trị khoảng dưới 2 tỷ. Thời điểm đó tài chính chưa đủ, vợ chồng chị chưa quyết, sau Tết âm chị quay lại đúng chỗ đó, nhưng chị bị ‘sốc’ bởi giá tăng quá nhanh.
“Vẫn mảnh đất đó, vẫn chủ cũ nhưng chỉ sau chưa đầy 2 tháng giá đã 48 - 50 triệu đồng/m2, mà chủ nhà còn thờ ơ không muốn bán, vì có quá nhiều người hỏi mua. Lúc giá thấp thì không đủ tiền, lúc có đủ tiền thì giá lại tăng quá cao, không biết khi nào mới mua được mảnh đất an cư”, chị Phượng tâm sự.
Trong hoàn cảnh tương tự, anh Mạnh Toàn (30 tuổi), người Thái Nguyên làm việc tại Nhà máy Canon, Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết, vợ chồng anh và 1 bé nhỏ đang tính mua mảnh đất ở khu Cổ Loa, Đông Anh. Trước Tết, anh có đi xem 1 mảnh 61m2 ở Xóm Đống với giá 2 tỷ đồng, vị trí này xe ô tô 7 chỗ vào được, 2 vợ chồng còn đắn đo chưa quyết. Đầu tháng 4/2024, đi hỏi mảnh tương tự cũng gần đó giá đã tăng thêm 300 - 400 triệu, có mảnh lên đến hơn 40 triệu đồng/m2.
Chị Thuý Nguyễn (40 tuổi), môi giới đất thổ cư ở Đông Anh chia sẻ, khu vực này có tăng giá nhưng không sốt, chỉ lên 2-3 giá, có nhiều nhà đầu tư hỏi mua tuy nhiên khu vực dân cư đã ổn định, lại chưa có quy hoạch hạ tầng giao thông nào mới như khu vực phía Tây Hà Nội, nên giá vẫn còn khá tốt.
Chị Thuý khuyên, nếu có nhu cầu ở thực hoặc mua để đấy dài hạn 5-7 năm, thì có thể thương lượng với chủ nhà 1-2 giá là chốt được. Càng để lâu giá thổ cư sẽ càng lên chứ không có giảm.
Theo anh Nguyễn Chí Sơn - môi giới BĐS với 6 năm kinh nghiệm tại một sàn ở Hoài Đức, đất thổ ở khu vực Hoài Đức hiện khá cao, các nhà đầu tư đang đổ về các vùng ven hơn như Đan Phượng, Thanh Oai… Giá ở đây cũng đà tăng theo chung cư, biệt thự, có mảnh đẹp vừa cọc hôm nay, ngày mai đã có nhà đầu tư khác trả chênh 2 giá rồi. Các nhà đầu tư quan tâm đến vị trí, hạ tầng, dân sinh hiện hữu, mảnh đất vuông vắn, cỡ dưới 100m2 rất dễ thanh khoản. Đặc biệt khu vực đón hạ tầng của vành đai 4 và cầu Hồng Hà, Cầu Mễ Sở.
“Có nhà đầu tư vừa cọc một lô cách đây có 15 ngày ở Đồng Sậy, thị trấn Phùng giá 57 triệu đồng/m2, mới công chứng sang tên xong, đã được nhà đầu tư khác trả với giá 61 triệu đồng/m2, lãi ngay 4 giá. Đất đẹp, lại trung tâm thị trấn như thế thì tăng nhanh lắm”, Chí cho hay.
Anh Nguyễn Văn Sáng (38 tuổi), người dân tại huyện Đan Phượng cho hay, bản thân anh cũng là một người đầu tư đất, và có giao dịch thời điểm này. Theo anh Sáng, thị trường thổ cư tại Đan Phượng, Hoài Đức gần đây tăng giá theo sóng khu Tây Hà Nội và hạ tầng đường vành đai 4. Mặt đường lớn của thị trấn Phùng hiện nay giá trung bình 100 triệu đồng/m2, mảnh ở đường nhỏ 60 – 80 triệu đồng. Tăng so với trước Tết âm phải đến gần 10 giá.
“Tôi mới bán miếng đất dự án ngày 01/04/2024, có sổ ở khu Ao Ngòi, Hoài Đức, gần khu đô thị Nam 32, mua năm 2018 là 22 triệu đồng, sau 6 năm giá chuyển nhượng là 65 triệu đồng/m2. Tính ra 6 năm nhân 3 giá trị miếng đất, giá chỉ tăng mạnh dịp vừa rồi, chứ trước Tết cũng chỉ trả đến 50 triệu đồng/m2”, anh Sáng vui vẻ nói thêm.
Sóng nhỏ, cẩn trọng khi xuống tiền
Chuyên gia BĐS Trần Minh cho hay, lượng tiền đổ vào bất động sản là có thực, tuy nhiên sóng này khá là ngắn, chỉ khoảng 6 - 8 tháng, khiến bất động sản Hà Nội tăng từ 30 - 50%, trong đó có phân khúc thổ cư ngoại thành Hà Nội.
Nguyên nhân là do các dự án chung cư mới nội đô Hà Nội, giá mở bán hiện nay rất cao, 70 triệu – 100 triệu đồng/m2, lại khan hiếm nguồn cung, nên các nhà đầu tư với khẩu vị ăn chắc mặc bền, thích đất thổ, đi tìm những sản phẩm tại các huyện ngoại thành như Hoài Đức, Đan Phượng… với mức giá khoảng 25 – 40 triệu đồng/m2, giá chỉ bằng 1 nửa, thậm chí 1/3 so với chung cư. Đất có sổ ngay, để ở có thể xây 4 - 5 tầng hoặc xác định đầu tư để dài hạn 5 - 7 năm, đón hạ tầng giao thông hoàn thiện trong tương lai. Sóng lần này khác sóng ở chu kỳ 2019 – 2021, thời điểm đó kinh tế phát triển tốt, nó có quá trình tích luỹ ổn định và dài hạn.
“Lần này sóng nhỏ và theo khu vực, chứ chưa lan rộng, ví như các dự án sẽ được dân đầu cơ, các sàn bất động sản mua đi, bán lại khoảng 20% -30% nguồn hàng, lập tức tạo thanh khoản, đẩy giá tăng. Chính vì vậy nếu mua để ở thực thì không cần đắn đo nhiều, nhưng ở góc độ đầu tư, phải cẩn trọng khi quyết định xuống tiền tại thời điểm tăng quá nhiều như thế này”, ông Minh nhấn mạnh.
Theo anh Trần Tuấn Quỳnh - chuyên viên làm thủ tục giấy tờ của một văn phòng công chứng ở Yên Xá, Thanh Trì, văn phòng của Toản với 30 nhân viên, 1 tháng lấy gần 1,500 số để làm thủ tục cho khách hàng. Tính ra trung bình khoảng 700 – 800 bộ hồ sơ trông 1 tháng tại văn phòng đăng ký đất đai. Tuy nhiên, phần nhiều trong số đó là đầu tư, sang tên, lướt sóng, chỉ có khoảng 30% nhu cầu thực.
“Tháng 3 vừa rồi, tôi cầm đến gần 30 bộ hồ sơ của khách hàng để sang tên đổi chủ, chủ yếu là khu Đại Thanh, Linh Đàm, liền kề của Tổng cục 5 Tân Triều. Khoảng 60 - 70% là các nhà đầu tư lướt sóng, đất chưa có sổ, sang tên, văn bản chuyển nhượng. Có người mới cọc xong, lướt được ngay 1 -2 giá là sang tên, chứ mua ở thực không nhiều.”, anh Quỳnh nói thêm.
Bà Từ Thị Kim Ngọc, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, giao dịch chuyển nhượng tại khu vực này qua văn phòng không tăng và người dân đến làm giao dịch đảm bảo là chủ yếu.
Còn ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam khẳng định, thị trường không ở trong giai đoạn “sốt” bởi giao dịch có tăng nhưng không nhiều. Với người có nhu cầu ở thực vẫn cân nhắc, còn với nhà đầu tư vẫn lăn tăn thời điểm xuống tiền.